190
/
125860
Cảnh báo biến chứng viêm cơ tim ở trẻ hậu Covid-19
canh-bao-bien-chung-viem-co-tim-o-tre-hau-covid-19
news

Cảnh báo biến chứng viêm cơ tim ở trẻ hậu Covid-19

Thứ 2, 28/03/2022 | 09:34:56
1,549 lượt xem

Trẻ đến khám hậu Covid-19 với biểu hiện tức ngực, mệt mỏi nhẹ, được chẩn đoán bị viêm cơ tim cấp sau khi làm xét nghiệm, siêu âm tim, điện tim. Triệu chứng viêm cơ tim ở trẻ thường nghèo nàn, mơ hồ.

Đây là trường hợp một bệnh nhi 6 tuổi ở, Yên Sơn, Tuyên Quang, đã âm tính với SARS-CoV-2. Gia đình đưa con đến khám tại Bệnh viện Hùng Vương (Phú Thọ) với các triệu chứng rất mờ nhạt tức ngực, mệt mỏi nhẹ, mọi sinh hoạt ăn, uống và chỉ số sinh tồn hoàn toàn bình thường. 

Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số troponin tăng bất thường. Trẻ được chỉ định làm điện tâm đồ và siêu âm tim để đánh giá chức năng và đo chỉ số Ef (chỉ số dùng để đánh giá khả năng bơm máu của tim). Kết quả cho thấy trẻ bị viêm cơ tim cấp nên ngay lập tức được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội). 

Cảnh báo biến chứng viêm cơ tim ở trẻ hậu Covid-19 - 1

Triệu chứng viêm cơ tim ở trẻ thường nghèo nàn (Ảnh minh họa: T. D).

Trước đó, bệnh viện cũng ghi nhận một số trẻ từ sơ sinh đến trên dưới 10 tuổi bị viêm cơ tim cấp khi đến khám do mắc Covid-19 hoặc đã âm tính. Trẻ thường đến với các triệu chứng nghèo nàn, mơ hồ như mệt, đau bụng, nôn, buồn nôn, sốt nhẹ, đau tức ngực...

Bác sĩ khuyến cáo cha mẹ không nên quá hoảng hốt và đi khám hậu Covid-19 đại trà vừa lãng phí, tốn kém và tăng khả năng lây nhiễm hoặc tái nhiễm. Tuy nhiên khi có bất cứ triệu chứng bất thường nào liên quan đến sức khỏe, như mệt mỏi kéo dài, đau tức ngực, đau bụng, nôn, buồn nôn, sốt nhẹ, khó thở, mạch nhanh, sốt... người dân nên đi khám sớm để được bác sĩ tư vấn nhất là với trẻ em và người lớn tuổi. 

Viêm cơ tim là tình trạng viêm các tế bào cơ tim và biến chứng nguy hiểm thường gặp là rối loạn nhịp thất, đợt suy tim cấp tính nặng thậm chí sốc tim gây tử vong. Nguyên nhân được thống kê chủ yếu là do virus - chiếm > 50% số ca bệnh. Ước tính khoảng 7% số ca mắc Covid-19 có rối loạn chức năng tim mạch là do viêm cơ tim. 

Dấu hiệu nhận biết viêm cơ tim hầu như là không đặc hiệu. Đa phần tình trạng đau tức nặng ngực trái xuất hiện sau đợt viêm long đường hô hấp trên (chảy mũi, đau họng, viêm mũi...), sốt, khó thở hoặc có thể biểu hiện cấp tính bởi tình trạng khó thở cấp, suy tim cấp, rối loạn nhịp nguy hiểm... 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới hội chứng hậu Covid-19 có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch ngay cả khi bị bệnh nhẹ, ở những người trẻ tuổi, không có các yếu tố nguy cơ khác.

Theo CDC Hoa Kỳ, dữ liệu từ hơn 900 bệnh viện cho thấy Covid-19 là thủ phạm hàng đầu gây viêm cơ tim ở trẻ em < 16 tuổi. Tỷ lệ viêm cơ tim ở trẻ bị nhiễm là 0,133%, nguy cơ mắc viêm cơ tim ở trẻ mắc Covid-19 cao hơn 37 lần so với nhóm không mắc virus này.

