Sau tiêm vắc xin Covid-19, bạn có thể gặp một số phản ứng thông thường như sốt, đau đầu, ớn lạnh, đau chỗ tiêm… Trong một số trường hợp hiếm gặp, bạn có thể bị phát ban, tê lưỡi, nôn, tiêu chảy…
Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cũng như tất cả các vắc xin khác, vắc xin Covid-19 cũng như là một loại thuốc khi đưa vào cơ thể có thể xảy ra phản ứng nghiêm trọng dù rất hiếm gặp. Ngoài phản ứng phản vệ tại chỗ trong vòng 30 phút sau tiêm thì người tiêm có thể có phản ứng chậm hay phản ứng quá mẫn muộn có thể xảy ra trong 1-2 ngày đầu sau tiêm.
"Tuy nhiên, các phản ứng này rất hiếm khi xảy ra", PGS Hồng cho biết.
Vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn trước khi tiến hành tiêm chủng, ngoài các yêu cầu về bảo quản vắc xin, Bộ Y tế cũng lưu ý cán bộ tiêm chủng hỏi kỹ tiền sử bệnh tật (có đang mắc bệnh cấp tính, bệnh mãn tính phải điều trị hay không, tiền sử dị ứng, sốc phản vệ hay không…).
Đồng thời, điểm tiêm phải luôn lưu ý có hộp chống sốc. Bộ Y tế cũng yêu cầu các điểm tiêm chuẩn bị sẵn một bơm tiêm có chứa dung dịch Adrenalin 1mg/1ml (rút sẵn 1ml thuốc Adrenalin 1mg/1ml vào bơm tiêm gắn sẵn kim, đậy kín kim tiêm bằng nắp). Kết thúc buổi tiêm chủng nếu không sử dụng đến cần phải hủy bỏ bơm tiêm có chứa dung dịch Adrenalin 1mg/1ml.
Người tiêm chủng cần theo dõi sức khỏe bản thân sau khi tiêm chủng. Cụ thể, ở lại điểm tiêm chủng 30 phút sau khi tiêm để được cán bộ y tế theo dõi, phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm chủng. Khi về nhà, nơi làm việc thì cần chủ động theo dõi sức khỏe của bản thân trong vòng 3-4 tuần sau tiêm.
"Có bất kể biểu hiện gì bất thường, người được tiêm đều phải nói ngay với các cán bộ y tế. Những biểu hiện này có thể gồm khó chịu, bứt rứt, kích thích vật vã, sốt quá cao, co giật, hạ nhiệt độ hay vã mồ hôi, ớn lạnh, nổi phát ban, buồn nôn…- bất kể quan ngại gì lo lắng thì người được tiêm hãy liên hệ ngay với cơ sở y tế để được xử trí kịp thời", PGS Hồng nhấn mạnh.
Dưới đây là những phản ứng có thể xảy ra sau tiêm vắc xin phòng Covid-19:
Bạn có thể gặp một số dấu hiệu thông thường sau tiêm phòng vắc xin Covid-19 như: sốt, mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh, đau cơ, đau khớp, tăng cảm giác đau, ngứa, sưng đỏ, đau tại chỗ tiêm, bồn chồn… Đây là các phản ứng thông thường sau khi tiêm vắc xin phòng Covid-19, cho biết cơ thể bạn đang tạo ra miễn dịch phòng bệnh Covid-19.
Các phản ứng nghiêm trọng sau tiêm vắc xin phòng Covid-19 là hiếm gặp.
Dấu hiệu nghiêm trọng thường xuất hiện trong vòng vài giờ hoặc ngày đầu sau tiêm vắc xin phòng Covid-19:
- Ở miệng: tê quanh môi và/hoặc lưỡi…
- Ở da: phát ban, nổi mẩn đỏ, tím tái hoặc da đỏ…
- Ở họng: ngứa, căng cứng, tắc nghẹn, khàn đặc…
- Đường tiêu hóa: nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng…
- Đường hô hấp: thở dốc, thở khò khè, thở rít, khó thở, cảm giác nghẹt thở, ho…
- Toàn thân: mạch yếu, chóng mặt, choáng/xây xẩm, cảm giác muốn ngã, chân tay co quắp…
Dấu hiệu thông thường diễn biến nặng lên gồm sốt cao trên 39 độ C, sưng/đỏ lan rộng tại chỗ tiêm, đau cơ dữ dội, tăng huyết áp hoặc tụt huyết áp hoặc kẹt huyết áp…
Sau khi tiêm vắc xin phòng Covid-19, nếu bạn gặp phải các dấu hiệu nghiêm trọng hoặc bất thường nêu trên, hãy đến ngay cơ sở y tế để được khám và xử trí kịp thời.
Phản ứng sau tiêm vắc xin AstraZeneca:- Rất phổ biến (≥10%) như đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhạy cảm đau, đau, nóng tại vị trí tiêm, ngứa, mệt mỏi, bồn chồn, sốt, ớn lạnh (rất phổ biến là sốt nhẹ và phổ biến là sốt trên 38 độ C).- Phổ biến (từ 1% đến dưới 10% ) sưng và đỏ tại vị trí tiêm. Thực tế ghi nhận phản ứng tại Việt Nam sau tiêm thì hầu hết là phản ứng thông thường như khuyến cáo. Các trường hợp nhập viện theo dõi, điều trị gồm sốt cao, nhịp nhanh, kẹt huyết áp, phản ứng phản vệ. Thời gian xuất hiện sớm trong vòng một giờ đầu sau tiêm, hầu hết trong ngày đầu. |
Theo Nam Phương/Dân trí
https://dantri.com.vn/suc-khoe/nhan-biet-phan-ung-thong-thuong-nghiem-trong-sau-tiem-vac-xin-covid19-20210630152609476.htm