Khát vọng ra biển lớn của một số đạo diễn làm phim độc lập là chính đáng, cần khuyến khích, động viên. Tuy nhiên, hiện tượng duyệt phim bản này, mang đi chiếu bản khác hay chưa có giấy phép phổ biến đã mang đi tham dự các Liên hoan phim quốc tế lại là hành vi vi phạm Luật Điện ảnh cần xử lý nghiêm khắc. Chuyện này đã xảy ra không chỉ với “Vợ Ba”, “Ròm” mà vẫn tiếp tục diễn ra…
“Ròm” trong một cảnh quay đường phố (ảnh do CGV cung cấp).
Mới đây, một số phim của một đạo diễn làm phim độc lập có tên tuổi được trình chiếu trong một phạm vi hẹp, bán vé trên mạng. Điều đáng nói, đây là bản phim gốc chưa được biên tập, chưa cắt và sửa theo yêu cầu của Hội đồng duyệt phim trước khi cấp phép phổ biến. Số cảnh “nóng” và bạo lực còn nguyên, chưa kể một số lời thoại khá “thô”… Khán giả khi xem thì dĩ nhiên đa phần không thể biết được yêu cầu chỉnh sửa của Hội đồng duyệt chỉ mặc nhiên coi phim đã chiếu là được cấp phép.
Luật Điện ảnh Việt Nam được Quốc hội ban hành năm 2006 và được sửa đổi, bổ sung năm 2009, hiện nay đang có nhiều ý kiến, góp ý tiếp tục sửa đổi để cập nhật với tình hình mới. Trong chương V, Luật Điện ảnh có quy định về Phổ biến phim, theo đó phim muốn phổ biến ra nước ngoài phải có giấy phép phổ biến phim, trừ trường hợp phim do đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình sản xuất và nhập khẩu được phát sóng trên các kênh sóng của đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình của Việt Nam ở nước ngoài. Phim do các đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình xuất khẩu (phổ biến ra nước ngoài) thì phải có giấy phép. Giấy phép phổ biến phim do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cấp trừ trường hợp Chính phủ phân cấp cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trở lại vi phạm của “Vợ ba” và “Ròm”
Ngày 17.5.2019, bộ phim “Vợ ba” chính thức được phát hành tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi phim được phát hành và chiếu tại Việt Nam, Cục Điện ảnh đã kiểm tra và phát hiện bản phim chiếu tại rạp khác với bản phim đã được thẩm định, cấp phép phổ biến và lưu chiểu. Đơn vị sản xuất đã thừa nhận những nội dung vi phạm và chủ động khắc phục bằng việc ngưng công chiếu bộ phim. Sau đó, Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã làm việc với đại diện nhà sản xuất phim và quyết định xử phạt vi phạm hành chính 50 triệu đồng. Việc cấp phép phổ biến phim “Vợ ba” đã được thực hiện đúng theo các quy định, tuy nhiên, “Vợ ba” có nhiều phiên bản. Bản phim được thẩm định, cấp phép phổ biến và lưu chiểu tại Cục Điện ảnh, bản phim phát hành trong nước, khác với bản phim đã cấp phép bị Thanh tra Bộ VHTTDL xử phạt và bản phim đang tràn lan trên không gian mạng, đây cũng không phải là bản phim đã được cấp phép phổ biến. Ngay kể cả bản phim phát hành tại nước ngoài, nhà sản xuất có trách nhiệm tuân thủ đúng theo bản phim đã được cấp phép phổ biến; các đối tác nước ngoài cần xác minh rõ nguồn gốc hợp pháp của bộ phim (căn cứ theo bản gốc); nếu có sự khác biệt, bản phim đó sẽ được coi như một bộ phim khác, không phải bộ phim đã được cấp phép.
