Phim “Hoa Mộc Lan” (Mulan) của hãng Disney dự kiến sẽ được ra mắt tại Trung Quốc vào cuối tuần này. Nhưng tác phẩm đang đối diện với một làn sóng chỉ trích vì được quay một phần tại Tân Cương cũng như phát ngôn trước đây của nữ chính Lưu Diệc Phi về vấn đề Hong Kong.
Hình ảnh Lưu Diệc Phi trong phim "Hoa Mộc Lan". (Ảnh: Disney)
Trong nhiều tháng qua, bộ phim bị những người ủng hộ phong trào biểu tình Hong Kong kêu gọi tẩy chay sau khi Lưu Diệc Phi tuyên bố ủng hộ cảnh sát đặc khu, trong khi lực lượng này bị chỉ trích vì sử dụng bạo lực quá mức đối với những người biểu tình.
Khi Disney đang đẩy mạnh quảng bá cho phim mới, phe ủng hộ phong trào biểu tình Hong Kong cho rằng Agnes Chow (Châu Đình), một nhà hoạt động tích cực gần đây bị bắt theo luật an ninh quốc gia mới, mới là Hoa Mộc Lan thực sự của họ. Những chỉ trích nhằm vào bộ phim còn liên quan đến chính sách của Trung Quốc đối với các nhóm thiểu số.
Tuần trước, một đợt biểu tình xảy ra ở vùng Nội Mông ở phía bắc Trung Quốc để phản đối chính sách giáo dục mới, trong đó quy định giảm thời lượng dạy ngôn ngữ Mông Cổ trong các trường học để tăng thời gian dạy tiếng Trung Quốc.
Sự phản đối này cũng lan sang cả “Hoa Mộc Lan” sau khi nhiều người dùng mạng xã hội phát hiện ra rằng Disney đã cảm ơn 6 cơ quan chính phủ ở Tân Cương, một vùng nằm ở phía tây xa xôi của Trung Quốc và là nơi sinh sống của những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, đã giúp đỡ sản xuất bộ phim.
Những cơ quan được nêu tên trong phim của Disney bao gồm cả sở cảnh sát ở Turpan, một thành phố nằm trên con đường tơ lụa cổ ở Tân Cương.
Chưa rõ quan hệ hợp tác giữa Disney và chính quyền Tân Cương là như thế nào. Hãng phim chưa trả lời đề nghị bình luận, theo New York Times.
Chính phủ Trung Quốc bác bỏ những chỉ trích quốc tế về các trại cải tạo ở Tân Cương và khẳng định đó chỉ là những trung tâm đào tạo nghề, có vai trò cần thiết để chống lại chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo.
Tuy nhiên, nhiều báo phương Tây dẫn các tài liệu và bản khai rò rỉ từ những người đi ra từ các trại đó kể về những chuyện lạm dụng thể chất và lời nói, cũng như những buổi học nhằm cải tạo tư tưởng.
Bên cạnh vấn đề Hong Kong, chính quyền Mỹ đang chỉ trích Trung Quốc gay gắt về vấn đề Tân Cương.
Grant Major, thiết kế sản xuất của phim, gần đây nói với tạp chí Architectural Digest rằng nhóm sản xuất đã ở Tân Cương nhiều tháng để khảo sát trước khi bấm máy. Tháng 9/2017, Niki Caro, đạo diễn của phim, đăng một bức ảnh chụp quang cảnh sa mạc rộng lớn lên trang Instagram cá nhân kèm địa điểm được đánh dấu là “Châu Á/Urumqi”. Urumqi là thủ phủ của Tân Cương. Khu vực xung quanh Turpan có một số trại cải tạo.
Năm 2016, ông Zhu Hailun, cựu phó bí thư Tân Cương, đi thị sát công tác “giáo dục cải tạo tập trung để phi cực đoan hóa”. Giới quan sát cho rằng đây là ví dụ cho thấy khu vực này được chọn làm điển hình cho chương trình cải tạo lại. Ông Zhu là một trong những quan chức Trung Quốc bị chính quyền Trump đưa vào danh sách trừng phạt từ tháng 7 vừa qua vì các vấn đề ở Tân Cương.
Đây không phải lần đầu tiên hãng Disney động chạm đến những vấn đề nhạy cảm chính trị ở Trung Quốc. Năm 1996, hãng này bị loại khỏi thị trường phim Trung Quốc sau khi khiến giới chức nước này phẫn nộ với bộ phim “Kundun” (Viên Thông tự) nói về cuộc đời của đức Đạt Lai Lạt Ma.
Theo Bình Giang/Tiền phong (nguồn NYT)
https://www.tienphong.vn/the-gioi/hoa-moc-lan-bi-keu-goi-tay-chay-vi-nhieu-van-de-chinh-tri-nhay-cam-1718740.tpo