Nghiên cứu do các nhà khoa học Mỹ tại Đại học Colorado Boulder, Viện Broad và Đại học Harvard thực hiện. Nhóm khoa học đã phân tích dữ liệu thu thập từ 840.000 người ở Vương quốc Anh. Trong đó, khoảng 85.000 người có đeo máy theo dõi giấc ngủ trong 1 tuần và 250.000 người tham gia trả lời bảng câu hỏi về thói quen ngủ.
Trong số những người tham gia, có khoảng 33% là những người ngủ sớm và dậy sớm, 9% là những người thức rất khuya. Phần còn lại là những người có giấc ngủ thường bắt đầu lúc 23 giờ và thức dậy lúc 6 giờ sáng.
Ngủ sớm hơn 2 tiếng, nguy cơ trầm cảm sẽ giảm xuống 40% ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
Sau khi phân tích các dữ liệu, các nhà khoa học phát hiện với những người mà lúc bình thường đi ngủ vào 1 giờ sáng, thì khi ngủ sớm hơn 1 tiếng, tức 12 giờ đêm, thì nguy cơ trầm cảm của họ sẽ giảm xuống 23%. Nếu họ ngủ sớm hơn 2 tiếng, tức bắt đầu đi ngủ lúc 23 giờ, thì nguy cơ trầm cảm sẽ giảm xuống 40%.
Từ lâu, các bác sĩ lâm sàng đã khuyến cáo mọi người muốn cải thiện vấn đề tâm lý thì hãy đi ngủ sớm. Tuy nhiên, chúng ta không biết cần ngủ sớm bao lâu so với bình thường mới cải thiện vấn đề tâm lý.
Nghiên cứu này đã chỉ ra thời lượng cụ thể. Ngủ sớm chỉ cần 1 giờ so với bình thường cũng có thể giảm đáng kể nguy cơ trầm cảm, nhóm nghiên cứu cho biết trong một thông báo.
Những phân tích trong nghiên cứu cho thấy ngủ sớm giúp giảm nguy cơ trầm cảm. Tuy nhiên, nghiên cứu vẫn chưa thể xác định liệu dậy sớm có tác động tích cực gì đến trầm cảm hay không.
Dù vậy, các nhà khoa học vẫn khuyến khích mọi người hãy đi ngủ sớm và dậy sớm. Vì khi ngủ sớm, chúng ta sẽ giảm thời gian tiếp xúc với màn hình điện tử như dùng điện thoại, laptop hay máy tính bảng.
Sau giấc ngủ 7 đến 8 tiếng, chúng ta sẽ dậy sớm hơn và có thể bắt đầu các hoạt động lành mạnh như ngồi nhăm nhi cà phê trước hiên nhà, đạp xe, đi bộ hay các hình thức tập luyện thể thao khác, theo Fox News.
Theo Ngọc Quý/Thanh niên
https://thanhnien.vn/suc-khoe/phat-hien-them-loi-ich-cua-ngu-som-1394415.html