Nếu như Cát đỏ hay Lựa chọn số phận lựa chọn kịch bản thuần Việt và ít nhiều được khán giả đón nhận thì các phim Việt hóa như Vua bánh mì ra sao?
Thời gian gần đây, phim truyền hình bùng nổ với đa dạng thể loại. Tuy nhiên, việc này cũng có nhiều vấn đề phải lo khi phim thuần Việt khan khiếm và còn nhiều sạn, phim Việt hóa có không ít tác phẩm tranh cãi.
Không thiếu tranh cãi
Ở địa hạt phim thuần Việt, mới đây Dâu bể đường trần gây được tiếng vang khi đây là "món lạ" với khán giả bởi dòng phim xưa trên màn ảnh không nhiều. Trong khi đó, phim Cát đỏ, Lựa chọn số phận, tuy có kịch bản thuần Việt khá tốt nhưng phim vẫn còn nhiều sạn ở lời thoại, diễn xuất của diễn viên. Tuy nhiên, nhìn chung với các tác phẩm này, ít nhiều vẫn được khán giả đón nhận và quan tâm.
Lựa chọn số phận (hình trên) và Cát đỏ (hình dưới). Ảnh: Cắt phim
Trong khi đó, các tác phẩm Việt hóa đổ bộ trên màn ảnh nhỏ thời gian qua như: Tình yêu và tham vọng, Nhà trọ Balanha và mới nhất là Vua bánh mì.
Tình yêu và tham vọng của đạo diễn Bùi Tiến Huy dựa trên kịch bản gốc Thế lực cạnh tranh của Trung Quốc vừa mới kết thúc cách đây không lâu, ban đầu phim nhận được phản hồi tích cực từ khán giả bởi cách làm chỉn chu, đầu tư.
Tuy nhiên, càng về cuối tác phẩm lại cho thấy sự đuối sức và trở nên khá dài dòng, lê thê khi không giải quyết dứt điểm những tình huống, xung đột trong mối quan hệ giữa các nhân vật.
Trong khi đó, Nhà trọ Balanha của đạo diễn Khải Anh khai thác câu chuyện lập nghiệp, tình yêu, sự nổi loạn của tuổi trẻ. Được sản xuất dựa trên kịch bản gốc Welcome to Waikiki của jTBC (Hàn Quốc).
Tuy nhiên, phim cũng gây không ít tranh cãi khi từ tác phẩm hài kịch, biên kịch đã đẩy thành bi kịch khi chuyển từ câu chuyện của những người trẻ hồn nhiên sang các màn đấu đá, đánh ghen... Tuy nhiên, nhìn chung tác phẩm này vẫn để lại nhiều dấu ấn với khán giả, nhất là nét duyên của các diễn viên trẻ trong phim.
Việt hóa phim không dễ
Truyền hình Việt thật sự không thiếu những tác phẩm Việt hóa thành công, trước đây có những bộ phim như: Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử... Tuy nhiên, chính vì điều này khiến nhiều người lầm tưởng phim truyền hình Việt hóa là dễ làm và gặt hái thành công. Sự thật chứng minh điều ngược lại, đã có không ít tác phẩm Việt hóa thất bại trước đây dù có kịch bản nổi tiếng hấp dẫn như: Glee phim âm nhạc Mỹ, Hậu duệ mặt trời của Hàn Quốc…
Dàn diễn viên Vua bánh mì. Ảnh: NSX
Do vậy, sáng tạo một tác phẩm Việt hóa chưa bao giờ là dễ. Nhà biên kịch Hồng Nhung cho biết, nhiều năm qua, thật sự đang thiếu các tác phẩm thuần Việt chất lượng trong khi nhu cầu của khán giả ngày một đa dạng. Vậy nên, việc mua kịch bản nước ngoài là cách giải quyết "cơn khát" phim ảnh trước mắt của khán giả. Tuy nhiên, cái khó của phim Việt hóa là dễ bị so sánh, tranh cãi và nhất là khó vượt qua hoặc sánh ngang với cái bóng của bản gốc.
Vua bánh mì bản Việt. Ảnh: Cắt phim
Mới đây, tác phẩm Việt hóa Vua bánh mì chuyển thể từ bộ phim nổi tiếng của Hàn Quốc cũng được ra mắt khán giả. Phim phát sóng được 6 tập nhận được sự quan tâm ban đầu của khán giả. Tuy nhiên, với 80 tập, liệu phim có đi theo lối mòn "đầu voi đuôi chuột"?.
Giải đáp thắc mắc này, đạo diễn phim, NSƯT Nguyễn Phương Điền cho biết: “Việt hóa không nên quá đặt nặng hay chạy theo kịch bản gốc. Lý do đơn giản vì mỗi nền văn hóa có sự khác biệt. Khi mua về, phải làm lại theo văn hóa Việt, do diễn viên Việt đảm nhận, nói ngôn ngữ Việt và có bối cảnh Việt Nam... để tạo được sự khác biệt”.
Anh cũng cho biết, trước khi bấm máy đã có sự trao đổi rất kỹ lưỡng và chi tiết, thực hiện bộ phim trên tinh thần tôn trọng phiên bản gốc nhưng không bê y nguyên nó khi thực hiện phiên bản Việt.
Theo Đông Du/Lao động
https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/vua-banh-mi-cat-do-lua-chon-so-phan-viet-hoa-phim-co-dot-pha-840413.ldo