19
/
52871
Chuyện người nhạc sĩ đưa lời nói của Bác Hồ trong ngày 2/9 vào “Ba Đình nắng”
chuyen-nguoi-nhac-si-dua-loi-noi-cua-bac-ho-trong-ngay-2-9-vao-ba-dinh-nang
news

Chuyện người nhạc sĩ đưa lời nói của Bác Hồ trong ngày 2/9 vào “Ba Đình nắng”

Thứ 7, 02/09/2017 | 10:19:43
1,089 lượt xem

Ca khúc “Ba Đình nắng” do nhạc sĩ Bùi Công Kỳ phổ nhạc từ bài thơ của nhà thơ Vũ Hoàng Địch được xem là ca khúc “độc nhất vô nhị” đưa cả lời nói thân thương của Bác Hồ: “Tôi nói đồng bào có nghe rõ không?” vào trong nhạc.

Nhạc sĩ Bùi Công Kỳ (1919 - 1985) quê gốc ở Nam Định. Theo Nhạc sĩ Dân Huyền, ngay từ ngày đầu của cuộc khởi nghĩa tháng 8/1945, ông đã sáng tác đầu tay là ca khúc “Hồn Việt Nam”. Bài hát này do chính ông hát trong một buổi biểu diễn của Đoàn kịch Anh Vũ.

Sau ngày độc lập, nhạc sĩ Bùi Công Kỳ và nhà thơ Vũ Hoàng Địch cùng công tác tại Ty Thông tin Phú Thọ. Năm 1947, hai tác giả đã cho ra đời ca khúc nổi tiếng “Ba Đình nắng”.

Nhạc sĩ Dân Huyền kể, những năm 60 của thế kỷ trước, ông và nhạc sĩ Bùi Công Kỳ cùng làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhạc sĩ Dân Huyền làm ở tổ Âm nhạc, còn nhạc sĩ Bùi Công Kỳ làm ở tổ Sân khấu.

Có lần, nhạc sĩ Bùi Công Kỳ đưa cho nhạc sĩ Dân Huyền xem tờ bìa của bản nhạc “Ba Đình nắng” mà ông tự vẽ, do Ty Thông tin Phú Thọ phát hành năm 1948.

Khi nhạc sĩ Dân Huyền hỏi về ca khúc ấy, nhạc sĩ Bùi Công Kỳ kể rằng, ông viết ca khúc này rất nhanh vì đã có lời thơ của nhà thơ Vũ Hoàng Địch. Toàn bộ lời thơ gần như phổ trọn, ít phải thêm bớt. Nhiều người ở Phú Thọ thời đó đều hát được bài này.

“Thời đó, nhạc sĩ Bùi Công Kỳ có nói với tôi rằng: “Tớ không được vinh dự có mặt ở vườn hoa Ba Đình như Vũ Hoàng Địch ngày 2/9 năm ấy, nhưng tớ vẫn cứ tưởng tượng ra như mình đang bay trên bầu trời hôm đó. Mình đang cầm bút vẽ, đang cầm máy thu âm, đang cầm máy ảnh… ghi lại được diễn biến và toàn bộ khung cảnh một ngày vui lớn của cả nước”, nhạc sĩ Dân Huyền kể thêm.

Theo nhạc sĩ Dân Huyền, “Ba Đình Nắng” có thể sử dụng dưới hình thức hợp xướng, cũng có thể hát tốp ca, đơn ca nếu không có nhiều người. Vì sự “đa dạng” ấy nên ca khúc rất dễ phổ biến.

“Về mặt hình thức, nhìn vào bản nhạc ta thấy có đến 4 lần thay đổi nhịp (2/4 rồi 3/4), khi một dấu thăng, lúc chuyển hai dấu thăng để cho phù hợp với giai điệu. Nó thể hiện được sự chứng kiến giờ phút thiêng liêng của dân tộc trong ngày dựng nước mà tự sự mà tâm tình. Đây là một ca khúc “độc nhất vô nhị” đã đưa được lời nói thân thương, rất hào sảng mà rất gần gũi của Bác Hồ trong ngày lễ ra mắt quốc dân đồng bào giữa Ba Đình lịch sử: “Tôi nói đồng bào có nghe rõ không?”.

