Ung thư tụy khó phát hiện ở giai đoạn đầu. Ở giai đoạn tiến triển bạn có thể thấy bị giảm cân, vàng da, đau đớn, tắc ruột…
Ung thư tụy là gì?
Tụy là một tạng thuộc hệ tiêu hóa, nằm sau phúc mạc, sát thành bụng sau, phía trước tụy được che phủ bởi dạ dày. Tụy được chia thành 3 phần chính lần lượt từ phải qua trái gồm: đầu tụy, thân tụy, đuôi tụy. Tụy có 2 chức năng chính:
Chức năng ngoại tiết: Tiết ra men tụy đổ vào tá tràng giúp cho quá trình tiêu hóa thức ăn ở ruột non. Khối mô chính của tụy là mô tụy ngoại tiết, đảm nhiệm chức năng tụy ngoại tiết.
Chức năng nội tiết: Tiết ra hormone Insulin và Glucagon đi thẳng vào máu để tham gia quá trình chuyển hóa Glucose của cơ thể. Chức năng nội tiết do các tế bào nội tiết của tụy đảm nhiệm, các tế bào này nằm xen kẽ với các nang tuyến của tụy ngoại tiết và được gọi là các tiểu đảo Langerhans
Ung thư tuyến tụy là những tổn thương ác tính xuất phát từ bất kỳ thành phần nào của mô tụy, bao gồm các tế bào của mô tụy ngoại tiết, tế bào tụy nội tiết (tế bào đảo Langerhans) và các tế bào thuộc mô liên kết của tụy. Trên 95% ung thư tụy có nguồn gốc từ mô tụy ngoại tiết (gồm tế bào biểu mô ống tụy, tế bào "acinar", tế bào mầm, …) trong đó khoảng 85% là xuất phát từ tế bào biểu mô ống tụy ngoại tiết; còn lại ung thư xuất phát từ tế bào tụy nội tiết và của mô liên kết rất hiếm gặp.
Mắc những bệnh lý này cần đề phòng ung thư tụy
Đa số các trường hợp ung thư tụy đều khởi phát từ những tế bào của tụy ngoại tiết.
Hiện nay nguyên nhân cụ thể của ung thư tụy vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra được các yếu tố nguy cơ có liên quan mật thiết tới cơ chế bệnh sinh của ung thư tụy.
Ngoài yếu tố di truyền, thì một số bệnh lý mãn tính ở tụy cũng làm tăng nguy cơ bị ung thư tụy gồm:
- Đái tháo đường: Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra bệnh đái tháo đường và ung thư tụy có quan hệ mật thiết với nhau, theo đó đái tháo đường vừa là yếu tố nguy cơ vừa là hậu quả của ung thư tụy.
- Viêm tụy mạn tính.
- Bệnh xơ nang tụy.
Ung thư tụy tiên lượng xấu
Nguyên nhân chủ yếu khiến ung thư tụy có tiên lượng xấu so với ung thư tiêu hóa khác là bởi tụy có vị trí đặc biệt ở rất sâu trong ổ bụng, triệu chứng lâm sàng nghèo nàn lại dễ nhầm với bệnh khác nên người bệnh thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn. Tại Mỹ, chỉ 10% bệnh nhân ung thư tụy được chẩn đoán ở giai đoạn sớm, trong khi đó 53% bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn IV khi đã có di căn xa.
Ung thư tụy chia làm 4 giai đoạn như sau:
- Giai đoạn một: Xuất hiện khối u trong tuyến tụy, kích thước chỉ dưới 2cm, hầu như không gây ra bất kỳ triệu chứng nào nên bệnh nhân rất khó phát hiện bệnh.
- Giai đoạn 2: Khối u đã có kích thước trên 2cm và dưới 4cm, xâm lấn đến các mô lân cận tuyến tụy nhưng chưa ảnh hưởng đến các mạch máu và tế bào ung thư có thể hiện diện ở các hạch bạch huyết xung quanh.
- Giai đoạn 3: Khối u có thể đạt kích thước trên 6cm, tế bào ung thư xâm lấn vào các mạch máu và di căn tới nhiều hạch bạch huyết cũng như các cơ quan lân cận.
- Giai đoạn 4: Khối u có thể đạt bất kỳ kích thước nào, xâm lấn đến những bộ phận xa hơn như gan, phổi, màng bụng,…
Qua thăm khám phát hiện các dấu hiệu bất thường, bác sĩ sẽ cho làm các xét nghiệm kiểm tra: xét nghiệm máu, chất chỉ điểm khối u, siêu âm… Trong các xét nghiệm để chẩn đoán ung thư tụy, chụp cắt lớp vi tính có vai trò quan trọng nhất, bởi qua đó bác sĩ không những phát hiện khối u tụy mà còn đánh giá mức độ lan rộng khối u, tình trạng di căn hạch… qua đó giúp đánh giá khả năng phẫu thuật triệt căn cũng như khả năng can thiệp để giải quyết các biến chứng do u gây ra: tắc mật (đặt stent đường mật, dẫn lưu đường mật qua da), đau (phong bế đám rối thần kinh giảm đau)...
Thực phẩm bệnh nhân ung thư tụy cần tránh
Một số loại thực phẩm có thể khó tiêu hóa hơn đối với bệnh nhân ung thư tụy, làm trầm trọng thêm các triệu chứng và khiến bệnh nhân cảm thấy tồi tệ hơn. Vì thế, người bệnh nên loại bỏ bất kỳ thức ăn nào có vẻ làm trầm trọng thêm các triệu chứng, chẳng hạn như tiêu chảy hoặc nôn mửa... Những thực phẩm này cũng có thể làm tăng khả năng tái phát ung thư tuyến tụy.
Thực phẩm cần tránh bao gồm:
- Thịt đỏ và thịt chế biến sẵn.
- Đồ ăn nhiều dầu mỡ hoặc đồ chiên rán.
- Chất kích thích, rượu bia.
Theo Minh Nhật/Dân trí (Tổng hợp)
https://dantri.com.vn/suc-khoe/phat-hien-ung-thu-tuy-bang-cach-nao-20210621144810474.htm