“An toàn trên hết” là khẩu hiệu hàng đầu, tuy nhiên các nhà quản lý, người làm du lịch thống nhất tuyệt đối không phân biệt đối xử, không để khách bị bỏ rơi.
Tuyên truyền để du khách đeo khẩu trang tại nơi công cộng từ 16/3 Ảnh: MẠNH THẮNG
Không kỳ thị
Hiệp hội Du lịch Việt Nam chủ trương kích cầu du lịch nội địa, thu hút hơn 100 doanh nghiệp đăng ký, bước đầu thu được hiệu quả khả quan. Tuy nhiên chương trình này đành tạm ngưng, chờ thời điểm thích hợp để quay lại do diễn biến khó lường của dịch bệnh. Tất cả nguồn lực hiện nay đều ưu tiên cho phòng, chống dịch bệnh.
Với tinh thần ứng phó linh hoạt, Hiệp hội yêu cầu doanh nghiệp đặt sự an toàn lên hàng đầu. Hiệp hội có văn bản đề nghị các thành viên, doanh nghiệp tăng cường tập huấn cho hướng dẫn viên, nhân viên những kiến thức liên quan dịch bệnh, xử lý kịp thời tình huống bất thường.
Các điểm đến, doanh nghiệp bắt buộc có máy đo thân nhiệt, khẩu trang, nước sát trùng. Hiệp hội cũng ban hành mẫu phiếu khai báo y tế bắt buộc đối với khách du lịch, trong trường hợp bất thường phải báo cơ quan chức năng xử lý kịp thời.
Tổng cục Du lịch ban hành công văn số 243 ngày 15/3 đề nghị các sở quản lý du lịch trên toàn quốc chỉ đạo các cơ sở lưu trú du lịch tại địa bàn triển khai ngay việc hướng dẫn, kiểm tra khai báo y tế đối với khách nước ngoài nhập cảnh Việt Nam khi làm thủ tục check-in tại các cơ sở lưu trú du lịch kể từ 7/3.
“Người làm du lịch lúc nào cũng phải sẵn sàng đối phó với tai nạn nghề nghiệp như thế này. Khi có dịch chúng tôi nghĩ ngay tới biện pháp khắc phục, để tồn tại luôn phải thay đổi phương thức hoạt động. Tuy nhiên ở giai đoạn này, du lịch gần như hy sinh hoàn toàn rồi. Không làm gì được nữa thì chúng ta luyện võ thôi, dành cho học hành, kiểm tra trình độ, tăng cường đào tạo để hết dịch thì xông ra. Không thể cứ kêu khóc mãi được”, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam nói.
Không đem con bỏ chợ
Dịch bệnh Covid-19 bùng phát cũng là thời điểm có tâm lý kỳ thị khách quốc tế. Nhiều cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống ngại đón khách nước ngoài. “Chống dịch như chống giặc” nên một số người nêu quan điểm nên ngừng đón khách quốc tế trong thời kỳ dịch bệnh diễn biến phức tạp.
“Những người làm du lịch đều phải hiểu kỳ thị là điều tối kị. Dù khó khăn nhưng khách đang ở Việt Nam chúng ta vẫn cần chăm sóc họ. Hiệp hội cũng có văn bản kêu gọi các doanh nghiệp tuyệt đối không được phân biệt đối xử” , ông Vũ Thế Bình khẳng định.
Quảng Bình là một trong những địa phương thu hút khách quốc tế, đều là thị trường khách hàng đầu như Anh, Hà Lan, Mỹ, Đức. Cách đây ba ngày khoảng 1.400 khách quốc tế lưu trú Quảng Bình, hết 16/3 còn khoảng 1.000 khách.
“Việc một số chủ cơ sở lưu trú, dịch vụ có tâm lý e ngại khiến khách gặp bất tiện là không thể tránh khỏi. Sở Du lịch Quảng Bình nắm bắt tình hình, lập tức yêu cầu các cơ sở lưu trú, công ty du lịch không được phân biệt đối xử bất kỳ quốc gia nào. Trường hợp khách sạn đóng cửa thì thôi, nếu chưa thông báo tạm dừng hoạt động thì không được phép từ chối khách”, ông Hồ An Phong, Giám đốc Sở nói.
