Nguyễn Thành Phong, họa sĩ truyện tranh 33 tuổi, tác giả cuốn sách từng gây xôn xao Sát thủ đầu mưng mủ, mới đây nhất là Thương nhớ thời bao cấp, đã chia sẻ về tác phẩm mới cũng như sự phát triển của truyện tranh Việt.
Họa sĩ Nguyễn Thành Phong ẢNH: NVCC
"Thương nhớ thời bao cấp" là cuốn sách đầu tiên tập hợp những câu cửa miệng, tục ngữ, thành ngữ, những câu ca vần vè, khúc đồng dao... từng quen thuộc trong thời bao cấp. Ý tưởng sáng tác của anh bắt nguồn từ cảm hứng, nguyên do nào?
Ngay sau khi tôi làm cuốn sách Sát thủ đầu mưng mủ, công ty sách đã muốn làm một cuốn nữa với những câu nói, cụm từ, ca dao hay sử dụng trong thời kỳ bao cấp. Tôi nhớ ý tưởng đó đã có từ năm 2012, hoặc sớm hơn nữa.
Hơi khác với Sát thủ đầu mưng mủ, cuốn sách về thời bao cấp, khoảng thời gian cũng đã qua hơn 30 năm rồi, nên việc tìm tư liệu phải kỹ hơn. Anh Hữu Khoa (cùng với Thành Phong là hai họa sĩ thực hiện Thương nhớ thời bao cấp - phóng viên) thuộc thế hệ 7x, là người đã từng lớn lên trong thời bao cấp. Còn tôi, từ khi sinh ra, đến khi có ý thức, không còn thời bao cấp nữa. Ký ức của tôi về thời kỳ này chỉ còn lại những vật dụng, những địa điểm…
Vậy, việc "vẽ" về thời bao cấp có làm khó một người lớn lên trong thời đổi mới như anh?
Tư liệu về thời kỳ này như ảnh, tranh, phim tài liệu vẫn còn nhiều, nên tôi không có cảm giác quá khó, nhưng cần dụng công hơn. Chẳng hạn, đơn giản như hình ảnh cái bếp dầu, đài radio, những thứ mà thời sau này ít sử dụng, mình phải tìm tư liệu, ảnh. Khi làm cuốn sách, tôi đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về thời bao cấp và thấy hiểu biết được thêm rất nhiều thứ mà trước đây chỉ nghe qua lời kể của bố mẹ thôi. Ví dụ như những khái niệm của thời bao cấp như đặt cục gạch, nhiều bạn sẽ không biết nguồn gốc nếu không sống qua thời bao cấp, hay câu nói thể hiện quan niệm của một thời kỳ đó giờ không còn nói nữa như "gái công trường giường bệnh viện"…
Không chỉ những người đã trải qua thời bao cấp, mà nhiều người trẻ cũng rất quan tâm đến những thứ liên quan đến thời đó, như triển lãm, sách, hay cả những quán cà phê. Đứng vị trí ở một người trẻ, anh lý giải “hiện tượng” này như thế nào?
Xu hướng hoài cổ là xu hướng trên thế giới đã có từ hàng chục năm nay. Tôi nghĩ Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng ấy. Với những người đã trải qua thời ấy, đương nhiên họ hiểu thời đấy gian khổ và thiếu thốn. Bảo người ta quay lại không ai muốn quay lại, nhưng đó là thời kỳ gắn liền với kỷ niệm. Nhiều người có thể tiếc nuối vì đánh mất giá trị, tình cảm gia đình làng xóm láng giềng có trong thời bao cấp. Khi nhớ về quá khứ, xu hướng là con người thường hướng về kỷ niệm đẹp, bao dung hơn với quá khứ.
Còn với người trẻ, nói việc quan tâm đó đến từ sự tò mò không hoàn toàn chính xác, nhưng mọi người sẽ rất háo hức muốn biết xem là thời ngày xưa thế hệ bố mẹ ông bà mình sống như thế nào, một sự háo hức tìm về nguồn gốc của mình thôi. Khi xem những sách tranh, phim, ảnh…, các bạn trẻ có thể hiểu về cuộc sống thế hệ ông bà, bố mẹ mình. Hiểu hơn về thời kỳ bao cấp là cách để có sự kết nối sâu sắc hơn với thế hệ trước.
Sau "Thương nhớ thời bao cấp", trong năm 2018, anh sẽ tiếp tục “trình làng” dự án nào?
