Bộ phim Cùng nhau lấy nền tảng là những câu chuyện cảm động, người thật việc thật trong các ngành nghề thời kỳ chống dịch COVID-19 ở Trung Quốc, đặc biệt là thành phố Vũ Hán.
Bộ phim Cùng nhau thông qua 10 câu chuyện cảm động, xoay quanh những người quả cảm ở tuyến đầu tham gia cuộc chiến chống dịch ở Vũ Hán - kknews
Dự án phim Cùng nhau công bố khởi động vào ngày 13-3-2020, được Tổng cục Điện ảnh, phát thanh và truyền hình Trung Quốc chỉ đạo thực hiện, quy tụ 5 nhà biên kịch, 12 đạo diễn và hơn 50 diễn viên nổi tiếng: Hoàng Cảnh Du, Tôn Lệ, Phùng Thiệu Phong, Đổng Khiết, Trương Tịnh Sơ, Nghê Ni, Dương Dương, Lý Tiểu Nhiễm, Trương Thiên Ái, Châu Nhất Vi, Trần Sổ, Cận Đông, Đặng Luân, Giả Nãi Lượng…
Nhà biên kịch Lục Lục cho biết từ kịch bản, quy mô dàn dựng, bối cảnh ghi hình… bộ phim Cùng nhau đều mang ý nghĩa kỷ niệm đặc biệt - Ảnh: kknews
10 câu chuyện người thật việc thật sống động trên màn ảnh
Hơn 50 diễn viên nổi tiếng tham gia diễn xuất trong bộ phim đều không nhận thù lao, không trang điểm trước ống kính - Ảnh: Sina
Câu chuyện Khoang vuông do Lục Lục biên kịch, Cận Đông và Tôn Giai Vũ đóng chính.
Đạo diễn Uông Tuấn giới thiệu: "Tất cả khoang vuông (bệnh viện dã chiến) trong phim có kích thước gần như được tái hiện với tỉ lệ 1:1, còn có bố cục và cách bày trí bên trong. Nếu khán giả cảm thấy chân thực, nghĩa là ý định ban đầu của chúng tôi đã thành công".
Nhà biên kịch Lục Lục và đạo diễn Uông Tuấn đều đã đích thân đến thành phố Vũ Hán ghi nhận tình hình thực tế, nhằm mang đến cho khán giả cái nhìn chân thực nhất - Ảnh: Sina
Câu chuyện Hỏa Thần Sơn kể về đội y tế giải phóng quân, do đạo diễn Diêu Hiểu Phong và biên kịch Phùng Ký hợp tác dàn dựng.
Trước khi phim bấm máy, diễn viên chính Trần Sổ đã gặp người thật Trần Tịnh, khi đó cô có ấn tượng đây là một người phụ nữ phóng khoáng, nhiệt tình: "Cô ấy là y tá, cũng là một quân nhân, còn là một người mẹ. Trên người cô tỏa ra sức mạnh của phụ nữ, còn có tinh thần của quân nhân, khiến cô bình tĩnh chiến đấu trên chiến trường nguy hiểm nhất".
Câu chuyện người thật việc thật cảm động lòng người về y tá trưởng Trần Tịnh ở Bệnh viện Hỏa Thần Sơn do Trần Sổ đóng vai chính - Ảnh: cunman
Dàn dựng câu chuyện Đồng hành là đạo diễn Đằng Hoa Đào và biên kịch Huỳnh Ngạn Uy. Câu chuyện kể về cuộc lội ngược dòng, liên quan đến một thanh niên.
Để hoàn thành tốt vai diễn một bác sĩ khoa hô hấp, nam diễn viên Dương Dương đã đích thân đến Bệnh viện Hoa Sơn ở Thượng Hải tham khảo và học hỏi từ thực tế.
Dương Dương cho biết vai diễn này có thể nói là một thử thách rất lớn: "Tôi không những phải thể hiện sự chuyên nghiệp của một bác sĩ mà còn phải thể hiện tinh thần của một bác sĩ chống dịch, vì nguyên mẫu của tôi là một người lội ngược dòng tài ba".
Để hoàn thành tốt vai bác sĩ, Dương Dương đã đến một bệnh viện ở Thượng Hải tham khảo thực tế - Ảnh: 1905.com
Người đưa đò do đạo diễn Thẩm Nghiêm và biên kịch Cao Toàn dàn dựng, các diễn viên Lôi Giai Âm, Nghê Ni, Trương Tịnh Sơ và Tưởng Hân đóng chính, thông qua dấu chân của một nhân viên giao hàng, ghi lại thời kỳ đầu khi dịch bệnh mới bùng phát, sự tương thân tương ái đầy tình người của người dân Vũ Hán.
Lôi Giai Âm đóng vai nhân viên giao hàng Cô Dũng, dù là ngoại hình hay thần thái đều giống hệt nguyên mẫu - Ảnh: twoeggz
Giới thiệu câu chuyện Tôi tên Đại Liên là biên kịch Bành Tam Nguyên kiêm đạo diễn, diễn viên chính gồm Đặng Luân và Lưu Lâm.