Một số người cho rằng không nên tham vài đồng từ khách quốc tế trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng, tuy nhiên những người làm du lịch lại có cách lí giải khác: “Không nên tham mấy đồng là đúng. Kinh doanh để thu lợi nhuận lúc này cũng không bù đắp so với mất mát nhiều doanh nghiệp phải chịu, tuy nhiên tùy diễn biến tình hình và cấp độ khác nhau để cơ quan chức năng có quyết định phù hợp. Chúng ta tìm cách đóng cửa nơi nguy cơ cao, còn lại những khách đang an toàn vẫn phải được hưởng dịch vụ du lịch vốn có. Đây là lúc thể hiện Việt Nam là điểm đến an toàn, tin cậy, trách nhiệm”, ông Hồ An Phong nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Hanoi Redtours, Trưởng Ban Truyền thông, Hiệp hội Du lịch phân tích: Việt Nam tạm dừng đón hầu hết khách quốc tế rồi, cho nên gần như không có nguồn khách có nguy cơ lây nhiễm cao. Đối với khách đang ở Việt Nam, chúng ta yêu cầu phối hợp để khai báo y tế chi tiết.
“Tôi nghĩ với khách quốc tế đã khai báo đầy đủ, không đi vào vùng dịch, không ở trên những chuyến bay có người lây nhiễm, thì nên tạo điều kiện cho họ thực hiện nốt tua du lịch dang dở. Khách sang Việt Nam phải sắp xếp thời gian từ lâu nên không thể đuổi họ về, như thế ta đâu còn là điểm du lịch hiếu khách. Hơn nữa nếu hủy tua, liệu ai đền bù thiệt hại cho họ”, ông Hoan nói.
Ông Hoan đề xuất các công ty khai thác du lịch tuân thủ việc khai báo y tế đối với du khách, theo dõi thường xuyên thông tin của du khách. “Nhiều khách quốc tế quan niệm có bệnh mới đeo khẩu trang, còn ta đeo khẩu trang để phòng bệnh. Cần tuyên truyền để khách hiểu nhằm bảo vệ sức khỏe cho chính họ và cộng đồng”, ông Hoan nói.
Giải pháp quản lý lưu trú với khách quốc tế Sở Du lịch Quảng Bình đề xuất loạt giải pháp quản lý du khách lưu trú thời kỳ này. Nếu khách được phát hiện là F1 cần được đưa đi cách ly tập trung, khoanh vùng lấy mẫu xét nghiệm. Cơ sở lưu trú cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế theo dõi. Một số chủ nhà hàng có tâm lý lo ngại phục vụ khách quốc tế, vì thế Sở hướng dẫn các cơ sở lưu trú trao đổi với khách để khuyến cáo họ sử dụng dịch vụ tại chỗ, hạn chế đi lại. Sở cũng tham mưu cho lãnh đạo tỉnh có thư gửi khách quốc tế đang thực hiện cách ly, để có được sự cảm thông và hợp tác. Đối với khách chưa có biểu hiện nghi vấn, Sở Du lịch Quảng Bình chuẩn bị gửi thông điệp, bản tin để khách nắm bắt tình hình. “Trường hợp phát hiện khách đến Quảng Bình thuộc đối tượng F2, F3 bị từ chối vận chuyển hay tiếp nhận, Sở chỉ đạo cụ thể để bố trí không để cho trường hợp nào phải màn trời chiếu đất”, ông Hồ An Phong nói. |
Tuyên truyền để du khách đeo khẩu trang tại nơi công cộng từ 16/3 Ảnh: MẠNH THẮNG
Theo Nguyên Khánh/Tiền phong
https://www.tienphong.vn/van-hoa/an-toan-la-tren-het-1621774.tpo