“Period. End of Sentence.” là tác phẩm mới thắng giải Phim tài liệu ngắn xuất sắc tại Oscar năm nay, với câu chuyện về chủ đề của tế nhị nhất của phụ nữ, ở Ấn Độ.
Period. End of Sentence. là tên bộ phim tài liệu ngắn dài 25 phút của nữ đạo diễn Rayka Zehtabchi người Mỹ gốc Iran, xoay quanh chủ đề “khó nói” không chỉ đối với riêng chị em: tác động của kinh nguyệt và băng vệ sinh đối với cuộc sống của người phụ nữ nghèo.
Tác phẩm lấy bối cảnh tại những con phố nghèo ở Hapur, nơi mà người dân Ấn Độ vẫn còn phải vật lộn hàng ngày để kiếm miếng ăn trong những căn nhà tuềnh toàng đến xơ xác.
Cái nghèo triền miên và hàng loạt hủ tục truyền đời khiến đa phần phụ nữ Ấn Độ không có cơ hội dùng băng vệ sinh, hay thậm chí còn không biết tới cả tác dụng của chúng và giữ gìn vệ sinh trong những ngày “đến kỳ”.
“Bản án” kinh nguyệt mà không có băng vệ sinh gắn chặt với số phận của rất nhiều phụ nữ Hapur, khiến họ gần như không có cơ hội học hành, đổi đời, hay thậm chí không thể làm những việc cơ bản nhất như cầu nguyện thần linh trong các đền thờ Hindu khi kỳ kinh ập đến, bởi định kiến xã hội, nhất là từ phe nam giới, về sự “dơ dáy” đầy cấm kỵ của kinh nguyệt.
Vậy làm thế nào để người phụ nữ nghèo ở Hapur vượt qua tâm lý e ngại về kinh nguyệt - điều vốn chỉ là sự bất tiện về mặt sinh lý mà bất cứ người phụ nữ nào cũng phải trải qua, và nhất là làm thế nào để cung cấp cho họ thứ tiện ích vừa hiệu quả, vừa rẻ tiền để xử lý chuyện vệ sinh?
Chấm dứt “bản án” kinh nguyệt
Bộ phim Period. End of Sentence. cung cấp cho người xem một lời giải tiềm năng cho câu hỏi khó ấy. Đó là sự kết hợp giữa chiếc máy làm băng vệ sinh từ bông gòn có kinh phí thấp nhưng hiệu năng cao của nhà phát minh Arunachalam Muruganantham; và quan trọng hơn thế là tinh thần năng động, dám nghĩ, dám làm của chính những người phụ nữ Hapur với ước vọng cởi trói cho chính cuộc đời họ.
Một đề tài tưởng như rất bình thường nhưng lại khó nói, thậm chí là điều kiêng kỵ với nhiều người như kinh nguyệt và băng vệ sinh, rõ ràng không phải là lựa chọn dễ dàng cho các nhà làm phim tài liệu.
Lấy chủ đề chuyện khó nói của chị em, bộ phim giống như một lời khích lệ đầy ý nghĩa dành cho phái đẹp.
Lý do bởi nhà làm phim Zehtabchi vừa phải tìm thấy khía cạnh mới mẻ, sáng tạo về một chủ đề “muôn năm cũ” mà chẳng mấy người đoái hoài, nhưng phải nằm trong khuôn khổ của dòng phim tài liệu mà không thể kịch tính hóa đề tài theo cái cách Brian De Palma từng tiếp cận cho tác phẩm kinh dị Carrie (1976), hay miêu tả nó một cách nhẹ nhàng và thơ mộng như Isao Takahata đã làm trong kiệt tác hoạt hình Only Yesterday (1991).
Nhưng Period. End of Sentence. đã cho thấy tiềm năng của một tác phẩm tài liệu hấp dẫn ngay từ bản thân tựa đề. “Period” trong tiếng Anh vừa có nghĩa là “dấu chấm câu”, vừa có nghĩa là chu kì kinh nguyệt. Còn “end of sentence” vừa có thể hiểu là sự kết thúc của một câu nói thông thường, vừa có nghĩa là dấu chấm hết cho một “bản án”.
