Ung thư dạ dày là loại ung thư phổ biến đường tiêu hóa. Nếu được phát hiện sớm, thậm chí bệnh nhân được điều trị ngay trong quá trình nội soi, hớt lớp niêm mạc dạ dày tổn thương.
Tuy nhiên, ung thư dạ dày giai đoạn đầu rất khó phát hiện, do dấu hiệu mơ hồ, không đặc hiệu.
Các dấu hiệu cảnh báo ung thư dạ dày cần lưu ý gồm:
Đau bụng: Các cơn đau bụng ban đầu xuất hiện từng đợt, khi chuyển sang ung thư sẽ ngày càng trầm trọng và không thuyên giảm dù đã dùng thuốc.
Bụng to trướng: Bệnh nhân ung thư dạ dày thường có cảm giác đầy bụng bất thường sau khi ăn kèm với cảm giác khó chịu, buồn nôn và bụng to bất thường.
Nội soi dạ dày cho phép phát hiện những tổn thương nghi ung thư từ rất sớm.
Thường xuyên ợ nóng: Chứng ợ nóng khá phức tạp, có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư, chúng thường liên quan đến đau bụng hoặc đau vùng thượng vị. Những người bị ợ nóng có thể bị loét dạ dày, có nghĩa là họ có nhiều axit trong dạ dày, tiềm ẩn nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn. Ợ nóng biểu hiện qua cảm giác nóng rát, buồn nôn hoặc thậm chí đau ngực, do đó, người bệnh không dễ dàng tự chẩn đoán. Nếu chúng xuất hiện thường xuyên, bạn nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để kiểm tra.
Sụt cân nhanh chóng: Đây là triệu chứng dễ thấy nhất ở những đối tượng mắc ung thư tiêu hóa. Trong một thời gian ngắn người bệnh có thể sút 1/3 trọng lượng cơ thể.
Đi ngoài phân đen hoặc lẫn máu trong phân: Dấu hiệu này thường bát gặp ở bệnh nhân bị viêm loét dạ dày đã biến chứng nặng hoặc mắc polyp dạ dày.
Chán ăn, cơ thể mệt mỏi: Ung thư dạ dày khiến người bệnh luôn chán ăn trong một thời gian dài đi kèm với triệu chứng khó nuốt, cảm giác thức ăn thức ăn bị mắc kẹt trong cổ họng, sức khỏe giảm sút nhanh chóng.
Nôn ra máu: Cần kiểm tra sức khỏe đường tiêu hóa ngay khi có triệu chứng nguy hiểm này.
Có những dấu hiệu có thể gây nhầm lẫn với viêm dạ dày thông thường, thậm chí có những bệnh nhân ung thư dạ dày không biểu hiện triệu chứng.
Vì thế, các bác sĩ khuyến cáo, nếu xuất hiện một trong các triệu chứng trên, người bệnh cần chủ động thăm khám, kiểm tra sức khỏe ngay để chẩn đoán bệnh kịp thời và điều trị hiệu quả hơn.
Để chẩn đoán ung thư dạ dày, người bệnh có thể thực hiện các cách dưới đây. Các phương pháp này có thể kết hợp và kiểm tra nhiều lần để đánh giá chính xác nhất tình trạng của bệnh nhân.
Nội soi dạ dày bằng ống soi mềm.
Siêu âm ổ bụng.
Siêu âm nội soi dạ dày.
Sinh thiết dạ dày.
Chụp cắt lớp vi tính.
Xét nghiệm máu toàn bộ (CBC) hoặc xét nghiệm phân.
Các chất chỉ điểm khối u: CEA, CA 72-4.
Việc phát hiện ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm là yếu tố tiên quyết cho việc điều trị đạt hiệu quả tối đa. Tuy nhiên tại Việt Nam tỉ lệ phát hiện sớm ung thư dạ dày thấp, chỉ khoảng 10% bệnh nhân K dạ dày được phát hiện sớm qua nội soi.
Chẩn đoán sớm ung thư dạ dày phụ thuộc rất nhiều vào quá trình nội soi, với nội soi thông thường trước đây thường chỉ tiến hành ghi lại khoảng 10 hình ảnh nhưng với phương pháp chẩn đoán mới mỗi bệnh nhân nội soi dạ dày trong vòng 10 - 15 phút. Trong thời gian đó chụp được khoảng 50 cái ảnh, rà soát ống soi đến tất cả góc cạnh của dạ dày, không bỏ sót bất cứ vị trí nào trong dạ dày nên tìm được tổn thương sớm.
Vì thế, chuyên gia khuyến cáo kể cả không xuất hiện triệu chứng, mọi người cũng nên thực hiện tầm soát ung thư dạ dày định kỳ, đặc biệt là sau 50 tuổi là cách dự phòng bệnh tốt nhất. Đối với đối tượng có người thân đã từng mắc ung thư dạ dày thì nên tiến hành tầm soát sớm hơn.
Theo Tú Anh/Dân trí
https://dantri.com.vn/suc-khoe/khi-nao-nen-tam-soat-ung-thu-da-day-20210617094607038.htm