L.T.T. (21 tuổi, ở quận 12, TP.HCM) phát hiện dương tính, được bạn bè mua giúp các loại thuốc theo các triệu chứng T. dặn. Dù bệnh khá nhẹ (ho, khàn giọng, sổ mũi...) nhưng toa thuốc T. nhận được rất nhiều loại, trong đó có kháng sinh.
Hiện nay triệu chứng phổ biến của bệnh nhân nhiễm COVID-19 là ho, đau họng, sổ mũi... nhưng nhiều hiệu thuốc bán luôn các loại kháng sinh - Ảnh: NAM TRẦN
Cần phải nhớ, kháng sinh là thuốc kê toa, việc người dân mua thuốc kháng sinh không có toa tồn tại bao nhiêu năm nay nhưng vẫn chưa khắc phục được.
PGS Trần Văn Ngọc (phó chủ tịch Hội Phổi Việt Nam)
Số ca nhiễm COVID-19 cả nước liên tục tăng cao, phần lớn cách ly, điều trị tại nhà. Nhiều người nhiễm COVID-19 chỉ với triệu chứng nhẹ như ho, sốt, sổ mũi... nhưng lại tự mua và uống kháng sinh dù đây là thuốc kê toa.
Theo các chuyên gia và bác sĩ, tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam đã đáng báo động, trong bối cảnh dịch bệnh còn đáng lo ngại hơn. Dự kiến thời gian tới, tình trạng kháng kháng sinh vô cùng nghiêm trọng.
Mắc COVID-19 nhẹ cũng uống kháng sinh
Với độ phủ vắc xin cao và biến thể Omicron ít gây bệnh nặng hay tử vong hơn Delta, phần lớn bệnh nhân nhiễm COVID-19 đều gặp triệu chứng nhẹ, điều trị tại nhà. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm người bệnh thoải mái uống thuốc kháng sinh, corticoid... để điều trị COVID-19 nhiều nhất.
Bị dương tính và uống thuốc đều đặn khi cách ly tại nhà nhưng đến ngày thứ 9 em M.A. (12 tuổi) xét nghiệm nhanh lại vẫn còn dương tính. Đơn thuốc em A. được bác sĩ tư vấn có 7 loại, trong đó có corticoid (Solupred 20mg), kháng sinh Augmentine 1g...
Theo PGS Trần Văn Ngọc - phó chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, trường hợp trên là ví dụ điển hình của việc lạm dụng, dùng thuốc không đúng làm virus kéo dài trong người, dù bệnh nhân không có bệnh nền kèm theo.
Sinh viên L.T.T. (21 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM) phát hiện dương tính, được bạn bè mua giúp các loại thuốc theo các triệu chứng mà T. dặn. Dù bệnh khá nhẹ (ho, khàn giọng, sổ mũi...) nhưng toa thuốc T. nhận được rất nhiều loại, trong đó có kháng sinh.
ThS Nguyễn Đình Tỉnh - giảng viên bộ môn nhi, Trường đại học Y tế công cộng (Hà Nội) - cho biết việc sử dụng kháng sinh hiện nay đang tràn lan, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Trong số các bệnh nhi mà bác sĩ Tỉnh tư vấn, rất nhiều phụ huynh cho biết các hiệu thuốc đều bán kháng sinh cho trẻ khi trẻ có biểu hiện ho, sốt.
"Tôi đã từng tư vấn cho rất nhiều bệnh nhi. 10 phụ huynh gửi đơn thuốc đến nhờ tư vấn thì có đến 7 - 8 đơn thuốc có kê kháng sinh. Thậm chí không chỉ một loại mà vài loại kháng sinh. Sau khi sử dụng kháng sinh, sức khỏe thậm chí không được cải thiện mà còn gây mệt mỏi hơn. Một số trường hợp dị ứng, đau bụng", bác sĩ Tỉnh nói.
Gây hại cho gan, thận
PGS Trần Văn Ngọc cho rằng nếu không kiểm soát, quản lý chặt chẽ thì tình trạng kháng kháng sinh trong những năm tới vô cùng nghiêm trọng.
Đồng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm cao áp oxy Việt - Nga, cho rằng trước đây tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam đã đáng báo động, trong bối cảnh dịch bệnh còn đáng lo ngại hơn rất nhiều.
"Chúng ta phải siết chặt việc bán thuốc kháng sinh ở các hiệu thuốc, không để tình trạng bán thuốc kháng sinh không có đơn của bác sĩ tràn lan như hiện nay. Bên cạnh đó, người dân cũng cần trang bị kiến thức để chăm sóc sức khỏe của bản thân", bác sĩ Hoàng nói.
Theo bác sĩ Tỉnh, kháng sinh chỉ có tác dụng với những trường hợp ghi nhận viêm nhiễm, không có tác dụng ngăn ngừa sự bội nhiễm của virus. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng khi có biểu hiện ho sẽ gây viêm phổi, viêm phế quản... nên sử dụng kháng sinh để ngăn ngừa.
"Suy nghĩ này là không chính xác, đặc biệt ở trẻ nhỏ, việc sử dụng kháng sinh càng phải được cân nhắc kỹ càng", bác sĩ Tỉnh khuyến cáo.
Còn bác sĩ Hoàng cho biết thêm, việc sử dụng kháng sinh không gây tử vong hay ảnh hưởng đến sức khỏe ngay lúc đó. Tuy nhiên, các loại kháng sinh sử dụng không đúng cách sẽ gây ảnh hưởng đến chức năng gan, thận. Đặc biệt, một số loại kháng sinh gây ảnh hưởng đến sự phát triển gân - cơ - xương của trẻ dưới 12 tuổi.
Sử dụng kháng sinh cũng gây tổn thương hệ vi khuẩn đường ruột, dẫn đến nhiều hậu quả về tiêu hóa ở trẻ nhỏ.
Kháng sinh không có tác dụng với virus "Thuốc kháng sinh không có tác dụng gì đối với virus. Nếu đau họng, viêm họng do virus thì không dùng kháng sinh. Thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng khi người bệnh bị bội nhiễm vi khuẩn (viêm amiđan, viêm tiểu phế quản, viêm xoang...). COVID-19 là do virus gây ra, sử dụng kháng sinh không có tác dụng gì với các loại virus nói chung và SARS-CoV-2 nói riêng", bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng. |
Theo Xuân Mai - Dương Liễu/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/f0-tu-uong-khang-sinh-covid-19-da-lau-khoi-hon-con-hai-gan-than-2022030922380014.htm