Dùng phần mềm thiết kế tour trong vài giây; du lịch tự túc... những thay đổi chóng mặt trong nhu cầu và xu hướng du lịch trong thời đại công nghệ đặt ra rất nhiều thách thức cho ngành du lịch Việt Nam.
Đó là nội dung chính của Hội thảo "Chuyển đổi mô hình kinh doanh du lịch để theo kịp xu hướng trên thế giới" do Sở Du lịch TP.HCM phối hợp cùng các doanh nghiệp tổ chức sáng nay (4.4). Hội thảo nằm trong khuôn khổ Ngày hội Du lịch TP.HCM lần thứ 20 diễn ra từ 4 - 7.4.
Cần đầu tư mạnh cho công tác quảng bá, xúc tiến để xây dựng thương hiệu du lịch điểm đến TCDL
Bùng nổ du lịch tự túc, du khách "cắt" khâu trung gian
Mở đầu cuộc hội thảo bằng những số liệu khảo sát để thấy bức tranh tổng quan của ngành du lịch hiện nay, ông Đặng Mạnh Phước, CEO Outbox Consulting cho biết: Kết thúc 2023, Việt Nam đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, đạt tỷ lệ phục hồi 75% so với thời điểm trước đại dịch. Năng lực phục hồi của ngành du lịch nước ta xấp xỉ Thái Lan và Singapore chỉ thua mỗi Malaysia. Hầu hết các thị trường đã phục hồi tới 75%, chỉ còn thị trường Trung Quốc và Nhật Bản do những yếu tố khách quan về độ mở của chính sách nước sở tại. Riêng dòng khách đến từ Ấn Độ và Úc tăng trưởng rất mạnh, thậm chí còn vượt năm 2019.
"Sự phục hồi tiếp tục kéo dài tới quý 1 năm nay và chúng ta có thể tự tin du lịch Việt Nam có thể đạt trạng thái phục hồi 100% về lượng khách vào khoảng quý 2 năm nay, sớm hơn các nước trong khu vực rất nhiều" - ông Đặng Mạnh Phước dự báo.
Tuy nhiên, ông Phước nhìn nhận các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do không đón được dòng khách. Có rất nhiều lý do những nguyên nhân lớn nhất là sự thay đổi của thị trường và thay đổi của du khách.
Cụ thể, xu hướng du lịch nội khối đã được đẩy rất nhanh từ tác nhân là dịch bệnh. Du khách sẽ ưu tiên các chuyến đi sử dụng đường bay ngắn (1 - 2 giờ, không quá 8 giờ) tới các điểm đến nằm trong khu vực. Đơn cử, 40% khách quốc tế đến khu vực Đông Nam Á năm 2023 là từ thị trường châu Á - Thái Bình Dương (chưa tính Trung Quốc); hơn 50% khách du lịch của thị trường châu Âu đến từ các nước thuộc châu lục này. Với riêng Việt Nam, thị trường nội khối hiện chiếm tới 81% tổng lượng khách quốc tế. Các thị trường xa, ngoại khối, khu vực châu Âu, châu Mỹ gần như không tăng trưởng nhiều mặc dù là đối tượng được hưởng trực tiếp các ưu đãi từ chính sách thị thực mới.
Daniel Kordan/Oxalis
Thời gian tới, nguồn khách từ thị trường châu Á sẽ lên ngôi. Dự báo tới 2027, châu Á sẽ là thị trường có quy mô và mức chi tiêu lớn nhất trên thế giới, nhất là trong bối cảnh bùng nổ của thị trường Ấn Độ cùng sự quay trở lại của khách Trung Quốc. Chưa kể, sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu mới ở châu Á đang rất mạnh mẽ.
Những yếu tố trên dẫn đến cấu trúc thị trường du lịch Việt Nam khó có thể thay đổi trong giai đoạn ngắn và trung hạn. Chúng ta phải chấp nhận gần như không thể kỳ vọng thị trường ngoại khối tăng trưởng đột biến. Vì thế, cần có các chính sách, chiến lược phù hợp để thu hút dòng khách từ các nước trong khu vực.
