19
/
97642
Phim Việt mất bản sắc, thiếu dấu ấn vì “khủng hoảng” kịch bản?
phim-viet-mat-ban-sac-thieu-dau-an-vi-khung-hoang-kich-ban
news

Phim Việt mất bản sắc, thiếu dấu ấn vì “khủng hoảng” kịch bản?

Thứ 7, 19/09/2020 | 08:34:49
392 lượt xem

Tình trạng “khủng hoảng” kịch bản tốt, hay, độc đáo… kéo dài nhiều năm đã khiến cho điện ảnh Việt dần mất đi bản sắc, thiếu dấu ấn.

Ngày càng thiếu bản sắc và dấu ấn

Nhiều năm qua, câu chuyện “khủng hoảng” kịch bản luôn được nhắc đến nhiều trong các hội thảo của ngành điện ảnh. Bởi đối với điện ảnh, kịch bản là bước đầu tiên trong quá trình sáng tạo một tác phẩm. Một bộ phim hay phải bắt nguồn từ một kịch bản có ý tưởng hấp dẫn, nội dung phong phú và thú vị.

Phim Việt mất bản sắc, thiếu dấu ấn vì “khủng hoảng” kịch bản? - 1

Điện ảnh Việt ngày càng thiếu những kịch bản hay, đậm bản sắc, giàu dấu ấn... như "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh".

Phần đa phim Việt hiện nay có thể gây ấn tượng với khán giả bằng kỹ xảo, hình ảnh, ánh sáng, hóa trang, công nghệ cho đến diễn xuất của diễn viên, tay nghề của đạo diễn… riêng kịch bản vẫn luôn tạo ra nhiều “lắc đầu” ngán ngẩm. Bởi lí do đó mà nhiều nhà sản xuất phải tìm đến với các kịch bản được remake (làm lại) từ kịch bản nước ngoài. Nhưng chính điều này khiến cho điện ảnh Việt ngày càng thiếu đi bản sắc và dấu ấn.

Chia sẻ về điều này, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh nhấn mạnh: “Trong rất nhiều cái khó của điện ảnh Việt Nam hiện nay, thiếu kịch bản phim hay, độc đáo đã đến mức báo động. Gần đây, một số đơn vị sản xuất phải đi lấy cốt truyện, kịch bản phim của nước ngoài để Việt hóa cho phim nội địa. Đây thực sự là vấn đề đáng lo ngại.

Phải chăng chúng ta thiếu lực lượng các nhà biên kịch tài năng, hay thiếu những nhà sản xuất có “con mắt xanh” để phát hiện ra những kịch bản hay, hấp dẫn, là tiền đề để có được những bộ phim sâu sắc về nội dung tư tưởng và hấp dẫn khán giả? Câu hỏi này chắc sẽ còn ám ảnh những người làm điện ảnh và tâm huyết với điện ảnh Việt Nam trong một thời gian nữa...”.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cũng cho rằng, nhìn vào thị trường điện ảnh Việt thời gian có thể thấy “cơn khát” kịch bản tốt lúc nào cũng thường trực. Nhiều bộ phim ra rạp có thể đạt thành công về khâu truyền thông - quảng bá nhưng lại thất bại thảm hại về kịch bản. Đó là những bộ phim không có thông điệp rõ ràng, cấu trúc ngô nghê, tình tiết bất hợp lý, thiếu cao trào và non tay trong giải quyết tình huống… Thậm chí, nhiều kịch bản còn thể hiện rõ sự bế tắc trong ý tưởng và gượng gạo trong khai thác tâm lý nhân vật.

“Thực tế này dấy lên một sự lo ngại không hề nhỏ đối với điện ảnh Việt nhiều năm qua. Một nền điện ảnh muốn “khoẻ mạnh”, giàu bản sắc, đậm dấu ấn… trước hết phải là nền điện ảnh có đội ngữ biên kịch và đạo diễn tài năng và tâm huyết”, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nói thêm.

Giải "bài toán" kịch bản tốt và tìm nhà biên kịch tài năng

Theo thống kê, hiện nay mỗi năm có khoảng 40 phim truyện điện ảnh Việt ra rạp. Tuy nhiên, phim thu hút được khán giả và được đánh giá cao chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nhiều người trong nghề cho rằng, điện ảnh của chúng ta thiếu kịch bản hay còn có lỗi của nhà sản xuất vì đặt nặng vấn đề lợi nhuận, cần thu hồi vốn nhanh nên không thích đầu tư nhiều vào khâu kịch bản, thường ưu tiên những kịch bản thuộc các thể loại phim dễ làm, đơn giản, kinh phí thấp, thời gian thực hiện nhanh… kiểu như phim hài. Chưa kể, khi chi tiền làm phim thì cắt xén, tiết kiệm. Nặng nề hơn, một số nhà làm phim còn khẳng định nhiều phim “hỏng” ngay từ khâu kịch bản.

