'Phim cũng là di sản. Di sản quý như vàng. Nhưng lâu nay chúng ta cất sâu quá!', ông Nguyễn Như Vũ, Giám đốc Hãng phim Tài liệu và khoa học T.Ư, nhìn nhận.
Phim Mùa ổi giúp nhiều khán giả biết về Hà Nội những năm 1990 ẢNH: TƯ LIỆU
Nhiều nhà làm phim, phê bình phim độc lập, lưu trữ phim... trong và ngoài nước đã có mặt trong buổi hội thảo “Phim như một di sản văn hóa” do Viện Phim VN tổ chức, trong khuôn khổ dự án Di sản kết nối của Hội đồng Anh tại VN, diễn ra ngày 15.1 tại Hà Nội.
Bị lãng quên
Bà Donna McGowan (Giám đốc quốc gia, Hội đồng Anh tại VN) đã nhắc đến bộ phim Mùa ổi của đạo diễn Đặng Nhật Minh, khiến những khán giả ngoại quốc như bà cũng như khán giả trong nước có thể biết về Hà Nội những năm 1990. Bà nhìn nhận, điện ảnh cũng là phương tiện để tìm hiểu lịch sử. Không ai phủ nhận, điện ảnh là di sản lưu giữ giá trị lịch sử, văn hóa, lát cắt con người, cuộc sống, thời cuộc... Nhưng thực tế tại VN, di sản này ít được quan tâm, thậm chí bị quên lãng.
Nhà báo, nhà phê bình điện ảnh độc lập Lê Hồng Lâm đã thực hiện cuốn sách 101 bộ phim VN hay nhất mà theo như anh chia sẻ là để “xóa mù” cho chính mình về một giai đoạn lịch sử của điện ảnh VN. Anh cho rằng điện ảnh đã ghi lại một “biên niên sử” VN, qua đó thấy được những “biến động và bình lặng, những chia cắt và hòa hợp, vết thương và hàn gắn, khổ đau và hạnh phúc, tan vỡ và hồi sinh, nước mắt và nụ cười, ra đi và trở về...” của người VN trong gần một thế kỷ qua và những năm gần đây.
Phim như một di sản văn hóaNhững bộ phim tiêu biểu cho thấy những giai đoạn nổi bật của lịch sử, văn hóa, xã hội con người VN. Chẳng hạn bộ phim Kiếp hoa (năm 1953) được dẫn ra như ví dụ là một trong những tác phẩm hoàn chỉnh nhất được làm trước năm 1954 mang dáng dấp câu chuyện tình ủy mị. Từ năm 1954 - 1975, điện ảnh Việt bước vào giai đoạn phản ánh trực tiếp cuộc chiến tranh VN (1954 - 1975) với sự xuất hiện của thế hệ đạo diễn trẻ được đào tạo tại Pháp trước 1954, Liên Xô, khóa 1 Trường Sân khấu điện ảnh VN trong những năm chiến tranh như Phạm Kỳ Nam, Hải Ninh, Trần Vũ, Bùi Đình Hạc, Mai Lộc... Âm hưởng về cuộc chiến tiếp tục được đưa vào trong nhiều bộ phim sản xuất sau chiến tranh kéo dài trong suốt thập niên 1980. Từ năm 1980 đến những năm 2000 đã xuất hiện những bộ phim về đề tài cuộc sống, xã hội thời hậu chiến, bên cạnh những bộ phim khai thác đề tài xã hội thời kỳ bao cấp, kinh tế thị trường…
Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm đang thực hiện khảo cứu điện ảnh Sài Gòn trước năm 1975 - mảng di sản điện ảnh VN đang dần bị vùi lấp bởi thời gian. “Điện ảnh giai đoạn này có vai trò quan trọng. Bởi trong hơn 20 năm phát triển, đã có hàng trăm bộ phim sản xuất ra. Có những năm đỉnh cao, số lượng lên đến 40 - 50 phim/năm. Sau 1975, những bộ phim đó ngày càng biến mất. Đó là sự thiếu công bằng trong việc nhìn nhận, đánh giá về di sản văn hóa điện ảnh”, Lê Hồng Lâm nói.
Khi thực hiện khảo cứu về điện ảnh VN, Lê Hồng Lâm gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm tư liệu và bản phim ngày xưa. Anh cho biết việc tìm hiểu về điện ảnh VN những năm 1930 - 1940, hay điện ảnh bưng biền không hề dễ dàng, bởi rất khó để tìm, tiếp cận được những bộ phim thời kỳ đó.
Đừng để di sản chết!
Theo ông Lê Tuấn Anh (Phó phòng Kỹ thuật, Viện Phim VN), hầu hết kho phim tại VN chưa bảo đảm điều kiện bảo quản dài hạn. Đạo diễn Phan Đăng Di cho biết, phim của anh được nhà sản xuất lưu trữ tại Pháp. Ngoài ra, anh còn gửi phim của mình đi lưu trữ tại Nhật Bản và Singapore.
Không chỉ về điều kiện lưu trữ, Phan Đăng Di cho rằng, cách làm của Viện lưu trữ phim của Nhật khiến anh rất hứng thú, đó là việc chiếu phim lưu trữ cho công chúng. “Đó cũng là cách để giới thiệu điện ảnh VN tới với khán giả nước ngoài”, đạo diễn Phan Đăng Di nói. Trong khi ở VN, việc giới thiệu phim trong kho lưu trữ còn rất ít. Viện Phim cũng chỉ giới thiệu một số bộ phim gắn với các ngày lễ kỷ niệm lớn của đất nước và chiếu trong phạm vi hẹp là phòng chiếu của viện. Ngay các nhà làm phim cũng có rất ít thông tin để tiếp cận với nguồn phim lưu trữ.
Trong khi đó, bà Shona Thomson, người sáng lập và điều hành A Kind of Seeing (Anh), cho hay tại Scotland có rất nhiều rạp chiếu phim, câu lạc bộ điện ảnh, liên hoan phim, rạp chiếu lưu động sử dụng phim của trung tâm lưu trữ. Thậm chí, công chúng cũng dễ dàng truy cập kho tư liệu này trực tuyến trên thiết bị cá nhân để xem phim hay nghiên cứu.
Nhà phê bình Lê Hồng Lâm nhắc lại lời của ông Frank Gray (Giám đốc lưu trữ Screen Archive South East, ĐH Brighton, Anh) cho rằng: “Di sản muốn sống cần có sự tương tác với cộng đồng, hoặc lôi kéo cộng đồng. Đây là điều VN còn thiếu. Hãy mang di sản đến với cộng đồng để di sản sống, chứ không phải di sản chết”.N.A
Bộ phim ngắn Một khu đất tốt của Phạm Ngọc Lân đã vào vòng tranh giải chính thức Liên hoan phim Berlin năm nay. Đây là lần thứ 2 đạo diễn này có phim tranh giải tại hạng mục phim ngắn của Liên hoan phim Berlin. “Khoảng 5 năm trở lại đây, đã có những nhà làm phim VN đến với những khu vực quan trọng của những giải thưởng điện ảnh uy tín trên thế giới. Đây là những tiếng nói đầu tiên. Tuy nhiên, để làm điện ảnh VN phong phú và có bình diện rộng hơn, thì không chỉ có các nhà làm phim mà từ nhà sản xuất, nhà lưu trữ, cho đến nhà quản lý và cả công chúng đều phải có vai trò nào đó, giúp nhà làm phim đa dạng sáng tạo”, đạo diễn Phan Đăng Di nói. |
Theo Ngọc An/ Thanh Niên