Triệu Mềnh Quyên là chủ Hoàng Su Phì Bungalow và Dao’s Homestay trên vùng núi Hoàng Su Phì nổi tiếng với những thửa ruộng bậc thang uốn mình bên sườn núi. Du lịch cộng đồng đang giúp Quyên và những thanh niên người Dao khác khởi nghiệp thành công.
Dao’s homestay của Triệu Mềnh Quyên. Ảnh: NVCC
Du khách trong và ngoài nước khi đến Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) nghỉ tại Hoàng Su Phì Bungalow và Dao's Homestay (thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì) đều cảm mến Triệu Mềnh Quyên, chàng thanh niên dân tộc Dao Đỏ mến khách.
Ít ai biết chàng trai 30 tuổi này bén duyên với du lịch khá sớm khi mới 17 tuổi.
"Hồi đó, năm 2007, công ty du lịch Pan Hou thỉnh thoảng đưa khách tới nghỉ ở nhà em nên em cũng được tiếp cận khách du lịch khá sớm, cũng hiểu được phần nào nhu cầu của khách", Triệu Mềnh Quyên kể.
Là người dân tộc Dao Đỏ, quanh năm chỉ biết trồng lúa, hái chè, bố mẹ Quyên vẫn mong muốn các con của mình được học hành tử tế để "đổi đời". Thế là năm 2008, sau khi tốt nghiệp phổ thông, Quyên đi học tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam ở Hà Nội.
Năm 2010 trở về quê hương Hoàng Su Phì, Quyên tham gia công tác xã hội ở xã đồng thời tiếp tục học Đaị học kinh tế quốc dân mở tại Hà Giang. Những bài giảng của thầy cô giúp chàng trai trẻ hiểu được phần nào về việc kinh doanh. Từ những kiến thức học được, Quyên muốn lựa chọn cho mình một công việc ổn định và tạo việc làm cho mọi người.
Quyên cũng nhận thức tham gia công tác xã hội là để cống hiến. Mặc dù tuổi đời còn trẻ nhưng Quyên luôn trăn trở làm cách nào để cải thiện đời sống của gia đình mình và làm giàu cho quê hương vì cuộc sống của bà con nơi đây còn rất nhiều khó khăn. Mỗi khi gặp các hướng dẫn viên du lịch đưa khách lên Hoàng Su Phì, Quyên đều tâm sự về nguyện vọng của mình. Qua chia sẻ của họ, Quyên nhận thức được rằng, khách lên đây để trải nghiệm bản sắc văn hóa, cảnh quan thiên nhiên nhất là sau khi ruộng bậc thang Hoàng Su Phì được công nhận là di sản quốc gia năm 2012. Từ đó, Quyên càng có niềm tin là miền quê Hoàng Su Phì sẽ là điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước.
Khởi nghiệp bằng du lịch cộng đồng
Đồng hành với Quyên là anh trai Triệu Mềnh Kinh, người cũng rất đam mê làm du lịch. Hai anh em Kinh-Quyên quyết định khởi nghiệp bằng du lịch cộng đồng. Họ đã cải tạo, chỉnh trang khuôn viên nhà ở của gia đình, mua sắm chăn, đệm cho khách du lịch và kết nối với công ty Pan Hou đưa khách đến ăn nghỉ. Kinh và Quyên đều tâm niệm làm sao để khách hài lòng nhất, làm sao để khách luôn muốn quay lại nơi này.
Triệu Mềnh Quyên và các du khách nước ngoài tại homestay của anh. Ảnh: NVCC
Các đoàn khách trong nước và quốc tế khi nghỉ tại gia đình của Kinh-Quyên đều rất hài lòng và có phản hồi tốt. Tiếng lành đồn xa. Dần dần, nhiều công ty du lịch lên khảo sát và hai anh em tập xây dựng chương trình tour. Cứ như thế, khách đến với homestay Kinh-Quyên ngày càng đông. Đến cuối năm 2015, dự án "Hỗ trợ sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số bằng du lịch cộng đồng" do Trung tâm phát triển kinh tế nông thôn (CRED) triển khai tại Hoàng Su Phì như thổi một luồng gió mới cho người dân Nậm Hồng. Kinh, Quyên cùng các thanh niên trong thôn, xã được dạy cách quản lý điều hành homestay, xây dựng bày trí không gian trong và ngoài homestay, nấu ăn, kỹ năng giao tiếp, học tiếng Anh. Điều này giúp cho hai anh em Kinh, Quyên thêm tự tin hơn.
