“Đường thêu của mẹ” là bộ sưu tập mới nhất của nhà thiết kế Xuân Thu vừa trình làng, với ý nghĩa là sự trao truyền, nối tiếp những giá trị văn hóa truyền thống qua nhiều thế hệ.
Một số mẫu thiết kế của bộ sưu tập “Đường thêu của mẹ”. (Ảnh: Nhà thiết kế cung cấp)
Bộ sưu tập “Đường thêu của mẹ” gồm các thiết kế áo dài thêu trên chất liệu lụa, với những đường thêu được kết nối từ hai thế hệ mẹ và con: nhà thiết kế Xuân Thu và con gái Phạm Nguyên Khanh, một học sinh lớp 10.
Nhà thiết kế Xuân Thu cho biết: “Sản phẩm được tạo ra từ đôi bàn tay nghệ thuật của người mẹ, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, chính là những đường thêu tinh tế trên tấm áo dài, biểu trưng cho niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam. Chính từ những đường thêu ấy, chúng ta gìn giữ và phát triển những giá trị văn hóa quý báu trên từng trang phục”.
Nhà thiết kế Xuân Thu.
Xuân Thu là nhà thiết kế lâu năm của Hà Nội, và cũng là nhà thiết kế tâm huyết với nghệ thuật truyền thống, với các thiết kế mang đậm nét giá trị văn hóa truyền thống. Với bộ sưu tập “Cổng làng”, chị đã đạt giải ba tại cuộc thi thiết kế thời trang Việt Nam năm 2001 và từ đó, với hơn 20 năm kinh nghiệm, Xuân Thu đã trình làng nhiều bộ sưu tập ấn tượng như “Duyên”, “Son”, “Đôi tay mẹ”, “Tiếng xa”, và gần đây nhất là “Đường thêu của mẹ”.
Nhà thiết kế Xuân Thu cho biết, bộ sưu tập “Đường thêu của mẹ” không chỉ đơn thuần là trang phục; đó là sự trao truyền nghệ thuật và nghề nghiệp qua các thế hệ, thể hiện lòng tự hào về tấm áo dài, biểu tượng của phụ nữ Việt Nam. Nghề thêu, với những đường nét tinh xảo, không chỉ cần được giữ gìn mà còn cần được phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh công nghiệp thời trang hiện đại.
Tâm huyết này đã được trao truyền cho con gái chị, Phạm Nguyên Khanh, học sinh lớp 10 tại Shark Hà Nội Academy, cũng là người vừa thiết kế bộ sưu tập “BEGIN” thành công tại lễ hội áo dài du lịch năm 2022, cùng 22 nhà thiết kế gạo cội của Hà Nội.
Nhà thiết kế Xuân Thu cho biết, bộ sưu tập “Đường thêu của mẹ” sẽ được giới thiệu nhân dịp Noel và năm mới, với sự tham gia của hoa hậu Trúc Diễm. Nhà thiết kế hy vọng rằng, bộ sưu tập sẽ lan tỏa được ý nghĩa và vẻ đẹp của nghề thêu truyền thống thông qua tà áo dài.
Ở Hà Nội có đình Tú Thị (số 2A phố Yên Thái, phường Hàng Gai), thờ ông Tổ nghề thêu Lê Công Hành (1606-1661). Ông là người làng Quất Động, huyện Thường Tín, có công trong việc sáng tạo và phát triển nghề thêu của Việt Nam. |
Theo Linh Khánh/ Nhân Dân
https://nhandan.vn/kham-pha-tinh-hoa-nghe-theu-truyen-thong-qua-bo-suu-tap-duong-theu-cua-me-post850914.html