Nhìn lại 5 năm triển khai Nghị định 89 về phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT nhiều nghệ sĩ phải thừa nhận thực tế có những nghệ sĩ nhân dân mà nhân dân không hề biết.
DANH HIỆU XUỐNG CẤP
Hội nghị tổng kết 5 năm triển khai Nghị định số 89 quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT do Bộ VHTTDL tổ chức sáng 11/11. Ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua-Khen thưởng tóm tắt hai kỳ xét tặng theo Nghị định mới với một số cải tiến thủ tục, tạo thuận lợi cho nghệ sĩ. Bộ lấy ý kiến nghệ sĩ, nhà quản lý để tiếp tục sửa đổi Nghị định phù hợp hơn trong thực tiễn.
Là người đầu tiên góp ý, NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam thẳng thắn: Những đợt xét danh hiệu NSND đầu tiên còn hiệu quả bởi ai cũng biết và trân trọng họ: “Nhưng nay cứ lấy huy chương ra làm tiêu chí, nhiều cuộc thi tổ chức và nghệ sĩ bằng mọi cách có huy chương. Có nghệ sĩ thốt rằng cứ phong tặng danh hiệu thật nhiều đi để hễ ra ngõ gặp NSND, NSƯT. Việc phong tặng quá nhiều khiến giá trị danh hiệu này ngày càng hạ”.
Tiêu chí sau khi được phong tặng NSƯT chỉ cần thêm hai Huy chương vàng (HCV) sẽ được xét tiếp NSND, có phần dễ dãi. Ông Tiến Thọ nêu, có những nghệ sĩ chăm chăm tham gia hai vai chính trong hai vở dự liên hoan thế là xong, đủ huy chương xét danh hiệu. Ông cũng cảnh báo cần xem lại các giải thưởng quốc tế, cần thẩm định lại các giá trị của những cuộc gắn mác quốc tế đó. Nhiều nghệ sĩ chỉ đưa vở dự liên hoan quốc tế, có giải rồi đem về đóng gói trong khi khán giả không hề biết mặt mũi tiết mục đó.
NSND Thanh Hoa thẳng thắn chỉ ra sự vô lí khi quy đổi: Hai HCB thành 1 HCV. “Không thể quy đổi như thế, vàng là vàng mà bạc là bạc”, Thanh Hoa nói. Cho rằng danh hiệu NSND ngày càng xuống cấp, Thanh Hoa chỉ ra thực tế nhiều NSND chẳng được ai biết. “Cần lên án việc chạy theo số lượng để đơn vị có thêm nhiều NSND, NSƯT. Nhiều để làm gì, để mất uy tín hơn ư? Tôi nghĩ rằng nghệ sĩ có văn hóa khi chưa đủ điều kiện họ thực sự xấu hổ nếu nhận danh hiệu, bởi nghệ sĩ là chiến sĩ văn hóa. Mình không nên ảo nữa, không nên chạy theo danh hiệu không xứng đáng”, Thanh Hoa nêu ý kiến.
NSND Trần Hạnh, một trong số nghệ sĩ bị kẹt giữa các quy định về huy chương khi phong tặng danh hiệu
PHONG SAO CHO ĐÁNG
Nhiều NSND không được ai biết trong khi hội đồng bỏ lọt những người xứng đáng. Chẳng thế mà đợt vừa rồi Hội đồng Cấp Nhà nước phải đặc cách cho một loạt tên tuổi như nghệ sĩ Trần Hạnh, Minh Vương, Thanh Tuấn. Bất cập này một lần nữa được đem ra mổ xẻ.
NSND Ngô Văn Thành nêu quan điểm nghệ sĩ được xét tặng danh hiệu nhân dân phải xuất chúng, và “không thể cộng năm tháng thành NSƯT, cộng tiết mục thành NSND”. Ông đề xuất với những người công tác lâu năm trong ngành nên có chính sách khác để ghi nhận, không thể lấy đó làm thước đo phong danh hiệu.
NSND Thanh Hoa lấy ví dụ có nghệ sĩ cống hiến cả đời đến chết chưa chắc được ghi nhận, chẳng hạn lứa nghệ sĩ thời của chị bỏ cả con cái đi chiến trường. Ca sĩ có bề dày hơn 50 năm này nêu ý kiến cần xác định nghệ sĩ cống hiến cho nhân dân hay cho ngành, bởi nếu cống hiến cho ngành chỉ vài lần đi hội diễn thành NSƯT, NSND hết cả. “Tiêu chí nghệ sĩ đạt được sự lan tỏa, có uy tín để khán giả yêu quý quan trọng hơn nhiều, có như vậy các nghệ sĩ mang danh hiệu NSND mới ngẩng cao đầu được”, Thanh Hoa nói. Ngô Văn Thành đề xuất nên có quy định về sự cống hiến như một số quốc gia, chẳng hạn NSƯT phải diễn ít nhất 50 suất/năm, 80 suất đối với NSND.
Một trong những đề xuất nhận được sự đồng tình nhiều nhất của giới nghệ sĩ là bỏ tiêu chí đưa Huy chương Bạc vào trong quy trình xét tặng. Nhạc sĩ Đức Trịnh - Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam phân tích, đã là NSND phải xuất chúng, như vậy thì phải là solo, solist nên “không thể cộng dồn các huy chương quy đổi rồi có danh hiệu”.
NSND Nguyễn Quang Vinh, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho rằng vẫn nên ghi nhận những mặt tích cực của Nghị định xét tặng danh hiệu, tuy nhiên Nghị định phù hợp giai đoạn này chưa chắc phù hợp giai đoạn khác. Ông góp ý: dường như trong quá trình xét tặng danh hiệu, hội đồng thường mới để ý tiêu chí đủ huy chương, chưa coi trọng các tiêu chí khác như tài năng, sự cống hiến. Quang Vinh đề xuất nên có kênh thông tin từ công chúng để hội đồng biết nghệ sĩ có được yêu mến thực sự hay không.
Ghi nhận 14 ý kiến của các nghệ sĩ và nhà quản lý, TS Hoàng Minh Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL) cơ bản thống nhất ý kiến không quy đổi huy chương. Bộ tiếp tục ghi nhận ý kiến nghệ sĩ phía Nam, tổng hợp báo cáo Chính phủ. |
Theo Nguyên Khánh/Tiền phong