Theo Hội Ung thư Mỹ, chảy máu khó cầm mà không rõ nguyên nhân có thể là một triệu chứng khác của một số loại bệnh bạch cầu.
Máu được tim bơm vào hệ mạch máu và lưu thông khắp cơ thể. Máu gồm 2 thành phần chính là huyết tương và tế bào máu. Huyết tương là thành phần dịch chiếm khoảng 55 - 60%, gồm nước và các chất hòa tan, trong đó chủ yếu là các loại protein và điện giải. Thành phần tế bào của máu gồm hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu.
Ung thư máu là bất thường của hệ tạo máu, các tế bào ác tính được sản sinh, nhân lên và gây ra nhiều tổn thương hệ thống cho cơ thể. Ung thư máu gồm các bệnh như: bệnh bạch cầu cấp dòng lympho, bạch cầu cấp dòng mono, bạch cầu mạn, lympho Hodgkin, lympho không Hodgkin,...
Những dấu hiệu cảnh báo ung thư máu
Đau xương
Đây là triệu chứng chính, thường gặp nhất của bệnh ung thư máu. Bệnh nhân thường đau các xương dài, xương ức, các xương sườn; sưng khớp, nhất là các khớp lớn.
Mệt mỏi, hoa mắt, thiếu máu
Người bệnh mệt mỏi, hoa mắt khi thay đổi tư thế, thậm chí ngất. Da xanh xao, niêm mạc mắt, niêm mạc miệng (lợi) nhợt nhạt; lòng bàn tay kém hồng; móng tay dễ gãy, có khía; tóc khô, xơ; tim đập nhanh.
Các biểu hiện trên diễn biến nhanh, người bệnh khó thích nghi. Thường không tìm được nguyên nhân gây mất máu tương xứng.
Chảy máu
Người bệnh chảy máu tự nhiên, không liên quan đến va đập, chấn thương. Chảy máu chân răng tự nhiên. Xuất huyết dưới da biểu hiện là những mảng bầm tím trên da, có thể gặp ở mọi vị trí, xuất hiện tự nhiên, không tìm được nguyên nhân.
Trường hợp nặng có thể nôn ra máu, đại tiện ra máu đỏ tươi hoặc phân đen, đi tiểu tiện ra máu. Người bệnh có thể tử vong do mất máu nếu không được cấp cứu kịp thời.
Nhiễm trùng
Người bệnh có thể sốt cao, kéo dài; xuất hiện viêm loét miệng, họng, nhiễm trùng da; thậm chí có thể hoại tử, viêm phổi. Trường hợp nặng, người bệnh có thể tử vong nhanh chóng do nhiễm khuẩn huyết.
Các biểu hiện khác
Người bệnh sốt cao, kéo dài, có thể không tìm được nguyên nhân nhiễm khuẩn; gầy sút cân nhanh mà không có nguyên nhân. Người bệnh suy sụp, mệt mỏi.
Điều trị ung thư máu như thế nào?
Khác với nhiều loại ung thư thường gặp, ung thư máu không hình thành các khối u thể rắn. Thay vào đó, các tế bào ác tính sẽ phát tán khắp các mạch máu, hạch bạch huyết hay tủy xương.
Phương pháp được áp dụng để điều trị ung thư máu phụ thuộc vào loại ung thư máu mà bệnh nhân mắc phải. Cùng với đó còn có yếu tố tuổi của bệnh nhân, tốc độ diễn tiến của ung thư và các yếu tố liên quan đến căn nguyên bệnh. Có thể kể ra một vài phương pháp điều trị ung thư máu phổ biến như:
Hóa trị
Hóa trị là phương pháp phổ biến hàng đầu để điều trị bệnh nhân mắc ung thư máu. Mục tiêu của phương pháp này là tiêu diệt các tế bào ung thư, bằng cách sử dụng thuốc chuyên nhắm vào các tế bào có tốc độ nhân đôi nhanh hiện diện trong cơ thể. Với bệnh ung thư máu, một liệu trình hóa trị thường có sự kết hợp của nhiều loại thuốc chống ung thư khác nhau.
Mặt trái của hóa trị là thuốc điều trị cũng sẽ tấn công cả những tế bào nhân nhanh khỏe mạnh, điển hình như tế bào tủy xương, tế bào nang lông, từ đó gây tác dụng phụ không mong muốn.
Xạ trị
Xạ trị ung thư máu là dùng tia phóng xạ liều cao để tiêu diệt các tế bào ung thư bên trong cơ thể. Các vị trí mà tia phóng xạ thường được tập trung vào là não bộ, lá lách hay bất kì bộ phận nào tập trung nhiều hồng cầu. Trung bình, mỗi liệu trình xạ trị sẽ được thực hiện liên tiếp 5 ngày/tuần và kéo dài nhiều tuần liền.
Cấy ghép tế bào gốc
Sau khi điều trị bằng hóa, xạ trị, các tế bào tạo máu của bệnh nhân thường bị tổn thương nghiêm trọng do tác dụng phụ. Do đó, các bác sĩ sẽ phải cấy ghép tế bào gốc tạo máu vào cơ thể bệnh nhân, để bù đắp lại số đã bị phá hủy trước đó. Các tế bào gốc sẽ được truyền vào mạch máu thông qua tĩnh mạch. Qua thời gian, tế bào gốc cấy ghép sẽ dần ổn định trong tủy xương của bệnh nhân và bắt đầu thực hiện chức năng sản sinh các tế bào máu khỏe mạnh.
Theo các chuyên gia, bệnh ung thư máu nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, tỷ lệ sống trên 5 năm của người bệnh có thể lên tới 80%. Tại Việt Nam, rất nhiều bệnh nhân ung thư máu đã được điều trị ổn định, quay trở về cuộc sống, học tập và làm việc bình thường.
Vì thế, các gia đình cần giữ tâm lý lạc quan, tin tưởng điều trị, không mù quáng nghe theo các phương pháp chưa được kiểm chứng, mà bỏ lỡ thời gian điều trị cho bệnh nhân, khiến bệnh nhân mất cơ hội điều trị.
Theo Minh Nhật/Dân trí (Tổng hợp)
https://dantri.com.vn/suc-khoe/chay-mau-khong-ro-nguyen-do-co-the-la-dau-hieu-cua-benh-ung-thu-20210625112408548.htm