Bệnh thận mãn tính giai đoạn đầu có thể không có dấu hiệu hoặc triệu chứng. Trên thực tế, người mắc bệnh thận mãn tính có thể mất tới 90% chức năng thận trước khi gặp bất kỳ triệu chứng nào.
Bệnh thận: Thầm lặng nhưng nguy hiểm
Thận đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe tổng thể của bạn. Thận khỏe mạnh tạo ra nước tiểu, loại bỏ chất cặn bã và nước thừa ra khỏi máu, kiểm soát sự cân bằng hóa học của cơ thể, điều hòa huyết áp, giúp duy trì xương khỏe mạnh và giúp bạn sản sinh tế bào hồng cầu.
Bệnh thận mãn tính ảnh hưởng đến 10% dân số trên toàn thế giới, là sự mất dần chức năng của thận. Bệnh thận mãn tính có thể gây ra bệnh tim mạch, đau tim và đột quỵ, huyết áp cao, xương yếu, tổn thương thần kinh, suy thận, thiếu máu và thậm chí tử vong.
Bệnh thận được mệnh danh là sát thủ vô hình, do giai đoạn đầu bệnh không có triệu chứng rõ ràng. Vì vậy, dù bệnh nhân sưng nhẹ mắt cá chân và mí mắt cũng có thể thuyên giảm và tự biến mất. Đến khi các triệu chứng điển hình xuất hiện rõ rệt và tồn tại dai dẳng, bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Phù là một trong những dấu hiệu rất điển hình của thận yếu. Bên cạnh đó, một số dấu hiệu bất thường trên da cũng có thể liên quan đến tổn thương ở cơ quan này:
Da bị ngứa
Thông thường ngứa da là do các bệnh ngoài da gây ra, nhưng ngứa da lâu ngày không thuyên giảm có thể là tín hiệu của các bệnh lý bên trong cơ thể. Ví dụ, bệnh nhân suy thận mãn tính cũng có thể bị ngứa da ở nhiều mức độ khác nhau do da khô, nồng độ histamine huyết thanh cao, rối loạn chuyển hóa canxi và phốt pho trong cơ thể, cường tuyến cận giáp.
Da sẫm màu
Sau khi thận bị tổn thương và bị bệnh, chức năng lọc của thận sẽ bị suy giảm khiến các chất cặn bã không được thải ra ngoài kịp thời, làn da sẽ trở nên đen sạm và xỉn màu.
Các đốm xuất huyết đối xứng trên da
Sau khi chức năng thận bị tổn thương, việc bài tiết chất độc trong cơ thể bị ảnh hưởng, cùng với sự tích tụ của chất độc, mạch máu cũng sẽ trở nên bất thường dẫn đến xuất hiện những nốt xuất huyết đối xứng trên da.
Làm thêm 4 việc để bảo vệ thận
Muốn không bị bệnh thận tấn công thì phải làm tốt việc bảo vệ thận hàng ngày. Các chuyên gia khuyến cáo, để bảo vệ thận hãy thực hiện 4 việc sau:
Uống đủ nước
Chúng ta cần chú ý đến việc uống đủ lượng nước cơ thể cần hàng ngày. Khi uống đủ nước thì lượng nước tiểu cũng tăng lên, có thể làm giảm nồng độ một số chất thải chuyển hóa như axit uric và giảm tổn thương cho thận.
Tránh thức khuya
Sau một ngày làm việc, buổi tối thận cũng cần được nghỉ ngơi hợp lý. Tuy nhiên thói quen thức khuya trong thời gian dài sẽ khiến đồng hồ sinh học của thận bị rối loạn, không được nghỉ ngơi kịp thời sẽ ảnh hưởng đến quá trình bài tiết chất độc trong cơ thể và gây tổn thương thận. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, chúng ta phải làm việc và nghỉ ngơi một cách khoa học, đảm bảo ngủ đủ giấc để vừa bảo vệ thận, vừa tốt cho sức khỏe tổng thể.
Tránh nhịn tiểu
Dù bận rộn đến đâu, bạn cũng đừng nhịn tiểu, đi tiểu thường xuyên có thể đào thải kịp thời các chất thải trao đổi chất ra khỏi cơ thể và giảm tổn thương cho thận.
Ăn uống điều độ và tập thể dục thường xuyên
Vì đái tháo đường và huyết áp cao có thể dẫn đến các vấn đề về thận, hãy đảm bảo duy trì một lối sống lành mạnh bao gồm ăn uống đầy đủ và tập thể dục thường xuyên để giữ vóc dáng cân đối. Cần lưu ý là không được tập thể dục quá cực đoan, gắng sức quá mức khi không khỏe có thể gây căng thẳng cho thận.
Theo Minh Nhật/ Dân trí
https://dantri.com.vn/suc-khoe/co-3-dau-hieu-nay-tren-da-co-the-than-dang-cau-cuu-20220524071558962.htm