Từ một phế tích nằm biệt lập giữa thung lũng, các đợt khai quật khảo cổ đã dần làm Thánh địa Mỹ Sơn hiện rõ hình hài.
Lối vào tháp K Mỹ Sơn ở hướng phía đông - Ảnh: B.D.
Chiều 8-4, Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn công bố tìm ra con đường thiêng, dài tầm 500m dẫn vào tháp K, thông tin này đã gây bất ngờ.
Vì sao quá trình khảo cổ qua trăm năm không có thông tin này?
Con đường bí mật "đảo ngược" mọi tìm kiếm về Mỹ Sơn
Theo tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quý - Viện Khảo cổ học, chủ trì đoàn khai quật tại Mỹ Sơn thì lâu nay khách đến di sản chủ yếu khám phá các dấu tích ở khu thánh địa.
Chưa có thông tin nào công bố một "bản đồ" nguyên vẹn về một di tích từng rất bài bản, đầy đủ cả quần thể di sản từ cổng vào hành lễ, các dải tháp, khu tín ngưỡng linh thiêng…
Do vậy việc tìm ra một con đường thiêng, có thể là công trình quan trọng bậc nhất trong Thánh địa Mỹ Sơn, là một đột phá, góp phần vào việc gìn giữ và phát huy giá trị di tích.
Nhưng điều khiến nhiều người băn khoăn là con đường thần đạo nằm trên vệt đất trống trải trước tháp K, dưới chân khách tham quan mà mãi bây giờ mới tìm thấy?
Chiều 8-4, khi thuyết trình về đợt khảo cổ học này, các chuyên gia nói rằng đã có nhiều nghi ngờ bấy lâu quanh con đường.
Tháp K là tháp đơn lẻ nằm độc lập với các nhóm tháp khác. Nếu vào thung lũng Mỹ Sơn theo đường bộ bên suối thì công trình đầu tiên bắt gặp chính là tháp K.
Các nhà khoa học tìm hiểu về dấu tích con đường thần đạo - Ảnh: B.D.
Năm 2017 - 2018, khi nhóm chuyên gia Ấn Độ tu bổ, tôn tạo tháp K tiếp tục ghi nhận tháp có hai cửa đông và tây.
Tuy nhiên lúc đó thông tin về dấu hiệu con đường từ tháp K vào trung tâm Mỹ Sơn chưa được quan tâm.
Tới tháng 6-2023, khi Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn phối hợp với Viện Khảo cổ học đào thăm dò quanh tháp K - Mỹ Sơn để xác thực dấu tích kiến trúc thì bất ngờ phát hiện hai đoạn của các tường bao kéo dài từ tháp K về phía đông tạo thành con đường hướng vào các khu tháp E - F.
Đây là mấu chốt để các nhà khảo cổ học xác định việc tồn tại một con đường thần đạo chưa từng được biết đến trong lịch sử tồn tại của Mỹ Sơn.
Con đường đó khác hẳn với hướng đi được thiết kế đón du khách đến tham quan Mỹ Sơn lâu nay.
Mỹ Sơn sẽ làm gì?
Theo Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn, với việc lần đầu tiên công bố một con đường cho chức sắc, tăng lữ vào trung tâm Thánh địa Mỹ Sơn để cử hành các nghi thức tâm linh thì di sản Mỹ Sơn đứng trước một cơ hội rất lớn.
Nếu biết cách làm, các hoạt động tham quan sẽ hấp dẫn và huyền sử hơn, khách sẽ nườm nượp đổ về. Thánh địa Mỹ Sơn cũng được nâng tầm vóc trong bản đồ di sản thế giới.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thượng Hỷ cho rằng giá trị của con đường thần đạo cho thấy hình hài một "quần thể di sản" với đầy đủ các khu chức năng, chứ không đơn thuần chỉ là các dãy tháp như lâu nay.
Trung tâm Thánh địa Mỹ Sơn - Ảnh: B.D.
Nhiều nơi trên thế giới và ngay trong nước, một khi các phát hiện khảo cổ có giá trị được công bố thì điểm đến đó cũng được đẩy lên một giá trị khác.
Vấn đề là cách làm, cách tận dụng lợi thế để nâng tầm, phát huy giá trị to lớn của di tích.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quý - Viện Khảo cổ học - gợi ý với Mỹ Sơn rằng một khi được "cập nhật" vào kho tư liệu, con đường thần đạo sẽ là một chất liệu tuyệt vời để tính toán, thiết kế vào tour tuyến.
Đặc biệt chương trình đêm huyền thoại Mỹ Sơn cũng sẽ được sửa đổi, bổ sung kịch bản. Du khách đến Mỹ Sơn sẽ vô cùng ngạc nhiên khi biết từng có một con đường thiêng đi ngược lại vào trung tâm Thánh địa Mỹ Sơn như con đường đưa khách vào lâu nay.
Phó chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên Đặng Hữu Phúc đề nghị phải bảo vệ các hố khai quật tuyệt đối, cẩn trọng.
Kế đó là làm tư liệu đầy đủ, tính toán sẽ làm gì để phát huy giá trị con đường thần đạo này đối với hoạt động bảo tồn, tham quan Thánh địa Mỹ Sơn.
Còn có bao nhiêu bí mật khác ở Mỹ Sơn? Ngoài con đường thần đạo, các nhà khoa học tin rằng Thánh địa Mỹ Sơn đang có rất nhiều công trình giá trị khác chôn vùi dưới lòng đất nhưng chưa tìm ra. Đó là việc người dân đang truyền miệng thông tin từng tồn tại một khu tháp canh trấn giữ phía trước mặt Thánh địa Mỹ Sơn. Trên bia ký ở di tích còn ghi lại rằng các tháp ở Mỹ Sơn được xây dựng từ thế kỷ thứ 5, tháp F1 là tháp xưa cũ nhất được ghi nhận với niên đại cuối thế kỷ thứ 8. Như vậy liệu đã từng tồn tại một con đường dẫn vào Thánh địa Mỹ Sơn trước thế kỷ 7 - sớm hơn rất nhiều so với con đường thần đạo mới tìm thấy? Để trả lời câu hỏi này, các nhà khoa học đề nghị cho tiếp tục khai quật mở rộng. |
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/tai-sao-con-duong-bi-mat-vao-thanh-dia-my-son-gio-moi-lo-dien-20240409105714938.htm