Ngày càng có nhiều nghệ sĩ lan tỏa tinh thần văn hóa dân tộc qua các sản phẩm sáng tạo của họ, tạo nên hiệu ứng tích cực, đặc biệt với khán giả trẻ.
Gần đây nhóm NSND Tự Long, Cường Seven và Soobin đã tạo nên hiện tượng "bùng nổ" với tiết mục Trống cơm trong chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai khi vào top 1 trending YouTube VN ở mục âm nhạc sau 4 ngày phát sóng.
Sau khi tiết mục Trống cơm lên sóng, trên mạng xã hội, nhiều khán giả đã rất hào hứng bày tỏ: "Quá ấn tượng và tự hào văn hóa Việt, mình nghe hoài không chán"; "Tự nhiên xúc động quá, bởi cảm giác một tác phẩm chứa đầy hơi thở của văn hóa dân tộc thế này mà được top 1 trending thì phải nói là đáng tự hào. Nhất là sản phẩm đó còn có sự kết hợp giữa 2 nghệ sĩ trẻ và NSND"; "Nhà tôi có hai con gái lớp 2 giờ suốt ngày xem Trống cơm"…
NSND Tự Long, ca sĩ Soobin và Cường Seven trình diễn tiết mục Trống cơm trong chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai NSCC
Trong khi đó, câu chuyện làm mới cải lương được NSND Bạch Tuyết chia sẻ cũng khá thú vị. Đó là sự kết hợp của NSND Bạch Tuyết với các ca sĩ trẻ Hoàng Dũng, Orange, rapper Wowy trong các MV Về nghe mẹ ru, Tân khúc lý Cô Ba, Tia sáng cuối cùng, Rực rỡ Việt Nam.
"Phân khúc khán giả lựa chọn nghệ thuật cải lương là bộ môn giải trí hàng đầu không còn nhiều nữa, nhưng không vì thế mà chúng ta đánh giá rằng khán giả trẻ không còn mê đắm loại hình này. Minh chứng rõ nhất là khi chương trình Học viện cải lương lên sóng, tôi nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ các bạn khán giả trẻ. Họ bày tỏ sự thích thú và tìm thấy họ trong chính những tác phẩm trên sân khấu Học viện cải lương. Vậy nghĩa là người trẻ ngày nay sẽ đi tìm cái mà họ muốn", NSND Bạch Tuyết chia sẻ.
Nói về chuyện làm mới trong sáng tạo nghệ thuật từ chất liệu văn hóa dân tộc, đạo diễn Tây Phong, người khởi xướng chương trình Tinh ca diễn văn để lan tỏa và phát triển nghệ thuật diễn xướng dân gian tại TP.HCM, cho biết: "Mình không phải chỉ lưu giữ những giá trị cổ, truyền thống, làm cho chuẩn mực mà phải đưa vốn cổ, chất liệu truyền thống ấy tạo ra sản phẩm sao cho thích ứng với thời đại. Tùy theo nhu cầu, thời gian, nhân lực để người nghệ sĩ sáng tạo và trình bày nó với tâm thế mới, tinh thần mới cho nó "sống" lại".
Về việc làm thế nào để khán giả trẻ tiếp cận văn hóa truyền thống dân tộc thông qua các sản phẩm nghệ thuật, tiến sĩ Văn hóa học Trịnh Đăng Khoa (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM) chia sẻ: "Muốn có một lực lượng công chúng trẻ yêu văn hóa nghệ thuật truyền thống thì phải giáo dục từ gia đình, xã hội chứ không chỉ ở nhà trường. Một đứa trẻ ở trong không gian văn hóa từ gia đình, ông bà cha mẹ cũng nghe cải lương… tự nhiên cái quá khứ mỹ cảm về cải lương cũng sẽ tích tụ. Chứ không phải giáo dục kiểu đem vở diễn vào trường rồi giảng dạy và bảo yêu cải lương đi. Tôi cho rằng việc nghệ sĩ dùng tâm thức văn hóa đương đại và kỹ thuật công nghệ để làm mới sản phẩm của họ là phù hợp với quy luật phát triển. Những nghệ sĩ bằng tài năng của mình tạo nên sự độc đáo, tiếng vang, được truyền thông ủng hộ thì chắc chắn sẽ tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội và thu hút cả khán giả trẻ".
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/khi-nghe-si-lan-toa-tinh-than-van-hoa-dan-toc-185240813222712907.htm