Tôi đang cùng các cộng sự hoàn thành tập 4 của bộ truyện Long Thần Tướng, tập 5 cũng sẽ tiếp tục được thực hiện trong năm nay. Tập 4 đã gây quỹ (độc giả ủng hộ kinh phí để tác giả xuất bản sách - phóng viên) được hơn 250 triệu đồng. Còn tập 5, chúng tôi đang suy nghĩ có thể tiếp tục gây quỹ hoặc không.
"Long thần tướng" là bộ truyện tranh đầu tiên thực hiện theo hình thức gây quỹ tại Việt Nam. Anh có thấy bất ngờ khi dự án nhận được nhiều sự ủng hộ như vậy?
Chúng tôi bất ngờ lắm! Khi gây quỹ tập 1 của bộ truyện Long Thần Tướng, chúng tôi đặt mục tiêu là 300 triệu đồng, kinh phí tối thiểu để mình sáng tác, bộ phận sáng tác, in ấn, làm đồ, quà tặng khác như tượng nhân vật, áo… Nhưng thực ra, số tiền này rất lớn so với các dự án gây quỹ từ trước đến giờ.
Trước đó, có một trang web đã gây quỹ cho khoảng 40 dự án, tổng số tiền gây quỹ được hơn 200 triệu đồng. Còn chúng tôi lại đặt mục tiêu mỗi dự án gây quỹ khoảng 300 triệu đồng. Điều đó khó có thể tưởng tượng là có thể hiện thực hóa được, vì hình thức gây quỹ chưa phổ biến tại Việt Nam, độc giả chưa có thói quen ủng hộ tiền khi chưa nhìn thấy hay sờ thấy sản phẩm mà tất cả mới ở dạy dự án.
Sau khi Long Thần Tướng tập 1 được đón nhận như thế, chúng tôi nhận thấy mình đã có thêm một kênh nữa để làm truyện tranh. Đó là kết nối trực tiếp với độc giả của mình, thay vì chỉ đi theo con đường truyền thống là qua sự đầu tư của một công ty sách nào đó.
Dự án "Long Thần Tướng" đã mở đầu cho hàng loạt dự án truyện tranh được thực hiện theo hình thức gây quỹ. Có vẻ như độc giả “khát” truyện tranh nội?
Có nhiều độc giả ủng hộ truyện tranh Việt Nam, bên cạnh đó, tôi cho rằng nhiều bộ truyện tranh khá tốt. Một năm sau khi Long Thần Tướng giành giải bạc tại cuộc thi truyện tranh quốc tế International Manga Award tại Nhật Bản năm 2016, truyện Địa ngục môn của Can Tiểu Hy cũng đạt giải thưởng tương tự.
Không chỉ vậy, nhiều tác giả tham gia các cuộc thi vẽ truyện tranh quốc tế và đạt giải, nhiều bạn tôi cũng không biết là ai vì họ chưa xuất hiện nhiều trong cộng đồng truyện tranh trong nước. Việc chủ động tìm kiếm cơ hội trong các cuộc thi quốc tế là việc tốt
Ngoài ra, có những xu thế đang thay đổi. Độc giả đang chuyển từ đọc truyện tranh truyền thống qua đọc truyện tranh online. Họ thích đọc truyện trên điện thoại nhiều hơn. Nhiều họa sĩ đã bắt kịp xu hướng, làm trang web truyện tranh phát hành trên mạng xã hội. Họ cộng tác với các đơn vị để quảng cáo, bản thân những trang web như vậy cũng nuôi sống các bạn ấy được. Đấy là xu thế càng ngày càng phổ biến trong tương lai, là hướng đi của các bạn tác giả truyện tranh,
Trong những ngày chuẩn bị bước sang một năm mới, anh mong muốn điều gì cho các hoạ sĩ truyện tranh như mình?
Truyện tranh Việt Nam đang tiến triển tích cực cả số lượng lẫn chất lượng. Tuy vậy, tôi vẫn mong muốn rằng có nhiều đơn sẽ vị hỗ trợ, tạo điều kiện cho các bạn tác giả truyện tranh trẻ có thể đưa các tác phẩm của họ ra nhiều thị trường nhiều hơn nữa. Có nhiều bạn rất giỏi, nhưng chỉ thiếu đi yếu tố nào đó để đưa tác phẩm của mình đến với độc giả.
Họa sĩ truyện tranh có thể sống tốt, nhưng nhiều bạn cần chủ động hơn, thích nghi hơn với công nghệ mới để lôi cuốn độc giả, chứ không thể giậm chân tại chỗ để mong tác phẩm gây chú ý được.
XIn cám ơn anh về cuộc trò chuyện!
Theo Ngọc An/ Thanh Niên