Quả thực, Period. End of Sentence. không chỉ đơn thuần là câu chuyện về vai trò của kinh nguyệt và băng vệ sinh trong đời sống hiện đại của phụ nữ Ấn Độ. Quan trọng hơn, tác phẩm tài liệu ngắn là lời khích lệ mạnh mẽ gửi tới những người phụ nữ còn đang phải chịu cảnh bị hắt hủi, khinh thường trong các gia đình, xã hội chịu ảnh hưởng từ những hủ tục, định kiến đầy chất gia trưởng.
Thông qua bộ phim, Rayka Zehtabchi muốn gửi tới những người phụ nữ như cô lời nhắn nhủ rằng nếu có niềm tin và chủ động đứng lên để thay đổi cuộc đời mình, thì chẳng điều gì, từ một “phiền phức” về mặt sinh lý như kinh nguyệt cho tới rào cản xã hội đến từ những người đàn ông luôn coi “đàn bà” là “công dân hạng hai”, có thể ngăn cản phái đẹp đạt được ước mơ vươn cao, vươn xa trong cuộc sống.
Cảm hứng dành cho phái đẹp
Tất nhiên, một tác phẩm giành giải Oscar cho Phim tài liệu ngắn xuất sắc không thể chỉ dừng lại với một thông điệp xã hội sâu sắc. Period. End of Sentence. thực sự là một tác phẩm tài liệu hay.
Bởi chỉ trong 25 phút ngắn ngủi, Rayka Zehtabchi đã chia sẻ với người xem rất nhiều hình ảnh đáng nhớ về muôn mặt người phụ nữ nghèo ở Hapur: già có, trẻ có, chủ động có, bị động có, xinh xắn có, chất phác có, nhưng ai ai cũng ấp ủ trong lòng khát vọng đổi đời, khát vọng vươn lên từ bàn đạp đơn giản nhất là những chiếc băng vệ sinh.
Cách kể chuyện chân thành sẽ giúp bộ phim truyền đi nhiều cảm hứng cho phụ nữ trên toàn thế giới.
Thông qua những góc máy cận cảnh chan chứa sự chân thành của cả người làm phim lẫn chủ thể trong các cuộc phỏng vấn, Period. End of Sentence. giúp người xem, đặc biệt là phái mạnh, hiểu thêm lý do tại sao một vấn đề tưởng chừng “đơn giản” như việc không có băng vệ sinh lại có thể đẩy cuộc đời người phụ nữ nghèo vào chỗ không lối thoát.
Và cũng từ chính những góc máy ấy, công chúng có thể cảm nhận sự đổi thay của xã hội, của cả những người đàn ông một khi phụ nữ đã dám mạnh mẽ xốc tới, làm chủ số phận, cùng nhau đẩy lùi những định kiến, nghi kỵ của người đời.
Mở đầu và kết thúc bằng hình ảnh những cô gái trẻ Ấn Độ sẵn sàng làm việc vất vả để thực hiện ước mơ trở thành cảnh sát, trở thành người phụ nữ được gọi một cách tôn trọng bằng chính tên của họ thay vì danh xưng “con ông X” hay “vợ ông Y”, Period. End of Sentence. rõ ràng không đơn thuần là câu chuyện điện ảnh “chấm hết” sau 25 phút Rayka Zehtabchi.
Hẳn Zehtabchi khi hoàn tất bộ phim tài liệu rất muốn tác phẩm của cô truyền được cảm hứng cho cả những người phụ nữ vươn lên, và cho cả xã hội trong việc chung tay, góp sức để phái đẹp thực hiện ước mơ thông qua những giúp đỡ dù là nhỏ nhất.
Tất nhiên, nữ giới vẫn cần có ngày của riêng họ, vẫn muốn được tặng những bó hoa thể hiện sự trân trọng, yêu quý từ nửa còn lại của thế giới.
Nhưng quan trọng hơn, họ cần sự tôn trọng và ủng hộ không ngừng nghỉ để có thể đẩy lui tàn dư của tư tưởng gia trưởng lạc hậu, để có thể chủ động nắm lấy số phận, chủ động thực hiện những hoài bão và giành lấy vị trí xứng đáng trong một xã hội bình quyền.
Theo Việt Phương/ Zing