Rồi câu chuyện đơn vị sản xuất phim “Ròm” tự ý đăng ký và gửi thành phẩm tham dự Liên hoan phim (LHP) Quốc tế Busan 2019 tại Hàn Quốc trong khi chưa được Cục Điện ảnh cấp giấy phép phổ biến phim tại Việt Nam đã gây xôn xao dư luận. Thực trạng, chuyện các nhà sản xuất phim phạm luật và khi bị chỉ ra sai phạm mới tiến hành thủ tục xin rút phim dự thi, xin cấp phép diễn ra trong nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Sau đó thì dù nhà sản xuất cam kết rút, phim vẫn chiếu ở Busan và giành giải ở hạng mục “New Currents” (Dòng chảy mới) dành cho các đạo diễn Châu Á làm phim đầu tay. Bản phim sau này được phát hành ở Việt Nam so với bản chiếu ở Busan có bị cắt sửa nhưng thực sự một số đoạn bị cắt, sửa không hề làm yếu đi bản phim nếu không muốn nói là làm phim bớt mang ý đồ áp đặt của đạo diễn hơn.
Luật điện ảnh Việt còn nhẹ?
Nhiều ý kiến cho rằng việc xử lý “Vợ Ba” hay “Ròm” là quá nặng và mang tư tưởng bảo thủ. Tuy nhiên, khi so sánh Luật Điện ảnh Việt với Luật Điện ảnh một số nước Châu Á thì lại khác.
Theo Luật Xúc tiến công nghiệp điện ảnh của Trung Quốc (có hiệu lực từ 3.2017) thì điều 20 quy định rõ phim chưa được cấp giấy phép phổ biến thì không được phát hành, trình chiếu, phát trên mạng internet, mạng viễn thông, mạng phát thanh, truyền hình, mạng thông tin khác và không được sản xuất thành sản phẩm nghe nhìn. Và điều 49 nêu rõ nếu vi phạm, bao gồm cả việc thay đổi nội dung phim sau khi có giấy phép phổ biến phim, phát hành, phổ biến hoặc gửi phim đi liên hoan phim mà không tuân theo các quy định để xin lại giấy phép mới; sẽ bị tịch thu phim và các khoản thu lợi bất hợp pháp; với mức phạt tiền rất cao có thể từ 10 đến 20 lần số tiền thu lợi bất hợp pháp.
Còn Luật Xúc tiến phim và video của Hàn Quốc (thực thi từ 10.2018) điều 29 nêu rõ các nhà sản xuất, nhập khẩu phim (bao gồm cả trailer và quảng cáo phim) trước khi trình chiếu phải gửi phim để Hội đồng phân loại sản phẩm trình chiếu phân loại và không ai được phổ biến các phim chưa được phân loại, và không ai được phép thay đổi cấp độ đã được phân loại theo quy định hoặc thay đổi nội dung phim đã được phân loại bằng nội dung khác. Mức phạt ở điều 45 đưa ra nếu vi phạm điều 29 là đình chỉ hoạt động kinh doanh trong một khoảng thời gian cố định không quá 3 tháng hoặc hủy đăng ký rạp chiếu phim.
Nặng nhất là Luật phim của Singapore (có hiệu lực từ tháng 4.2019) điều 21 còn khẳng định một người bị coi là phạm tội nếu phân phối hoặc trình chiếu công khai một bộ phim chưa được cấp phép phân loại; hoặc một bộ phim không giống với bộ phim được cấp phép phân loại. Người sở hữu một bộ phim là một bộ phim chưa được cấp phép phân loại, với mục đích phân phối hoặc trình chiếu công khai bộ phim cũng bị coi là phạm tội. Và cả hai đối tượng này phải chịu mức phạt không vượt quá 40.000 đôla hoặc phạt tù với thời hạn không quá 6 tháng hoặc cả hai.
Theo Việt Văn/Lao Động
https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/quan-ly-phim-viet-ra-nuoc-ngoai-luat-dien-anh-viet-con-nhe-tay-848037.ldo