Câu nói ấy được lồng vào giai điệu với 7 nốt nhạc rất nhuần nhị lại vừa tự nhiên mà nghe thật tình cảm. Câu nói ấy làm xúc động hàng triệu triệu tấm lòng của quân và dân cả nước cách đây 66 năm, dưới ánh nắng Ba Đình lắng nghe lời Tuyên ngôn độc lập. Điều đó càng khẳng định tài năng của một người nhạc sĩ cách mạng”, nhạc sĩ Dân Huyền nói.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn San cũng từng chia sẻ, “Ba Đình nắng” là một trường ca gồm nhiều đoạn với sự thay đổi nhịp điệu liên tục, tiết tấu lúc nhanh lúc chậm… thể hiện niềm xúc động dâng trào trước giờ phút thiêng liêng. Cảm xúc có lúc nghẹn lại và có lúc lại như vỡ òa.

Người nghe đã bị cuốn hút mạnh ở ngay 2 câu mở đầu bài hát trong đó tiết nhạc đầu tiên là một tiếng reo vui đồng thời biểu hiện hình tượng lá cờ đỏ sao vàng của dân tộc đang phấp phới bay trên kỳ đài: “Gió vút lên! Ngọn cờ trên kỳ đài phấp phới. Gió vút lên! Đây bao nguồn sống mới dạt dào”.

Tiết nhạc “gió vút lên” được tác giả viết ngay ở âm khu cao và tiếng vút được hát luyến 4 nốt khiến người nghe tưởng tượng ra tiếng gió mùa thu, đồng thời hình dung lá cờ bay phấp phới, rất kiêu hãnh trên kỳ đài đặt ở vị trí cao so với mặt bằng quảng trường Ba Đình lúc ấy.

Nhạc sĩ Dân Huyền cho biết, dù ca khúc mang nhiều giá trị âm nhạc và ý nghĩa lịch sử nhưng phải đến 10 năm sau khi ra đời (1957), nghệ sĩ Trần Khánh mới thu âm ca khúc này và lúc đó bài hát mới được phổ biến rộng rãi. Giọng của nghệ sĩ Trần Khánh lúc đó âm vang, ấm áp, hào sảng, có âm vực rất rộng (tới 2 quãng 8), xuống trầm vẫn rõ lời, lên cao vẫn sáng, không gắt, chói.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến, nhạc sĩ Bùi Công Kỳ được phân công làm Trưởng Đoàn văn công 316 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các ông Chu Huy Mân và Song Hào. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Đoàn văn công 316 và đoàn văn công Tổng cục chính trị sáp nhập với nhau.

Một loạt ca khúc khác của nhạc sĩ Bùi Công Kỳ cũng ra đời trong dịp này như: Nông dân ơn Đảng ơn Bác Hồ, Tây Bắc mừng chiến thắng, Bài ca biên giới… Năm 1956, ông về công tác ở Phòng Văn nghệ Đài Tiếng Nói Việt Nam, rất say sưa soạn nhạc cho các vở chèo, vở kịch, là một cộng tác viên có uy tín của các đơn vị biểu diễn. Năm 1970 ông được bổ sung sang Đài Truyền hình Việt Nam, ngay những ngày đầu mới thành lập cho đến khi về hưu.

Theo Hà Tùng Long/ Dân Trí

  • Từ khóa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ: Nhật kí chiến tranh của người lính trẻ

Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với vai trò phóng viên chiến trường kiêm họa sĩ, Phạm Thanh Tâm khi ấy mới ở độ tuổi đôi mươi.
15:47 - 27/04/2024
227 lượt xem

Công bố 100 tư liệu và hình ảnh về đường Trường Sơn huyền thoại

100 tư liệu, hình ảnh về đường Trường Sơn đã được trưng bày tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội trong triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ...
16:12 - 26/04/2024
778 lượt xem

Hải Phòng một ngày kêu gọi được 22 tỉ đồng cho Lễ hội Hoa Phượng Đỏ

Chỉ trong ngày đầu tiên gặp mặt kêu gọi các doanh nghiệp tài trợ cho Lễ hội Hoa Phượng Đỏ, UBND thành phố Hải Phòng đã nhận được 22 tỉ đồng. Ngân sách...
15:20 - 26/04/2024
823 lượt xem

Thạch nhũ đẹp mê hồn bên trong hang động mới phát hiện tại Quảng Bình

Một hang động mới được phát hiện tại 'vương quốc hang động' Quảng Bình, với hệ thạch nhũ được đánh giá như những tấm thảm đẹp mê hồn.
15:43 - 26/04/2024
821 lượt xem

Bảo vật quốc gia: Hình tượng bảo vật trở thành biểu trưng của bảo tàng

Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng lấy hình tượng vũ nữ Apsara Trà Kiệu trên phù điêu mới được công nhận là bảo vật quốc gia làm biểu trưng. Tuyệt tác điêu...
13:12 - 26/04/2024
885 lượt xem