Bác sĩ cảnh báo, căn bệnh chỉ gặp ở nam giới này nếu không được điều trị đúng cách có thể khiến bệnh nhân phải mở bàng quang và đi tiểu qua đường bụng suốt đời.
Bác sĩ Nguyễn Bá Hiệp, Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) cho biết, ông cùng cộng sự vừa điều trị thành công cho một bệnh nhân rất lớn tuổi, mang khối u tiền liệt tuyến.
Bệnh nhân là ông T.A. (98 tuổi). Theo lời kể của người nhà, hơn 1 năm trước ông đã phát hiện một khối u, nhưng vì tuổi cao, sức khỏe không đảm bảo nên không thể phẫu thuật. Hơn nữa nếu mổ bằng phương pháp truyền thống, bệnh nhân sẽ không còn đi vệ sinh được như bình thường, rất bất tiện và ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống.
Người con U80 chăm sóc cha bị u tiền liệt tuyến tại bệnh viện (Ảnh: XB).
Theo thời gian, khối u ngày càng phát triển. Đến gần đây, cụ ông không còn đi tiểu được, nên gia đình đưa đi bệnh viện cấp cứu. Thời điểm nhập viện, cụ ông trong tình trạng nôn ói, vùng bụng dưới phình lên và không đi đứng được.
Sau khi kiểm tra, bác sĩ xác định đây là bệnh nhân u tuyến tiền liệt rất lớn tuổi. Nếu dùng phương pháp mổ hở hoặc cắt đốt nội soi thông thường để điều trị, sức khỏe bệnh nhân không cho phép. Mặc khác, việc can thiệp thất bại sẽ khiến bệnh nhân phải mở bàng quang ra da và đi tiểu qua đường bụng suốt đời. Điều này sẽ khiến bệnh nhân mặc cảm, tạo thêm gánh nặng chăm sóc cho gia đình.
Sau khi cân nhắc, các bác sĩ quyết định sẽ dùng laser bóc tách toàn bộ khối u tuyến tiền liệt cho bệnh nhân, sau đó hút ra ngoài bằng máy xay mô (Morcellator). Phương pháp này có ưu thế là hạn chế tối đa việc bệnh nhân bị ảnh hưởng sức khỏe. Đến ngày thứ 2 sau can thiệp, bệnh nhân đã được rút ống thông tiểu và sinh hoạt bình thường. Sau 5 ngày điều trị, cụ A. đã được xuất viện.
Bệnh nhân được phẫu thuật bóc tách khối u bằng laser (Ảnh: XB).
Theo bác sĩ Hiệp, cụ A. là một trong những bệnh nhân u tuyến tiền liệt lớn tuổi nhất mà ông từng tiếp nhận điều trị tại Bệnh viện Thống Nhất.
Ở các trường hợp này, vấn đề lo ngại nhất là việc bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền, như tiểu đường, tăng huyết áp, đặc biệt là tim mạch, thiếu máu cơ tim… Trong lúc mổ, bệnh nhân có thể bất ngờ gặp tai biến nhồi máu cơ tim, dẫn đến tử vong. Do đó, bệnh nhân nên được điều trị ở những cơ sở có hệ thống can thiệp tim mạch mạnh, để nếu gặp vấn đề trên bàn mổ sẽ được hỗ trợ, can thiệp kịp thời.
Cũng theo bác sĩ Hiệp, bệnh u tuyến tiền liệt là căn bệnh chỉ xảy ra ở nam giới, liên quan đến nội tiết tố, thường xuất hiện ở người trên 55 tuổi. Triệu chứng điển hình của bệnh là đi tiểu đêm rất nhiều (một đêm đi từ 5-7 lần trở lên), phải rặn hoặc phải khởi động mới đi tiểu được. Sau khi tiểu xong, người bệnh cứ có cảm giác còn nước tiểu, hoặc nặng hơn nữa là bí tiểu.
Bác sĩ cảnh báo bệnh nhân khi thấy tiểu khó, tiểu đêm nhiều lần liên tục nên đi khám để kịp thời xác định bệnh (Ảnh: VT).
U tuyến tiền liệt nếu phát hiện trễ sẽ khiến bệnh nhân ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, làm mất ngủ khi phải tiểu nhiều lần, có thể gây ra trĩ, yếu thành bụng, viêm bàng quang, nhiễm trùng đường tiểu, thậm chí gây ra suy thận.
Vì triệu chứng của bệnh không điển hình, dễ nhầm lẫn với các tình trạng khác (như bàng quang tăng hoạt), bác sĩ khuyến cáo người dân khi thấy các bất thường nêu trên cần đến bệnh viện sớm để được xác định đúng tình trạng và can thiệp phù hợp.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/suc-khoe/can-benh-la-hiem-hoa-cua-nam-gioi-canh-giac-khi-mot-dem-tieu-5-7-lan-20230316153327821.htm