Làm thế nào để phát huy giá trị những di tích lịch sử là vấn đề nan giải hiện nay.
TPHCM có 56 di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia, 2 di tích quốc gia đặc biệt. Trong đó, có di tích khảo cổ học, di tích kiến trúc nghệ thuật và di tích lịch sử. Đó là chưa kể 119 di tích cấp thành phố. Các di tích này xen lẫn nhau, chẳng hạn như quận 1 có các công trình kiến trúc đô thị; quận 3 và quận 10 tập trung nhiều các địa điểm di tích lịch sử hay các hội quán người Hoa ở quận 5…. Tuy nhiên, sự kết nối của các di sản này là khá rời rạc nên không thể khai thác được giá trị của chúng.
Những câu chuyện cùng với mỗi hiện vật, mỗi di tích sẽ làm cho du khách cảm thấy mình đang tham dự vào lịch sử hào hùng của TP. HCM.
Theo TS. Nguyễn Đức Hiệp – chuyên gia khoa học của Sở Môi trường và Di sản, bang New South Wales của Úc và là tác giả của bộ ba công trình biên khảo Sài Gòn – Chợ Lớn thì cách tốt nhất để “buộc” các di tích lại với nhau là xây dựng được những câu chuyện. Những câu chuyện phía sau mỗi di tích, di sản sẽ làm cho du khách cảm thấy mình đang tham dự vào sinh hoạt cộng đồng. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tạo nên hệ thống các tấm bảng, biển ghi chú, khẳng định một công trình, địa điểm là di tích văn hóa lịch sử, đính kèm với những thông tin tối giản nhất để du khách có thể hiểu, đây là di tích gì, có từ năm bao nhiêu, liên quan đến sự kiện, nhân vật lịch sử nào…
TS. Nguyễn Đức Hiệp đề xuất: Một điểm có thể làm rất dễ là một số di sản, một số nơi mà người nổi tiếng đã đến có thể để bảng ghi chú. Ở những thành phố văn hóa khác cũng đều làm điều này. Ngay với Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có nhiều nơi ở Pháp để “Ngày xưa Hồ Chí Minh đã sống ở đây”. Những thành phố văn minh không giới hạn người ở thành phố đó mà tất cả những danh nhân thế giới đến và sống tại thành phố, họ đều trân trọng.
HDV du lịch chính là cầu nối giữa các di tích với du khách tham quan.
Còn theo TS. Phan Anh Tú – GĐ Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng trường Đại học KHXH và NV TP. HCM, không chỉ cần viết lên những câu chuyện cuốn hút mà chúng ta cần có những chỉ dẫn nhất định để khách du lịch có thể tiếp cận dễ dàng hơn đến hệ thống các di sản, đặc biệt là di tích lịch sử. Tuy nhiên, hiện nay công tác giới thiệu và quảng bá di tích lịch sử lại chưa được thực hiện tốt.
Lý giải nguyên nhân này, TS. Phan Anh Tú cho rằng: Thứ nhất là người ta lớn tuổi và thứ hai là chuyên môn không được đào tạo về lĩnh vực văn hóa lịch sử nên ngại nói về di tích đó. Cái đó cũng làm cho giá trị di sản giảm đi rất nhiều. Thí dụ, khi bạn đến một ngôi đền cổ, những giá trị của nó lớn lắm nhưng bạn không hiểu được những giá trị đó vì ban quản lý di sản, di tích người ta không thuyết minh được. Người ta đến chỉ đến chiêm bái rồi về thôi.
Khi mà những người dân ở cơ sở chưa thực sự làm tốt trong công tác giới thiệu và quảng bá di tích thì đội ngũ hướng dẫn viên du lịch phải được xây dựng và bồi dưỡng chất lượng hơn. Bởi, họ chính là cầu nối giữa các di tích với du khách tham quan.
Nhiều di tích lịch sử văn hóa tại TP. HCM hiện đang chưa được khai thác đúng tiềm năng.
Bà Nguyễn Thị Đức Oanh một hướng dẫn viên du lịch lâu năm ở TP. HCM chia sẻ, nếu người hướng dẫn viên làm tốt thì sẽ dẫn dắt du khách vào không gian lịch sử văn hóa của mỗi di tích. Tuy nhiên, hiện nay công tác đào tạo hướng dẫn viên du lịch vẫn còn gặp nhiều vấn đề.
Bà Oanh cho biết: “Hồi xưa tôi được đào tạo đến 24 môn, học đến 2 năm, bây giờ học có 3 tháng thôi, tôi đi 9 chuyến thực tập, bây giờ có 1 chuyến thực tập. Thành ra cái đó là cái dở bên du lịch. Cứ nghĩ biết 2-3 tiếng ngoại ngữ là xong nhưng không phải. Khách đến đây muốn hiểu về văn hóa của mình thì hướng dẫn phải được đào tạo thật kỹ các điểm mình muốn giới thiệu. Các em bây giờ kiến thức yếu quá yếu, hướng dẫn mà muốn nói gì thì nói là sai hoàn toàn”.
Di tích là tài sản vô giá, là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử không chỉ riêng TP. HCM mà còn đối với cả nước ta. Trong phát triển du lịch nếu gắn kết với các di tích lịch sử thực sự hiệu quả thì không những sẽ đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của khách tham quan, mà còn góp phần vào quá trình lưu giữ, bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử hào hùng của TP. HCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Cho nên, trên nền tổng thể đó, ngành du lịch của TP. HCM cần có cái nhìn tổng quan hơn, cần có chiến lược cụ thể hơn trong quảng bá và đào tạo nhân lực thì chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng, những câu chuyện lịch sử của các di tích sẽ được xâu chuỗi tạo nên nhiều điểm nhấn du lịch để thu hút du khách đến TP. HCM./.
Theo VOV.VN
https://vov.vn/van-hoa-giai-tri/ket-noi-de-phat-trien-du-lich-di-tich-1010899.vov