Để giải bài toán về “khủng hoảng” kịch bản, nhà sản xuất Thanh Thúy từng tổ chức các khóa đào tạo về kịch bản tại công ty của mình. Nhiều nhà làm phim như: Dustin Nguyễn, Charlie Nguyễn, Victor Vũ, Nguyễn Quang Dũng… cũng phải tự thân vận động trong quá trình sáng tạo kịch bản cùng ê-kíp ruột của mình với mong muốn có kịch bản như ý.

Năm 2019, một đơn vị tư nhân cũng đã chủ động tổ chức cuộc thi “Nhà biên kịch tài năng 2019” để tìm kiếm những người trẻ có tài năng trong lĩnh vực sáng tạo kịch bản. Tuy nhiên, hiệu quả thu về từ những hoạt động này vẫn chưa có gì đáng kể.

Riêng Cục Điện ảnh Việt Nam, năm 2010 đã tổ chức cuộc thi tìm kiếm kịch bản phim truyện điện ảnh chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và đã chọn được hai kịch bản “Long Thành cầm giả ca” và “Những người viết huyền thoại” để trao giải cũng như đưa vào sản xuất.

Năm 2015, Cục này lại tổ chức trại sáng tác kịch bản và “Người yêu ơi” của Đỗ Bích Thúy được giao cho Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất nhưng vì những vấn đề liên quan đến công tác cổ phần hóa nên cho đến nay phim vẫn nằm trên giấy. Đầu năm 2020, Cục Điện ảnh đầu tư chiều sâu cho một số kịch bản phim truyện như “Hồng Hà nữ sĩ” và “Phơi sáng” nhưng vẫn chưa có kế hoạch bấm máy.  

Ông Vi Kiến Thành nhìn nhận: “So với nhu cầu và đòi hỏi của sự nghiệp phát triển điện ảnh, hoạt động thi sáng tác kịch bản của Cục còn quá ít ỏi. Sau cuộc thi “Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020”, tôi hy vọng sẽ giữ được nhịp độ hai năm thi một lần. Nếu không, tình trạng bết bát sẽ vẫn tiếp tục kéo dài”.

Ông Vi Kiến Thành nhấn mạnh, cuộc thi tìm kiếm kịch bản năm nay có chủ đề rộng mở, ngoài các nội dung truyền thống lâu nay mà phim Nhà nước đặt hàng vẫn chú trọng như đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, văn hóa dân tộc, thiếu nhi... BTC mong đợi nhận được tác phẩm mổ xẻ vấn đề của cuộc sống đương đại, về văn hóa, con người Việt Nam trong thời đại mới.

Nhiều nhà làm phim cho rằng, dẫu một cuộc thi có thể chưa giải được “cơn khát” của việc thiếu kịch bản, chưa thể đảm bảo điện ảnh Việt sẽ có những bộ phim truyện đặc sắc nhưng chắc chắn cuộc thi sẽ phần nào thu hút và khơi gợi được cảm hứng sáng tác kịch bản phim truyện trong giới cầm bút, phần nào bù đắp sự thiếu hụt về kịch bản phim truyện điện ảnh đang ở tình trạng báo động như hiện nay.

Theo Dân trí

https://dantri.com.vn/van-hoa/phim-viet-mat-ban-sac-thieu-dau-an-vi-khung-hoang-kich-ban-20200918123800577.htm#dt_source=Cate_VanHoa&dt_campaign=Cover&dt_medium=1

  • Từ khóa

Câu hò, điệu ví của ông cha làm nên cốt cách, tâm hồn người dân xứ Nghệ

Tối 23-11, tại quảng trường Hồ Chí Minh, TP Vinh, tỉnh Nghệ An diễn ra lễ kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa...
08:22 - 24/11/2024
61 lượt xem

Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 7 sẽ diễn ra vào ngày 29/11

Ngày 2/11, tại Hà Nội, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức họp báo thông tin về Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 7-năm 2024 sẽ diễn ra vào ngày 29/11...
16:55 - 22/11/2024
1,020 lượt xem

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói gì về 'làng chạy' thành làng du lịch tốt nhất?

Từ một nơi dân phải bồng bế nhau chạy trốn, làng Tân Hóa nay sống khỏe nhờ cách làm du lịch độc đáo.
15:40 - 22/11/2024
1,021 lượt xem

'Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca thế kỷ' đưa 100 văn nghệ sĩ TP.HCM thăm vùng Tây Bắc

Hành trình 'Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca thế kỷ' diễn ra từ ngày 26 đến 30-11 với các hoạt động ý nghĩa như: Trao quà hỗ trợ bà con khó khăn, bị ảnh...
14:14 - 22/11/2024
1,097 lượt xem

Sáng đạo trong đời đánh thức nội tâm thanh tịnh trong ta, yêu thương từ bi lan tỏa

Hòa thượng Thích Thọ Lạc nói xem triển lãm ‘Sáng đạo trong đời’ chúng ta, như được chiêm ngưỡng một thế giới nội tâm thanh tịnh, nơi mà tình yêu thương và...
14:50 - 22/11/2024
1,076 lượt xem