Phần này được cải biên dựa theo câu chuyện trong thời chống dịch bệnh mà người dân Trung Quốc đều biết, kể về người thanh niên tên Đại Liên vô tình ở lại làm tình nguyện viên ở một bệnh viện Vũ Hán.
Đặng Luân hóa thân thành chàng trai Đại Liên này: "Đại Liên khiến tôi đặc biệt cảm động là trong hoàn cảnh dịch bệnh căng thẳng, điều anh mong muốn là mang lại sự vui vẻ cho các nhân viên y tế để họ không bị áp lực đè nặng".
Đặng Luân cho biết anh đã gặp Đại Liên ngoài đời và học được rất nhiều động tác tay thú vị từ người thật - Ảnh: twoeggz-
Trong câu chuyện Người cứu hộ, nhân vật chính Lê Kiến Huy là hình ảnh tổng hợp của những bác sĩ quả cảm đến chi viện Hồ Bắc: Chung Minh, Trần Nhĩ Chân…
Diễn viên chính Chu Á Văn đã đặc biệt chuẩn bị đạo cụ quan trọng nhất trong phim - một bộ đồ bảo hộ, mời bác sĩ Chung Minh ký tên lên đó, tỏ lòng kính trọng của một diễn viên đóng vai "Người cứu hộ" đối với "Người cứu hộ" thật sự.
Cảnh trong câu chuyện Người cứu hộ - Ảnh: twoeggz
Tìm kiếm: 24 giờ lấy ý tưởng sáng tác dựa theo câu chuyện về ổ dịch ở Trung tâm thương mại Bảo Để - Thiên Tân, nhân vật trọng tâm là hai nhân viên của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Bắc Kinh, xoay quanh quá trình điều tra gay cấn của tổ hợp này trong 24 tiếng đồng hồ vào ngày 30 tết.
Câu chuyện Tìm kiếm: 24 giờ do Hoàng Cảnh Du và Lý Tiểu Nhiễm đóng chính - Ảnh: twoeggz
Câu chuyện Khẩu trang do Thẩm Chỉ Ngưng biên kịch, nữ diễn viên Hải Thanh đóng vai bà chủ một xưởng sản xuất khẩu trang, là người kiên định và tràn đầy sức sống; Phùng Thiệu Phong đóng vai Hàn Tùng, họ đều là những người đại diện tinh thần bất khuất của dân tộc trong nghịch cảnh.
Phùng Thiệu Phong và Hải Thanh trong câu chuyện Khẩu trang - Ảnh: twoeggz
Bước ngoặt cuộc đời lấy bối cảnh Bệnh viện Kim Ngân Đàm ở thành phố Vũ Hán thời kỳ đầu dịch bệnh, do các diễn viên Trương Gia Ích, Châu Nhất Vi, Trương Thiên Ái, Đàm Trác… đóng chính, Trương Lê và Hàn Hiểu Quân đồng đạo diễn.
Cảnh trong câu chuyện Bước ngoặt cuộc đời - Ảnh: twoeggz
Người Vũ Hán kể về những nhân viên công tác xã hội đã bỏ lại tất cả: công việc, sự nghiệp và gia đình, toàn tâm toàn ý phục vụ xã hội trong thời kỳ đại dịch. Đạo diễn Dương Dương cho biết: "Ý nghĩa chính của câu chuyện này là tôn vinh điều phi thường trong bình thường".
Nhớ lại cảnh phim khó quên nhất, diễn viên chính Lưu Mẫn Đào chia sẻ: "Tôi cảm thấy mỗi tình tiết trong phim đều đáng nhớ, từ sắp xếp giường cho bệnh nhân đến việc giải quyết chuyện ăn uống của cư dân, thậm chí còn phải giúp đỡ những chú chó lang thang.
Cảnh tôi diễn nhiều nhất trong phim là gọi điện thoại, được biết mỗi ngày các nhân viên xã hội phải nghe gọi hơn 200 cuộc điện thoại, điện thoại luôn cắm trong pin sạc dự phòng. Họ không chỉ phải giữ pin của điện thoại mà còn phải đảm bảo "pin" của bản thân, vô cùng thán phục tinh thần tác chiến của họ".
Câu chuyện Người Vũ Hán sẽ khiến người xem có cái nhìn toàn diện về cuộc chiến chống COVID-19 trong vùng ổ dịch - Ảnh: twoeggz
Bộ phim Cùng nhau có thời lượng 20 tập, ra mắt từ ngày 29-9, phát sóng đồng bộ trên 6 đài truyền hình: Phương Đông, Chiết Giang, Giang Tô, Quảng Đông, Hồ Nam và Bắc Bình cùng 3 kênh trực tuyến: Tencent Video, iQIYI và Youku.
Theo Thục Nghi/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/10-cau-chuyen-cam-dong-chong-covid-19-dau-tien-len-truyen-hinh-trung-quoc-20200928174041127.htm