Cát đỏ - bộ phim đánh dấu sự trở lại của đạo diễn Lưu Trọng Ninh đang nhận được sự quan tâm của khán giả. Tác phẩm bình dị, mộc mạc nhưng liệu có quá "đời" và "thô" trên màn ảnh?
Sau Thương nhớ ở ai năm 2017, người hâm mộ mới có dịp tái ngộ đạo diễn Lưu Trọng Ninh với Cát đỏ. Ông mang đến câu chuyện về thân phận con người gắn bó với miền cát, đang từng ngày trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc.
Cát đỏ khác biệt chỗ nào?
Cát đỏ là câu chuyện về những thân phận con người phụ nữ trên vùng cồn cát nắng cháy, khô cằn nhưng giàu tình yêu thương và động lực sống mạnh mẽ. Họ là những người dám sống, dám yêu.
Cát đỏ khắc họa thân phận người phụ nữ chửa hoang. Ảnh: ĐPCC
Điều làm nên sự khác biệt nữa của Cát đỏ chính là khai thác đề tài chửa hoang của người phụ nữ - đây được xem là câu chuyện hiếm hoi của màn ảnh Việt Nam. Trong đó, đại diện cho số phận người phụ nữ phải mang danh "chửa hoang" là: Đủ, Nhớ và Nhan.
Nếu như Tình yêu và tham vọng hay Lựa chọn số phận, chọn bối cảnh hiện đại với các tập đoàn, cao ốc, với những khu biệt thự sang trọng, hay nơi tòa án uy nghiêm thì Cát đỏ lại gần gũi với thiên nhiên hơn.
"Giá trị lớn của bộ phim là thông qua những câu chuyện, những diễn biến tâm lý tình huống còn có khung cảnh thiên nhiên của vùng đất Bình Thuận và duyên hải Nam Trung bộ. Nó đem đến cho khán giả những cảm nhận về văn hóa, con người ở đây" - đạo diễn Lưu Trọng Ninh chia sẻ.
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh không cầu cạnh diễn viên. Ông chọn người theo sự phù hợp với nhân vật được phác họa trong tác phẩm chứ không mưu cầu 1 "ngôi sao ăn khách". Điều đó cũng góp phần tạo nên sự mới lạ của Cát đỏ.
Dàn diễn viên Cát đỏ. Ảnh: ĐPCC
Ở Cát đỏ là sự đổ bộ của 1 dàn diễn viên mới mẻ như: Tuyết Hương, Võ Cảnh... Chỉ có Thúy Diễm được xem là "ngôi sao".
Bình dị, nhưng liệu có trần trụi?
Phim khắc họa đề tài người lao động, chính vì thế bộ phim được đánh giá gần gũi và chân chất. Tuy nhiên, qua 5 tập phát sóng, bộ phim khiến người xem thắc mắc là "hơi thô" so với 1 tác phẩm nghệ thuật. Điển hình là cách xưng hô, nói chuyện của các nhân vật. Ví dụ như người chồng dùng từ: con mụ để nói về vợ mình hay chuyện nhân vật Nguồn dùng roi da đánh Nhớ với lời lẽ: “Mày thật khốn nạn”...
Các nhận vật nữ trong phim có cách suy nghĩ táo bạo và có phần vượt qua giới hạn. Chẳng hạn việc Nhớ (Thúy Diễm đóng) khi giáp mặt vợ Hai Ngò đã thẳng thắn nói rằng: “Đã bao giờ bà hỏi ông ấy yêu tôi hay yêu bà chưa?". Trong khi cô chỉ là người tình. Việc Đủ và Nhớ khuyên Nhan “tình một đêm” với trai lạ cũng là điều khiến người xem bất ngờ...
Những tình tiết đan xen rất đời và có phần trần trụi trở thành đề tài bàn tán của khán giả trên mạng xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh việc nhận định trên, 1 số khán giả lại cho rằng phim có hướng đi khác biệt vì trong xã hội, nhất là miền quê thì việc xưng hô, hành xử như vậy không có gì lạ lẫm. Tuy nhiên, cái cốt là thông điệp ẩn chứa đằng sau qua bàn tay của đạo diễn Lưu Trọng Ninh. Ông cũng từng khiến khán giả mê mệt với Thương nhớ ở ai vài năm trước.
Theo Đình Dy/ Lao Động
https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/phim-cat-do-khac-biet-binh-di-nhung-lieu-co-qua-tran-trui-828494.ldo