Qua nhiều năm, các công trình do người Pháp xây dựng vẫn còn được sử dụng và thu hút đông du khách tham quan.
Nhà thờ Đức Bà, TP HCM: Nhà thờ Đức Bà hay còn gọi là Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn, tọa lạc ở quận 1. Công trình do kiến trúc sư J.Bourard thiết kế từ thời Pháp thuộc. Vật liệu xây dựng nhà thờ như xi măng, sắt thép đến ốc vít đều được mang từ Pháp sang. Ảnh: Nguyễn Thành.
Thánh đường dài 93 m, nơi rộng nhất 35 m, cao 21 m (tính đến mái vòm), sức chứa tối đa 1.200 người. Công trình khánh thành năm 1880. Từ tháng 7/2017, nhà thờ bước vào giai đoạn trùng tu, dự kiến trong 2 năm, tạm dừng đón khách tham quan để đảm bảo an toàn.
Nhà thờ Tân Định: Công trình có tên gọi chính thức là Nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu, nằm trên đường Hai Bà Trưng (quận 3, TP HCM). Khởi công vào năm 1870 và hoàn thành 6 năm sau đó, tổng thể nhà thờ được xây dựng theo lối kiến trúc Gothic nhưng các chi tiết lại mang phong cách Roman và Baroque. Dù đã trải qua nhiều lần tu sửa, màu sắc ban đầu vẫn được giữ lại. Nhờ màu hồng khác lạ, nhà thờ thu hút không ít du khách ghé thăm. Ảnh: Phong Vinh.
Công trình có một tháp chính và hai tháp phụ. Tháp chính có độ cao 52,6 m; trên đỉnh gắn một cây thánh giá cao 3 m; bên trong là 5 quả chuông có tổng trọng lượng là 5,5 tấn. Hai tháp phụ có nhiều cửa sổ với hoa văn tinh tế. Thánh đường bên trong khá bề thế. Cùng với mặt tiền, hai hàng cột bên trong nhà thờ được đánh giá là những nét đẹp nhất của cả công trình. Bệ thờ được làm từ đá cẩm thạch mang từ Italy sang. Ảnh: Phong Vinh.
Nhà thờ Con Gà, Đà Lạt: Nhà thờ Con Gà khởi công xây dựng từ năm 1931 và hoàn thành vào năm 1942. Với lối kiến trúc theo trường phái Roman, nơi đây là một trong số kiến trúc Pháp lâu đời còn sót lại tại Đà Lạt. Nhà thờ được xây theo hình chữ thập, dài 65 m, cao 47 m. Cả mặt bằng và mặt đứng đều được xây đối xứng. Từ tháp chuông của nhà thờ, người ta có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố. Ảnh: Phong Vinh.
Tên chính thức của công trình là Nhà thờ Chính tòa Thánh Nicôla Bari hay Nhà thờ Chính tòa Đà Lạt. Sở dĩ, nơi này được nhiều người gọi là Nhà thờ Con Gà vì trên đỉnh cao nhất của công trình có tượng một con gà bằng đồng cao 66 cm. Bên trong gồm 3 không gian chính: một gian lớn ở giữa và 2 gian nhỏ hai bên. Hệ thống cột được thiết kế đối xứng, nối với nhau bởi những mái vòm. Ảnh: Phong Vinh.
Nhà thờ Buôn Hồ, Đăk Lăk: Mang dáng dấp gần giống nhà thờ Đức Bà ở TP HCM, nhà thờ ở thị xã Buôn Hồ là một điểm đến nổi bật ở Tây Nguyên. Công trình mang phong cách Gothic, có mái vòm và tháp chuông đôi cao vút. Phần tiền đường gọi là Quảng trường Huynh đệ. Ảnh: Kiều Oanh.
Nhà thờ Chính tòa, Đà Nẵng: Nhà thờ Tourane (thời Pháp thuộc) hay còn gọi là nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu hoặc nhà thờ Chính tòa, được khởi công từ tháng 2/1923 trên khoảng đất trống đường Rue du Musée (nay là đường Trần Phú, Đà Nẵng) do linh mục Vallet thiết kế và chủ trì xây dựng. Người dân địa phương hay gọi công trình bằng một cái tên gần gũi là nhà thờ Con Gà, bởi trên nóc nhà thờ có tượng con gà màu xám đặc trưng. Ảnh: @x191225x.
Tọa lạc trên triền đồi, nhìn ra hướng quốc lộ 14, nhà thờ nổi bật với mái vòm che cung thánh và tháp chuông đôi cao vút. Ảnh: @lnxciv.
Nhà thờ có kiến trúc Gothic với những đường nét cao vút, các vòm cửa hình quả trám, khung kính mô tả lại những sự kiện tiêu biểu trong Kinh thánh. Nơi đây được nhiều du khách nước ngoài ghé thăm và check-in khi đến Đà Nẵng. Ảnh: @lanabek_88.
Nhà thờ Lớn, Hà Nội: Khánh thành từ năm 1887, nhà thờ Lớn Hà Nội ở phố Nhà Chung ngày nay là nơi sinh hoạt tôn giáo nổi tiếng ở thủ đô. Nơi này cũng là điểm đến quen thuộc của du khách mỗi khi có dịp ghé thăm Hà Nội. Bạn có thể tới đây để tham quan, chụp ảnh, ghé các quán quanh đó để nhâm nhi cà phê hoặc trà chanh, trò chuyện cùng bạn bè. Ảnh: Kiều Dương.
Nhà thờ được thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothic với những mái vòm uốn cong, rộng, tường xây cao và nhiều cửa sổ. Vật liệu xây dựng chính của nhà thờ là gạch đất nung. Nhà thờ có chiều dài 64,5 m, rộng 20,5 m và hai tháp chuông cao 31,5 m với những trụ đá to nặng bốn góc. Ảnh: Giang Huy.
Theo Di Vỹ/VnExpress