Đừng mắc phải những sai lầm này, trừ khi bạn muốn... đau bụng.
Cần tăng lượng chất xơ để duy trì hoạt động của đường ruột SHUTTERSTOCK
Khi nghĩ đến các vấn đề về dạ dày, thực phẩm là thủ phạm đầu tiên mà nhiều người nghĩ đến. Tuy nhiên, có một số thói quen đáng ngạc nhiên khác có thể gây hại cho đường ruột của bạn, và đau bụng là một trong số đó.
Sức khỏe đường ruột là một thành phần chính của khả năng miễn dịch, tâm trạng, sức khỏe tâm thần, tình trạng da và thậm chí cả ung thư, theo nhiều nghiên cứu được thực hiện trong nhiều năm, theo Eat This, Not That!
Đâu là những thói quen xấu nhất cho dạ dày của bạn?
1. Dùng quá nhiều NSAIDS
Chớ dùng quá nhiều thuốc chống viêm không steroid (NSAID) - bao gồm ibuprofen như Advil và Motrin IB. Thuốc không kê đơn có thể gây hại nghiêm trọng cho dạ dày của bạn. Hãy dùng đúng toa bác sĩ cho, nếu cảm thấy có vấn đề gì thì trao đổi với bác sĩ.
Một nghiên cứu năm 2016 giải thích: “Có bằng chứng đáng kể cho thấy NSAID gây chảy máu, viêm và loét trong dạ dày và ruột non”.
2. Không tiêu thụ đủ chất xơ
Cần tăng lượng chất xơ để duy trì hoạt động của đường ruột. Carbohydrate phức hợp, bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau, khiến cơ thể mất nhiều thời gian hơn để tiêu hóa và sau đó có thể được lưu trữ dưới dạng năng lượng.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng cho thấy tiêu thụ yến mạch nguyên hạt thậm chí có thể làm tăng vi khuẩn đường ruột "tốt".
3. Lạm dụng thuốc kháng sinh
Rất nhiều người dùng thuốc kháng sinh bất cứ khi nào họ cảm thấy cơn ho xuất hiện. Tuy nhiên, uống quá nhiều thuốc kháng sinh có thể làm “sạch ruột” của bạn cả vi khuẩn tốt cũng như vi khuẩn xấu.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Microbiology cho thấy rằng những bệnh nhân dùng ba loại thuốc kháng sinh khác nhau trong khoảng thời gian bốn ngày sẽ mất đi một số lượng vi khuẩn có lợi, và sáu tháng sau họ vẫn thiếu chúng.
4. Uống đồ uống có đường mỗi ngày
Uống đồ uống có đường mỗi ngày có thể gây hại cho sức khỏe tiêu hóa của bạn. Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ, những người uống đồ uống có đường mỗi ngày - bao gồm cả soda, nước chanh và thức uống trái cây - có nguy cơ mắc các bệnh tiêu hóa cao hơn 59%.
Đáng lo hơn là những người tiêu thụ từ hai khẩu phần soda trở lên có nguy cơ tử vong cao hơn 17% so với những người uống ít hơn một phần mỗi tháng, theo Eat This, Not That!
5. Bỏ qua các triệu chứng tiêu hóa
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ giải thích rằng có nhiều nguyên nhân gây ra buồn nôn, ợ chua hoặc đầy hơi. Tuy nhiên, bạn đừng bao giờ bỏ qua chúng, đặc biệt nếu bạn bị tiểu đường.
Lượng đường trong máu cao có thể dẫn đến một vấn đề tiêu hóa được gọi là chứng liệt dạ dày. Nó không chỉ tác động đến cách cơ thể bạn tiêu hóa thức ăn mà còn ảnh hưởng đến cách cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng và có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, theo Eat This, Not That!
Theo Khuê Nguyễn/Thanh niên
https://thanhnien.vn/suc-khoe/5-thoi-quen-lam-hai-da-day-cua-ban-1408314.html