19
/
94149
Đề xuất Huế là 'kinh đô áo dài' Việt Nam
de-xuat-hue-la-kinh-do-ao-dai-viet-nam
news

Đề xuất Huế là 'kinh đô áo dài' Việt Nam

Thứ 5, 09/07/2020 | 07:24:59
337 lượt xem

Khái niệm 'kinh đô áo dài' được đặt ra tại hội thảo khoa học 'Huế - kinh đô áo dài Việt Nam' và được nhiều nhà nghiên cứu đồng tình, dựa trên cứ liệu lịch sử, truyền thống cũng như nỗ lực bảo tồn phát huy giá trị di sản áo dài của Huế.

Tại hội thảo “Huế - kinh đô áo dài Việt Nam” do Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức hôm 8.7, TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên-Huế, nhắc đến dấu mốc quan trọng khai sinh trang phục áo dài là từ đời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát (1738 - 1765). 

“Ông tổ” của áo dài


Trình diễn áo dài tại lễ hội áo dài trong Festival Huế ẢNH: B.N.L

Theo TS Phan Thanh Hải, khi đó ở Thuận Hóa lan truyền câu sấm “bát đại hoàn trung đô”, chúa Nguyễn Phúc Khoát muốn thay đổi vận mệnh nên quyết định chính thức lên ngôi vương, xây dựng đô thành Phú Xuân, hạ lệnh đổi mới phong tục, trang phục trên toàn cõi Nam Hà; bắt buộc dân chúng nam, nữ đều phải dùng kiểu áo năm thân cổ dựng, cài khuy bên phải cùng với quần hai ống, trên đầu để tóc búi. Từ đây, áo bốn thân, váy, tóc vấn dần dần không còn xuất hiện phổ biến ở Đàng Trong.

Sách Đại Nam thực lục do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn cũng chép: “Chúa cho rằng lời sấm có nói “tám đời trở lại trung đô”, bèn đổi y phục, thay phong tục, cùng dân đổi mới; châm chước chế độ các đời, định triều phục văn võ (...). Thế là văn vật một phen đổi mới”. Cũng theo sách này: “Nam nữ sĩ thứ trong nước đều mặc áo nhu bào, mặc quần, vấn khăn, tục gọi quần chân - áo chít bắt đầu từ đây”.

Từ cuộc cải cách trang phục trên, Võ vương Nguyễn Phúc Khoát đã đặt nền tảng đầu tiên cho sự ra đời của chiếc áo dài ngũ thân truyền thống. Đồng thời, chiếc áo dài được trân quý và trở thành trang phục chính thức của người dân cả nam lẫn nữ ở xứ Đàng Trong.

Từ quan điểm muốn thống nhất, tự chủ về mặt văn hóa ở phương diện trang phục, vua Minh Mạng đã ban hành nhiều quy định thay đổi trang phục để tạo ra sự thống nhất giữa hai miền Nam - Bắc. Quốc sử quán triều Nguyễn chép vào năm Minh Mạng thứ 8 (1827), nhà vua xuống dụ: “Nhà nước ta cõi đất hợp một, chính trị, phong tục há nên có khác? Tháng trước các trấn thần lần lượt xin đổi áo mặc cho sĩ dân, đã từng theo như lời xin. Nay các hạt ở Bắc thành cũng nên kịp thời sửa đổi lại để cho được đồng nhất. Nhưng thay đổi phong tục, là việc mới bắt đầu làm, mà dân gian nghèo giàu không đều, về sự nhu cầu mặc, tất nên rộng hạn cho ngày tháng.(...) Phàm cách thức áo mặc đổi theo cách thức Quảng Bình trở vào nam, chuẩn cho đến cuối mùa xuân năm Minh Mạng thứ 10, nhất tề sửa đổi lại…”.

Hình ảnh các quan chức Nam triều mặc áo dài ẢNH: TƯ LIỆU

Từ thời điểm này, áo dài năm thân, cổ đứng chít 5 khuy bên phải kèm với quần 2 ống được chính thức công nhận là quốc phục của nước Đại Nam. Đến năm Minh Mạng thứ 18 (1837), nhà vua lại ban dụ, bắt buộc từ Quảng Bình trở ra phía bắc phải thay đổi trang phục thống nhất trong cả nước. Hành động quyết liệt về cải cách trang phục của vua Minh Mạng đã tạo cơ hội cho người phụ nữ Việt Nam nói chung và người phụ nữ xứ Huế nói riêng được mặc áo dài thường xuyên và đi vào nền nếp trong đời sống hằng ngày. Từ đó, áo dài lan tỏa ra khắp cả nước. 

