Không chỉ là rau gia vị, trong đông y, tía tô còn là vị thuốc quý. Toàn cây tía tô từ thân, lá, cành, hạt đều cho ra vị thuốc để điều trị các chứng bệnh.
Theo TS - BS Phan Minh Đức, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu y, dược học Tuệ Tĩnh (Hà Nội), cây tía tô rất gần gũi, được sử dụng hàng ngày trong các loại rau gia vị.
Ngoài ra, tía tô còn được sử dụng trong đông y rất nhiều, là một vị thuốc quý, sử dụng được toàn cây. Từ thân, lá, cành, hạt tía tô đều cho ra vị thuốc để điều trị các chứng bệnh trong đông y hiệu quả. Tác dụng chính trong y học cổ truyền là phát tán phong hàn, lý khí sơ thông và giải độc.
Tía tô là vị thuốc trong y học cổ truyền SHUTTERSTOCK
BS Đức cho hay cây tía tô cũng được y học hiện đại nghiên cứu rất nhiều. Qua nhiều nghiên cứu, phát hiện cây tía tô có chứa hơn 270 dược chất khác nhau, trong đó có các dược chất rất quý như: nhóm dược chất chống ô xy hóa tế bào thông qua luteolin flavonoid; nhóm kháng khuẩn thông qua các chất polyphenol; có các chất thuộc nhóm chống viêm, nhóm chống dị ứng, các nhóm chống ung thư và đặc biệt là chống rối loạn trầm cảm.
Ngoài các công dụng dược lý ở trên, đối với cây tía tô, mỗi cách chiết xuất khác nhau thì thân, lá và hạt sẽ cho ra các hoạt tính đặc biệt có thể tham gia điều trị một số bệnh như HIV, hen suyễn, viêm gan.
Lưu ý cách dùng tía tô trong làm sáng da
Trước thông tin đang được cộng đồng chia sẻ về tác dụng làm đẹp (trị mụn, làm sáng da) của tía tô, BS Đức cho hay cách sử dụng lá tía tô đơn giản, đó là có thể giã lá tía tô tươi đắp làm mặt nạ giúp làm trắng và sáng da. Ngoài ra, đối với một số trường hợp, khi đắp lá tía tô tươi cũng giúp người bệnh nhanh hết mụn, đỡ thâm.
"Nếu chị em nào có nguồn lá tía tô tươi, sạch thì có thể sử dụng phương pháp giã và đắp lá tía tô để làm trắng, sáng da", BS Đức chia sẻ.
BS Đức lưu ý, theo y học cổ truyền thì những người âm hư nội nhiệt sẽ không sử dụng lá tía tô; người bị ra mồ hôi nhiều, người không phải ngoại cảm phong hàn cũng không nên dùng.
Qua báo cáo lâm sàng, có một số trường hợp ngửi phải khói của hạt tía tô rang có thể gây ra cơn hen suyễn. Cũng có báo cáo về một số trường hợp sốc phản vệ do dùng hạt tía tô. Những trường hợp này tuy hiếm nhưng những người có cơ địa dị ứng nên chú ý trước khi sử dụng. "Lá cây mình nên dùng thử một chút, xát lên vùng cổ tay, nếu không xảy ra hiện tượng mẩn ngứa hay dị ứng gì thì chúng ta có thể dùng", BS Đức hướng dẫn.
Đối với những người sử dụng hạt tía tô, có thể giã hạt ra và xát vào vùng cánh tay. Nếu sau 5 - 10 phút không có hiện tượng mẩn ngứa, dị ứng thì có thể sử dụng bình thường. Đó là lưu ý đối với những người có cơ địa dị ứng. Còn thông thường, việc đó không nhất thiết vì báo cáo lâm sàng này hiếm gặp, không phổ biến.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/bat-ngo-ve-cong-dung-cua-la-tia-to-voi-suc-khoe-185231013092535284.htm