19
/
97552
Phim truyền hình vào cuộc tranh thị phần
phim-truyen-hinh-vao-cuoc-tranh-thi-phan
news

Phim truyền hình vào cuộc tranh thị phần

Thứ 5, 17/09/2020 | 14:25:28
446 lượt xem

Làm mờ các phân khúc thị trường để tạo sự đa dạng, thu hút nhiều khán giả đang được người trong giới nhận định là xu hướng tương lai của phim truyền hình

Sau thành công "Tiếng sét trong mưa" do Nguyễn Phương Điền đạo diễn, phim "Dâu bể đường trần" của đạo diễn Xuân Phước phát trên THVL thu hút rating (chỉ số lượt xem) 5.8 rồi tăng lên 6.2. Trước đó, khi ở mức rating 5.8, phim này vượt tác phẩm "Tình yêu và tham vọng" trên VTV3 (mức rating 2.9), dẫn đầu tốp 10 chương trình được xem nhiều nhất cả nước, theo thống kê của Kantar Media.

Không còn phụ thuộc vào tính vùng miền

Phim "Dâu bể đường trần" của đạo diễn Xuân Phước cũng là câu chuyện bối cảnh xưa. Các phim bối cảnh xưa lâu nay thường được khán giả miền Tây Nam Bộ yêu thích nhưng khó chinh phục được khán giả cả nước, nhất là ở thị trường miền Bắc. Sự phân khúc thị trường này đang ngày càng biến động khi nỗ lực của nhà sản xuất và nhà đài nhằm đa dạng hóa thị trường, mở rộng thu hút khán giả.

Phim truyền hình vào cuộc tranh thị phần - Ảnh 1.


Cảnh trong phim “Dâu bể đường trần”. (Ảnh chụp từ màn hình)

"Vài năm gần đây, tôi thấy khán giả miền Tây Nam Bộ thích phim bối cảnh xưa. Khi làm phim bối cảnh xưa thường chỉ nhắm đến khán giả vùng này. Nên chúng tôi không nghĩ rằng phim "Dâu bể đường trần" tạo được sức hút như thế" - đạo diễn Xuân Phước cho biết.

Đây là một mức rating được đánh giá cao bởi thông thường dù phim bối cảnh xưa có tạo được tiếng vang cũng chủ yếu thu hút đông đảo khán giả miền Tây Nam Bộ. Với khán giả miền Bắc, họ thích phim do Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình Việt Nam (VFC) thực hiện và phát trên VTV hơn. Điều này thể hiện rõ qua phim "Tiếng sét trong mưa", lượng rating có tập kỷ lục lên đến 26.0 ở khu vực miền Tây Nam Bộ nhưng tính trung bình cả nước chỉ đạt 3.6, mức này vẫn chưa vượt phim từng gây sốt màn ảnh nhỏ là "Người phán xử" với rating cả nước 5.42. Ngược lại, "Người phán xử" hấp dẫn khán giả Hà Nội với mức rating có tập đạt 18.67 nhưng ở TP HCM có tập đạt 1.79, chênh lệch lớn. Phim "Về nhà đi con" có mức rating trung bình 14.1 tại Hà Nội nhưng chỉ đạt trung bình 1.39 tại TP HCM.

Sự phân khúc thị trường của phim truyền hình đang diễn ra và mang đậm tính chất vùng miền. Người trong giới cho biết nhà sản xuất làm phim đa phần theo chủ trương nhà đài mà nhà đài thì phục vụ khán giả chủ yếu trong khu vực của mình. Phim bối cảnh xưa, sông nước miền quê được khán giả miền Tây yêu thích còn phim miền Bắc thì chủ yếu phục vụ khán giả miền Bắc, phim trên HTV được khán giả miền Đông Nam Bộ, miền Trung... chọn lựa.

Những giới hạn về ngôn ngữ cũng là yếu tố khiến sự phân khúc thị trường rõ ràng vì nhiều khán giả miền Bắc không quen, không hiểu những câu từ dân dã, đậm chất Nam Bộ. Các diễn viên với cách ứng xử, lối diễn xuất của miền này cũng khó có thể thuyết phục khán giả miền khác nhẫn nại theo dõi. Khán giả ở miền nào cũng thường có thói quen xem các đài ở miền đó.

Mở rộng đối tượng khán giả

Dù thực tế phim truyền hình có sự phân khúc thị trường theo vùng miền nhưng nhiều người trong giới cho rằng đấy chỉ là tình huống tạm thời khi các nhà đài tập trung phát triển thế mạnh của mình, phục vụ đối tượng khán giả quen thuộc trong khu vực. Về lâu dài muốn mở rộng thị phần, rating cao, các nhà sản xuất cần đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, đủ sức thỏa mãn nhu cầu nhiều đối tượng khán giả.