Cần nhiều hoạt động cho “kinh đô áo dài”


Nam Phương hoàng hậu mặc áo dài, năm 1933 ẢNH: TƯ LIỆU

Tại hội thảo, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên-Huế, đồng tình với quan điểm cho rằng Huế là “chiếc nôi của áo dài Việt Nam”. Đồng thời để Huế xứng danh “kinh đô áo dài” Việt Nam, ông đề xuất cần phải đẩy mạnh hoạt động quảng bá để mọi người dân thấy giá trị và tự hào về chiếc áo dài, tiếp tục nâng cao lễ hội áo dài tại Huế, tổ chức các hoạt động tri ân chúa Nguyễn Phúc Khoát và vua Minh Mạng, lập hồ sơ đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ về chiếc áo dài Việt Nam. Đồng thời, cần lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di sản văn hóa cho áo dài Việt Nam; đẩy mạnh các lĩnh vực dịch vụ liên quan đến áo dài như dịch vụ thiết kế, may đo, trình diễn thời trang áo dài...

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Chủ tịch Hội May - thêu - thời trang Huế, cho hay: “Năm 1930, có hai họa sĩ ngoài bắc là Cát Tường và Lê Phổ đã mạnh dạn đưa những nét Âu phục vào canh tân chiếc áo dài. Đến khoảng năm 1960, bà Trần Lệ Xuân là người một lần nữa cải cách chiếc áo dài Việt Nam. Về sau hơn nữa, khi các trào lưu thiết kế của Việt Nam phát triển, thì các nhà thiết kế lại đưa các hoa văn, họa tiết vào chiếc áo dài, làm cho áo dài trẻ trung, năng động. Nhưng nếu muốn bảo tồn chiếc áo dài như lễ phục thì nên trở về với những đường nét căn bản của truyền thống và nên có những chính sách để khuyến khích, quảng bá, bảo tồn và gìn giữ. Và bởi Huế là “cái nôi của áo dài” nên việc xây dựng Huế là “kinh đô áo dài” Việt Nam cũng hoàn toàn phù hợp”.

Còn theo TS Thái Kim Lan (CHLB Đức), chiếc áo dài đã trải qua nhiều biến đổi và mỗi lần biến đổi đều có nét đẹp riêng. “Tôi cũng rất thích sự thay đổi, nhưng với chiếc áo dài, tôi cũng bảo thủ ở chỗ mình phải giữ chiếc áo dài đúng cung cách truyền thống. Vì vậy, tôi rất đồng tình với việc Huế khôi phục truyền thống mặc áo dài”. Họa sĩ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm CLB Đình làng Việt, cũng cho biết trong quá trình nghiên cứu tìm hiểu về chiếc áo dài nam, ông đã bất ngờ vì đó là chiếc áo dài “ngũ thân” của triều Nguyễn. Vì vậy, việc khôi phục áo dài nam không đâu khác ngoài áo dài của Huế.

Theo Bùi Ngọc Long/ Thanh Niên

https://thanhnien.vn/van-hoa/de-xuat-hue-la-kinh-do-ao-dai-viet-nam-1249063.html

  • Từ khóa

Câu hò, điệu ví của ông cha làm nên cốt cách, tâm hồn người dân xứ Nghệ

Tối 23-11, tại quảng trường Hồ Chí Minh, TP Vinh, tỉnh Nghệ An diễn ra lễ kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa...
08:22 - 24/11/2024
91 lượt xem

Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 7 sẽ diễn ra vào ngày 29/11

Ngày 2/11, tại Hà Nội, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức họp báo thông tin về Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 7-năm 2024 sẽ diễn ra vào ngày 29/11...
16:55 - 22/11/2024
1,050 lượt xem

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói gì về 'làng chạy' thành làng du lịch tốt nhất?

Từ một nơi dân phải bồng bế nhau chạy trốn, làng Tân Hóa nay sống khỏe nhờ cách làm du lịch độc đáo.
15:40 - 22/11/2024
1,050 lượt xem

'Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca thế kỷ' đưa 100 văn nghệ sĩ TP.HCM thăm vùng Tây Bắc

Hành trình 'Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca thế kỷ' diễn ra từ ngày 26 đến 30-11 với các hoạt động ý nghĩa như: Trao quà hỗ trợ bà con khó khăn, bị ảnh...
14:14 - 22/11/2024
1,129 lượt xem

Sáng đạo trong đời đánh thức nội tâm thanh tịnh trong ta, yêu thương từ bi lan tỏa

Hòa thượng Thích Thọ Lạc nói xem triển lãm ‘Sáng đạo trong đời’ chúng ta, như được chiêm ngưỡng một thế giới nội tâm thanh tịnh, nơi mà tình yêu thương và...
14:50 - 22/11/2024
1,105 lượt xem