Gần đây một cuộc tranh luận nổ ra về việc Kong Collapse là hố sụt sâu nhất Việt Nam, nhất thế giới. Tuy nhiên, chưa có cơ sở để khẳng định điều này.
Năm 1997, nhóm thành viên của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh đã khám phá một hệ thống hang động tại Phong Nha – Kẻ Bàng. Trong đó, có một hố sụt lớn được đặt tên là hố sụt Ngõ Cụt, do lối ra của nơi này là bí ẩn đối với đoàn thám hiểm vào thời điểm đó. Sau này, Ngõ Cụt được đổi tên thành hố sụt Kong Collapse.
Gần đây, những nhà thám hiểm của Jungle Boss đã trở lại hố sụt này để khám phá và đo được độ sâu của hố sụt từ đỉnh cao nhất đến đáy khoảng 450m. Đồng thời cũng phát hiện được 3 con đường để có thể vào hố sụt là bơi xuyên hang Đại Ả, đu dây trên cao xuống từ miệng hố hoặc có thể đi bộ (tuy hơi khó khăn).
Theo các chuyên gia hang động của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh (BCRA), đây là bất ngờ lớn trong hệ thống núi đá vôi trùng điệp của Phong Nha - Kẻ Bàng. Bởi dạng hang này hết sức lạ, kỳ diệu mà tự nhiên đã tạo ra trong hàng triệu năm. Phần lớn các hang động đều có chiều cao thẳng đứng, không khác gì các giếng trời khổng lồ và độ dốc rất ít.
Ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình cho biết, địa phương có nắm được thông tin cho rằng hố sụt Kong Collapse "là hố sụt sâu nhất thế giới tại Phong Nha – Kẻ Bàng" hay "hố sụt cao nhất Việt Nam hiện nay"... Tuy nhiên, "các thông tin này đều chưa có cơ sở", ông Hà nói.
Hố sụt Kong Collapse như giếng trời khổng lồ và độ dốc rất ít. Ảnh: L.L.D.
Ông Lê Lưu Dũng, Giám đốc công ty Jungle Boss (Quảng Bình), đơn vị đang khai thác độc quyền tour mạo hiểm đến Kong Collapse cho biết, thời điểm đó đoàn thám hiểm chưa khám phá hết hệ thống lối ra vào của hang động. Chính vì thế, chưa xác định được độ sâu hay độ cao của hố sụt.
Ông Dũng cũng khẳng định, nhóm thám hiểm của đơn vị ông chỉ dùng phương pháp thủ công để đo độ sâu của hố sụt. "Các thành viên của công ty leo lên đỉnh hố sụt và đo xuống bằng phương pháp thủ công. Đây chỉ là con số mà nhóm thám hiểm của công ty đưa ra chứ chưa có ý kiến của các chuyên gia hang động. Các chuyên gia hang động cũng chưa tiến hành đo độ sâu của hố sụt này", ông nói thêm.
Vị này nhận định, dù có tiềm năng để khai thác du lịch nhưng do có độ mạo hiểm cao nên tour khám phá hố sụt chỉ dành cho những người có sức khỏe, ưa thích mạo hiểm. "Người tham gia phải có đủ dụng cụ chuyên biệt cũng như sự hỗ trợ từ các chuyên gia, những người có kinh nghiệm trong tour thám hiểm", ông Dũng nói.
Thành viên nhóm thám hiểm của công ty Jungle Boss dùng dây để thám hiểm hố sụt Kong. Ảnh: L. L. D.
Hố sụt Kong Collapse, nhìn từ trên cao xuống, hình dạng miệng hố và đồi núi xung quanh tựa như đầu của một con khỉ đột khổng lồ, dễ dàng liên tưởng đến bộ phim Kong: Skull Island (Kong - đảo Đầu Lâu, 2017), từng có cảnh quay ở Quảng Bình.
Trong khi đó, Hang Sơn Đoòng có 2 hố sụt, hố sụt thứ nhất (Doline 1) có độ sâu từ điểm thấp nhất của miệng hố xuống đáy hang là 449m, hố sụt thứ 2 (Doline 2) tính từ điểm thấp nhất của miệng hố tới đáy hang là 252m, theo thông số đo vẽ của BCRA vào năm 2009 - 2010. Diện tích của Doline 2 là 200m x 175m, thậm chí có cả một khu rừng bên trong hang.
Theo ông Howard Limbert, BCRA chưa tìm thấy hố sụt nào ở Phong Nha - Kẻ Bàng lớn hay sâu hơn Doline 2 trong Hang Sơn Đoòng. Hiện nay hang có độ sâu nhất là hang Cống Nước với độ sâu là 600m, là hang sâu nhất tại Việt Nam đã được phát hiện.
Theo Nguyễn Nam/VnExpress
https://vnexpress.net/quang-binh-lam-ro-thong-tin-ve-ho-sut-sau-nhat-the-gioi-4105893.html