Theo sự phát triển chung, thị trường ngày càng đa dạng sẽ phục vụ được nhiều đối tượng khán giả, không chỉ gói gọn trong nhóm khán giả quen thuộc. Chính vì điều này, phía VFC thời gian qua đã nỗ lực đẩy mạnh hợp tác nhà sản xuất phía Nam để mang những tác phẩm phim bối cảnh xưa lên sóng VTV. Những dự án hợp tác hai miền Nam - Bắc có sự tham gia của dàn diễn viên hai miền, ê-kíp của hai miền, nhằm mở rộng đối tượng khán giả, tạo thói quen mới cho khán giả. Các phim: "Về nhà đi con", "Nhà trọ Balanha", "Tình yêu và tham vọng", "Cát đỏ"... đều có dàn diễn viên phối hợp hai miền Nam - Bắc. Ngoài ra, VFC cũng tổ chức sản xuất phim giao cho ê-kíp trong Nam thực hiện như phim "Bán chồng" (đạo diễn: Lê Hùng Phương) chiếu trên VTV, bối cảnh câu chuyện chủ yếu ở miền Tây Nam Bộ; "Mộng phù hoa" hay "Yêu trong đau thương"...

"Trước khi quyết định làm phim bối cảnh xưa chiếu trên VTV, chúng tôi có thăm dò thị trường. Nhiều người hỏi khán giả phía Bắc có thích phim bối cảnh xưa hay không? Khi "Tiếng sét trong mưa" phát sóng người miền Tây biết là đương nhiên vì kênh THVL rất mạnh khu vực này nhưng ngay cả khán giả miền Bắc hỏi tôi cũng rất nhiều. Thậm chí, họ còn hỏi tôi tại sao không chiếu trên VTV để mọi người cùng xem" - bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc điều hành Tổ hợp Giải trí và Truyền thông Mega GS, thông tin.

Cải thiện thói quen vùng miền, làm mờ các phân khúc thị trường để tạo sự đa dạng, thu hút nhiều khán giả đang được người trong giới nhận định là xu hướng tương lai. Điều này không có nghĩa THVL sẽ ngừng làm phim bối cảnh xưa hay VFC không sản xuất phim theo gu thưởng thức của khán giả miền Bắc mà chỉ là dung hòa nhu cầu bằng những phim thật sự chất lượng khiến khán giả vùng miền nào cũng phải chờ xem. 

Phân khúc chỉ tạm thời

"Nói đến phim bối cảnh xưa, tôi nghĩ khán giả miền Nam ai cũng nghĩ đến đài THVL. Tuy nhiên, tôi thấy khán giả xem miệt mài phim này qua phim khác rồi cũng sẽ đến lúc chán. Trước đây, dòng phim Hồ Biểu Chánh từng một thời chiếm sóng khu vực miền Nam, đài nào ở miền Nam cũng chiếu nhưng chỉ một thời gian đã dẫn đến nhàm chán. Trầm lắng một thời gian, nay phim bối cảnh xưa mới bắt đầu quay lại rầm rộ và với diện mạo mới lại tạo được sức hút. Theo tôi, khán giả miền Tây chưa hẳn đều thích phim bối cảnh xưa mà vì đài chỉ chiếu phim đó thì họ xem. Trước đây, khi THVL chiếu phim "Bát quái trận đồ" hay "Con gái bố già" là thể loại tâm lý, hành động, khán giả miền Tây cũng thích không kém" - biên kịch Đông Hoa nhận định.

Biên kịch Kim Ngọc tin rằng phân khúc chỉ là tạm thời, các đài nên đa dạng thể loại phim, khuyến khích nhà sản xuất kích cầu thị trường để tạo sáng tạo đa chiều. Nó có thể phá vỡ tính an toàn, ổn định tạm thời nhưng về lâu dài vẫn bền vững hơn. Đấy cũng là cách khán giả không nhàm chán, thu hút khán giả nhiều độ tuổi. Hẳn nhiên, sự chuyển đổi này cũng cần có thời gian để khán giả làm quen như cách mà VFC đang trong quá trình thực hiện.

Theo Minh Khuê/ NLĐ

https://nld.com.vn/van-nghe/phim-truyen-hinh-vao-cuoc-tranh-thi-phan-20200916213501205.htm

  • Từ khóa

Câu hò, điệu ví của ông cha làm nên cốt cách, tâm hồn người dân xứ Nghệ

Tối 23-11, tại quảng trường Hồ Chí Minh, TP Vinh, tỉnh Nghệ An diễn ra lễ kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa...
08:22 - 24/11/2024
2 lượt xem

Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 7 sẽ diễn ra vào ngày 29/11

Ngày 2/11, tại Hà Nội, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức họp báo thông tin về Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 7-năm 2024 sẽ diễn ra vào ngày 29/11...
16:55 - 22/11/2024
970 lượt xem

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói gì về 'làng chạy' thành làng du lịch tốt nhất?

Từ một nơi dân phải bồng bế nhau chạy trốn, làng Tân Hóa nay sống khỏe nhờ cách làm du lịch độc đáo.
15:40 - 22/11/2024
971 lượt xem

'Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca thế kỷ' đưa 100 văn nghệ sĩ TP.HCM thăm vùng Tây Bắc

Hành trình 'Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca thế kỷ' diễn ra từ ngày 26 đến 30-11 với các hoạt động ý nghĩa như: Trao quà hỗ trợ bà con khó khăn, bị ảnh...
14:14 - 22/11/2024
1,039 lượt xem

Sáng đạo trong đời đánh thức nội tâm thanh tịnh trong ta, yêu thương từ bi lan tỏa

Hòa thượng Thích Thọ Lạc nói xem triển lãm ‘Sáng đạo trong đời’ chúng ta, như được chiêm ngưỡng một thế giới nội tâm thanh tịnh, nơi mà tình yêu thương và...
14:50 - 22/11/2024
1,020 lượt xem