BS Đinh Thế Tiến, khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cho biết theo nhiều nghiên cứu biến chứng viêm cơ tim có thể xuất hiện ở trẻ sau mắc Covid-19, tuy nhiên tần suất vô cùng ít, vài trường hợp trên vài nghìn ca bệnh. Ngoài ra, biểu hiện viêm cơ tim ở trẻ thường nhẹ, đau ngực một chút, biến đổi một chút trên điện tim. Trẻ chỉ cần uống một số thuốc có thể hết tình trạng này, rất ít trường hợp có triệu chứng phải nhập viện. 

"Bản thân tôi đã khám cho một số trẻ tuy nhiên chưa có trường hợp nào nghiêm trọng đến mức phải nhập viện. Vì thế, cha mẹ cần cảnh giác nhưng không nên quá lo lắng", BS Tiến nói. 

Sau khi khỏi Covid-19, cha mẹ có thể cho con đi khám để bác sĩ đánh giá, nghe tim xem có gì bất thường, cần thiết có thể làm siêu âm tim, điện tim… Nhóm đối tượng cần chú ý là những trường hợp có bệnh tim bẩm sinh, bệnh nền từ trước… 

Cảnh báo biến chứng viêm cơ tim ở trẻ hậu Covid-19 - 2

4-12 tuần sau khi mắc Covid-19, cha mẹ có thể đưa con đến bệnh viện kiểm tra (Ảnh khám sức khỏe cho trẻ hậu Covid-19 tại Bệnh viện Đức Giang: BVCC).

Theo PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, hậu Covid-19 có thể gây ảnh hưởng tới hầu hết các cơ quan trong cơ thể. Khi cha mẹ thấy con có các triệu chứng như mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ, ho kéo dài, đau họng, khó thở, nặng ngực, hồi hộp đánh trống ngực, sốt cao liên tục, môi lưỡi đỏ, phát ban ngoài da… hoặc thấy xuất hiện bất kỳ dấu hiệu/triệu chứng nào mà trước khi mắc Covid-19 trẻ không có, cần cho bé đi khám tại các cơ sở y tế để xác định bệnh cũng như có chế độ điều trị, can thiệp và chăm sóc hợp lý.

Trường hợp trẻ phải nhập viện trong đợt mắc Covid-19 cấp tính, cha mẹ nên cho con đi khám lại theo lịch hẹn của cơ sở y tế (nếu có). 

Ngoài ra, dù trẻ không có các triệu chứng nghi ngờ của hậu Covid-19, cha mẹ có thể đưa con tới khám bác sĩ nhi khoa vào khoảng thời gian 4 - 12 tuần sau mắc để được kiểm tra, tư vấn về các vấn đề sức khỏe của trẻ.

Theo Nam Phương/Dân trí

https://dantri.com.vn/suc-khoe/canh-bao-bien-chung-viem-co-tim-o-tre-hau-covid19-20220328074731941.htm

  • Từ khóa

Bộ Y tế yêu cầu xử lý triệt để ổ dịch bạch hầu

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa có văn bản gửi Sở Y tế tỉnh Cao Bằng; Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương về việc chủ động tăng cường công tác...
10:40 - 26/11/2024
65 lượt xem

Phát hiện giờ ăn giúp người 50 tuổi tránh bệnh tiểu đường

Gần đây khoa học liên tục phát hiện ra rằng không chỉ chất lượng và số lượng thực phẩm bạn ăn mà thời điểm ăn rất vô cùng quan trọng đối với sức khỏe,...
10:55 - 26/11/2024
63 lượt xem

Tỉ lệ trầm cảm sau sinh tăng gấp đôi trong thập kỷ qua

ABC News dẫn lại một nghiên cứu mới với hơn 440.000 người từ Kaiser Permanente Southern California, cho thấy tỉ lệ trầm cảm sau sinh đã tăng gấp đôi trong...
07:26 - 26/11/2024
149 lượt xem

Bình Định ra văn bản khẩn sau 4 ca tử vong liên quan cúm A/H1pdm

Sở Y tế Bình Định đã ra văn bản khẩn đề nghị các cơ sở y tế trên địa bàn tăng cường phòng, chống dịch bệnh cúm A/H1pdm.
15:40 - 25/11/2024
529 lượt xem

Phát hiện mới về loại bánh mì tốt nhất để giảm nguy cơ ung thư

Trong nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí nghiên cứu Current Developments in Nutrition, các nhà khoa học quốc tế đã nghiên cứu xem việc tiêu thụ...
14:51 - 25/11/2024
547 lượt xem