Số trẻ nhiễm virus hợp bào hô hấp và cúm A có xu hướng gia tăng ở miền Bắc. Ở TP HCM, thời tiết nóng - lạnh thất thường cũng làm nhiều người đổ bệnh
Bệnh viện Nhi trung ương cho biết từ đầu 2023 đến nay, Trung tâm Hô hấp của bệnh viện ghi nhận hơn 1.100 ca nhiễm virus hô hấp hợp bào (RSV), tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, số trẻ nhập viện trong tháng 3 cũng tăng 30% so với tháng trước. Nhiều trường hợp mới 1-3 tháng tuổi bị biến chứng nặng, phải thở máy.
Trở nặng chỉ sau nửa ngày bị ho
Mẹ bệnh nhi T.T.A (3 tháng tuổi, ở Hà Nội) cho biết trước khi nhập viện, bé sốt 38,5 độ C và chỉ sau nửa ngày bị ho, khò khè thì bé đã thở rút lõm lồng ngực, bác sĩ chỉ định nhập viện.
PGS-TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp - Bệnh viện Nhi trung ương, cho biết dù các trường hợp mắc virus RSV có thể xuất hiện quanh năm nhưng tháng 3 và 8 hằng năm vẫn được coi là đỉnh dịch. Trong vòng một tháng qua, số lượng bệnh nhân vào Trung tâm Hô hấp tăng nhanh, hiện có hơn 30 bệnh nhi đang điều trị, 50% trong số đó có biến chứng viêm phổi và suy hô hấp.
Trẻ mắc virus RSV gặp biến chứng nặng điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương
"Thời gian qua, hơn 20 giường tại 4 buồng dành riêng cho trẻ nhiễm RSV tại Khoa Hồi sức hô hấp luôn kín bệnh nhi. Không chỉ gia tăng mà diễn biến các ca bệnh có chiều hướng phức tạp và nặng hơn. Nhiều trẻ có dấu hiệu ban đầu là sổ mũi, ho khò khè nhưng khi nhập viện đã rất nặng với biến chứng viêm phổi, suy hô hấp với biểu hiện thở rút lõm lồng ngực, thậm chí tím tái" - PGS Hanh nói.
Theo PGS Hanh, trẻ dưới 2 tuổi, đặc biệt là từ 6-8 tháng dễ mắc RSV nhất. Để xác định có nhiễm virus RSV hay không phải làm các xét nghiệm để tìm virus trong dịch tiết đường hô hấp.
Nguy cơ lây lan rộng
Nhiễm trùng RSV có thể gây ra các hội chứng lâm sàng đa dạng, từ triệu chứng nhẹ giống cảm lạnh trong 1-3 ngày đầu đến các biểu hiện của nhiễm trùng đường hô hấp trên (chảy nước mũi trong/keo dính, ho, hắt hơi, sốt), viêm tiểu phế quản, viêm phổi, cơn hen kịch phát và thở khò khè. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, RSV có thể gây ra viêm tiểu phế quản nặng và có thể dẫn tới tử vong. Ở trẻ lớn hơn và người lớn không mắc bệnh lý nền hay các yếu tố nguy cơ, RSV thường gây nhiễm trùng đường hô hấp trên lặp đi lặp lại.
Các bác sĩ cho biết cũng giống như nhiều virus gây bệnh đường hô hấp khác, RSV có thể lây truyền qua các giọt bắn có chứa virus RSV được thải ra từ người bệnh qua ho, hắt hơi. Nếu bố mẹ không biết con nhiễm bệnh sẽ dễ khiến virus này phát tán rộng trong cộng đồng. Bệnh do RSV gây ra không có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin dự phòng nên cần cho trẻ uống nhiều nước, dùng thuốc hạ sốt và bảo đảm chế độ dinh dưỡng tốt, giàu vitamin… Trẻ có thể tự khỏi bệnh nhưng cần theo dõi sát để phát hiện các dấu hiệu nặng và đưa trẻ tới bệnh viện, cơ sở y tế kịp thời. Những trường hợp bội nhiễm phổi phải uống kháng sinh, truyền dịch, thậm chí hỗ trợ thở ôxy…
"Trẻ mắc RSV có thể tự khỏi sau 5-7 ngày. Tuy nhiên, với bệnh nhi sinh non, có bệnh lý nền, bệnh diễn biến nhanh, để lại di chứng nặng nề như suy hô hấp, thậm chí tử vong nên trẻ cần được phát hiện và điều trị sớm. Khi có các biểu hiện như sốt cao, co giật, tím tái, bỏ bú, ăn kém, thở nhanh rút lõm lồng ngực… cần đưa con nhập viện ngay" - PGS Hanh lưu ý.
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/suc-khoe/canh-giac-voi-bien-chung-benh-ho-hap-20230320200824794.htm