Thế rồi, Triệu Mềnh Kinh tách ra làm riêng và mở homestay riêng. Còn Quyên tiếp tục chăm chút ngôi nhà truyền thống của mình, chỉnh trang khuôn viên và bài trí vật dụng theo tư vấn của dự án. Khi dự án tổ chức cho các công ty lữ hành đến khảo sát, họ rất thích vì homestay này là ngôi nhà truyền thống của người Dao Đỏ, một trong 10 ngôi nhà còn lại trong thôn.
Dần dần, khách đến nghỉ tại homestay nhà Quyên càng đông và gia đình có thu nhập ổn định. Để làm tốt hơn việc quản lý cũng như thống nhất trong hoạt động du lịch, Quyên đã đề xuất với thanh niên trong thôn thành lâp HTX du lịch cộng đồng Nậm Hồng vào tháng 9 năm 2017. Các thành viên trong hợp tác xã tổ chức tua du lịch, giới thiệu, trình diễn văn nghệ truyền thống của người Dao Đỏ.
Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách muốn có phòng nghỉ riêng, cuối năm 2018, Quyên và hai thanh niên trong thôn cùng xây dựng mới khu Bungalow đưa vào sử dụng từ tháng 6 năm 2019.
"Trước đây khi mới xuống học ở Hà Nội, em nghĩ du lịch là một nghề quá xa xôi, chỉ phù hợp với chốn thành thị, nơi có nhiều địa danh nổi tiếng. Nhưng sau khi học xong về địa phương thấy lượng khách đến ngày càng đông, em cũng cố gắng tìm hiểu và lý giải được. Vậy là em quyết định kinh doanh một nghề mới khác với trước đây: phát triển du lịch cộng đồng", Triệu Mềnh Quyên kể.
Càng làm, chàng thanh niên Dao Đỏ lại càng hiểu được ý nghĩa sâu xa của du lịch cộng đồng không chỉ tạo thu nhập cho gia đình và cộng đồng mà còn góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nghề truyền thống và nâng cao nhận thức cho người dân nông thôn. Du lịch cộng đồng cũng tạo việc làm, giúp tiêu thụ nông sản tại làng bản.
Với vai trò là Bí thư đoàn xã Thông Nguyên, Triệu Mềnh Quyên tập hợp thanh niên trong xã thu hút họ tham gia du lịch cộng đồng. Đội xe ôm của xã gồm 12 thành viên đảm nhiệm việc chuyên chở du khách, hướng dẫn du lịch, phục vụ ăn uống, biểu diễn văn nghệ.
Đến giờ, nhận thức của Quyên và người dân địa phương về du lịch cộng đồng hoàn toàn đã thay đổi. Làm du lịch vẫn duy trì sự yên bình của bản làng, người dân địa phương không phải đi lao động xa hay xuất khẩu lao động. Với hai homestay, gia đình Quyên thu nhập gần 300 triệu đồng mỗi năm.
Quyên luôn mong muốn du lịch sẽ phát triển dần phù hợp với cơ sở hạ tầng, trình độ nhận thức của người dân, đồng thời vẫn bảo tồn được bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.
"Em chỉ muốn mọi người đến với Hoàng Su Phì ngắm nhìn ruộng bậc thang và phong cảnh nơi đây, sống tại nhà dân, có nhiều trải nghiệm văn hóa thú vị và sẽ càng yêu đất nước tươi đẹp của mình hơn".
Chắc chắn, ước mơ của Triệu Mềnh Quyên sẽ thành hiện thực
Theo Báo Tin tức
https://baotintuc.vn/du-lich/thanh-nien-dao-do-lam-du-lich-cong-dong-20191205182111649.htm