Một nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng, Covid-19 có thể tác động tiêu cực lên hệ thần kinh của người bệnh theo nhiều cách khác nhau.
Công bố trên tạp chí Neurology: Neuroimmunology & Neuroinflammation, nghiên cứu này được thực hiện trên 17 bệnh nhân mắc chứng "hậu Covid-19" cho thấy 59% có ít nhất một xét nghiệm chẩn đoán phù hợp với tổn thương thần kinh. Đáng chú ý, trừ một trường hợp cá biệt, tất cả các bệnh nhân còn lại chỉ có triệu chứng nhẹ trong giai đoạn nhiễm Covid-19 cấp.
Những phát hiện từ nghiên cứu này có thể làm sáng tỏ thêm một số cơ chế tiềm ẩn đằng sau hội chứng "hậu Covid-19".
Hội chứng "hậu Covid-19" hiện vẫn là một bí ẩn chưa thực sự sáng tỏ với giới khoa học. Hội chứng này có thể bao gồm một loạt các triệu chứng khó chịu có thể xảy ra, bao gồm cả những triệu chứng dường như liên quan đến hệ thần kinh.
Ví dụ, đã có báo cáo về những trường hợp mắc hội chứng Guillain-Barré, viêm đa dây thần kinh, viêm đám rối thần kinh cánh tay, bệnh thần kinh sọ và các vấn đề thần kinh khác sau khi đã khỏi Covid-19.
Tất cả những điều này đã thúc đẩy một nhóm các nhà khoa học từ Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (MGH) ở Boston (Mỹ) là Anne Louise Oaklander, Alexander J. Mills, Mary Kelley, Lisa S. Toran, Bryan Smith, Marinos C. Dalakas và Avindra Nath thực hiện nghiên cứu, để làm rõ hơn việc Covid-19 có thể ảnh hưởng đến hệ thống dây thần kinh trong cơ thể trong bao lâu.
Đối với nghiên cứu này, nhóm đã chọn một mẫu không ngẫu nhiên gồm những người đáp ứng định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về tình trạng hậu Covid-19: "Tình trạng "hậu Covid-19" xảy ra ở những người có tiền sử có thể hoặc đã xác nhận nhiễm SARS CoV-2, thường là 3 tháng kể từ khi khởi phát Covid-19 với các triệu chứng và kéo dài ít nhất 2 tháng và không thể giải thích bằng một chẩn đoán thay thế ".
Tất cả các bệnh nhân trong nghiên cứu lần đầu tiên được chẩn đoán nhiễm SARS-CoV-2 trong khoảng thời gian từ ngày 21/2/2020 đến ngày 19/1/2021. Trong số 17 bệnh nhân được đưa vào nghiên cứu, 16 người bị Covid-19 nhẹ trong khi chỉ một người bị triệu chứng nặng (phải thở máy).
Điều quan trọng cần lưu ý là những người trong nghiên cứu vẫn còn tương đối trẻ. Độ tuổi trung bình là 43,3 tuổi với hầu hết ở độ tuổi 40. Bên cạnh đó, 68,8% bệnh nhân là nữ.
Mỗi bệnh nhân đều trải qua một số loại xét nghiệm để xác định xem họ có mắc các dạng bệnh lý thần kinh hay không. Bệnh thần kinh thường là rối loạn của một số phần của hệ thống thần kinh ngoại vi. Cần hiểu rằng, hệ thống thần kinh trung ương (CNS) bao gồm não và tủy sống. Hệ thống thần kinh ngoại vi bao gồm tất cả các dây thần kinh bên ngoài CNS này. Chúng bao gồm các dây thần kinh mang tín hiệu điện đến và đi từ các cơ quan và bộ phận cơ thể khác nhau như chi trên và chi dưới, ruột, bàng quang và có cả bộ phận sinh dục. Các dây thần kinh này có nhiệm vụ kiểm soát cảm giác, chuyển động và các chức năng khác nhau của cơ quan. Triệu chứng của bệnh thần kinh phụ thuộc vào dây thần kinh ngoại vi nào bị ảnh hưởng.
Mặc dù không có bệnh nhân nào trong nghiên cứu có tiền sử bệnh thần kinh trước khi mắc Covid-19, nhưng sau đó các vấn đề bắt đầu xuất hiệu "hậu Covid-19". Theo đó, 12 bệnh nhân đã trải qua các xét nghiệm điện chẩn đoán và 2 trường hợp (16,7%) có kết quả bất thường. 16 người đã được lấy sinh thiết da và 10 (62,5%) mẫu bệnh phẩm cho thấy bằng chứng của bệnh viêm đa dây thần kinh sợi nhỏ (SFN).
Các bác sĩ đã theo dõi hơn một năm với 16 bệnh nhân đầu tiên phát triển hội chứng "hậu Covid-19" vào năm 2020. Những bệnh nhân này cho thấy trung bình khoảng 52% cải thiện các triệu chứng của họ theo thời gian, nhưng tất cả vẫn đang trải qua một số mức độ bệnh lý thần kinh vào cuối thời gian theo dõi hoặc sau hơn một năm.
Nhóm tác giả cũng nhấn mạnh, đây là một nghiên cứu khá nhỏ sử dụng mẫu không ngẫu nhiên. Vì vậy, rất khó để chỉ rõ nguyên nhân tổn thương dây thần kinh đối với tất cả những người bị "hậu Covid-19".
Tuy nhiên, nghiên cứu này bổ sung thêm bằng chứng ngày càng tăng cho thấy SARS-CoV-2 thực sự có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh của bệnh nhân về lâu dài. Cần có nhiều nghiên cứu hơn để xác định xem đây là do tác hại trực tiếp do virus gây ra hay do phản ứng của hệ thống miễn dịch của người bệnh với virus.
Theo Minh Nhật/Dân trí (nguồn www.forbes.com)
https://dantri.com.vn/suc-khoe/hau-covid19-f0-trieu-chung-nhe-cung-co-the-bi-ton-thuong-than-kinh-20220307083355940.htm