Sự thay đổi mà ông Đặng Mạnh Phước đánh giá quan trọng nhất, đó là sự bùng nổ của xu hướng du lịch tự túc. Thị trường châu Á trước giờ phụ thuộc rất nhiều các công ty lữ hành nhưng năm 2023 đã chứng kiến điều ngược lại hoàn toàn. Việc tìm kiếm các chuyến đi dựa trên các nền tảng trực tuyến gần như chiếm lĩnh toàn bộ xu hướng tìm kiếm của khách châu Á. Phương thức tìm kiếm truyền thống chỉ còn chiếm khoảng 18%, sụt giảm rất mạnh. Ngay cả Hàn Quốc - thị trường du lịch lớn nhất của Việt Nam từ cuối 2023 đến nay, đồng thời là thị trường vốn được đánh giá nằm hoàn toàn trong tay các doanh nghiệp Hàn - thì nay đã có đến 72,3% khách Hàn lựa chọn chuyến du lịch nước ngoài dưới hình thức tự túc hoặc tự túc một phần.
"Sự thay đổi này dẫn đến sự xuất hiện của những phân khúc khách hàng mới và những nhu cầu mới. Khái niệm thị trường ngách, nhu cầu cá nhân hóa trải nghiệm, hình thành những phân khúc khách hàng theo sản phẩm, xây dựng tệp thị trường theo từng phân khúc khách hàng chứ không chỉ tính theo từng quốc tịch là yêu cầu đặt ra đối với các doanh nghiệp. Đặc biệt là hệ thống phân phối. Du khách có xu hướng cắt ngắn khâu trung gian, tiếp cận thông tin nguyên bản nhất từ các nhà cung ứng dịch vụ, đòi hỏi các doanh nghiệp du lịch cần nhanh chóng thay đổi mô hình với những cách tiếp cận mới" - CEO Outbox Consulting nhấn mạnh.
Lượng tìm kiếm điểm đến của TP.HCM kém xa các hub du lịch trong khu vực
Doanh nghiệp du lịch ở đâu trong xu thế mới?
Thực hiện một cuộc thử nghiệm ngay tại hội thảo, bà Hà Lâm Tú Quỳnh, Giám đốc Truyền thông cho Google tại Việt Nam chỉ rõ: Chỉ cần 15 giây "đặt đầu bài" trên Gemini, ứng dụng sẽ cho kết quả một tour "siêu đỉnh" được cá nhân hóa dành riêng cho khách hàng, với tất tần tật thông tin về điểm đến, khách sạn, cách thức di chuyển, đính kèm link để đặt dịch vụ. Với tệp khách hàng của du lịch hiện nay là thế hệ gen Z sinh ra và lớn lên cùng công nghệ, các bạn sẽ không chờ đợi 1 - 2 giờ để nhận thông tin tư vấn từ các công ty lữ hành. Điều này vừa đặt ra thách thức, nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp du lịch Việt Nam chuyển đổi mô hình kinh doanh.
Gọi tên rõ hơn sự chuyển đổi này, ông Nguyễn Châu Á - Tổng Giám đốc Oxalis Adventure đánh giá: Ngành du lịch Việt Nam từ trước đến nay chủ yếu hoạt động theo mô hình B2B - xây dựng chương trình tour, tiếp cận đối tác nước ngoài để họ đi khảo sát rồi lên chương trình bán hàng, đưa khách sang cho mình. Mô hình này giúp doanh nghiệp lữ hành không phải đầu tư nhiều về marketing hay website, nhiệm vụ đưa khách tới thuộc về đối tác nước ngoài. Song, doanh nghiệp hoàn toàn bị động về nguồn khách, không thể tự giới thiệu sản phẩm trực tiếp cho khách mà đôi khi phải mất hơn 1 năm các đối tác mới giới thiệu tour của mình.
Xu thế thay đổi, các doanh nghiệp nếu muốn tiếp cận nhiều luồng khách mới buộc phải chuyển sang mô hình B2C - bán trực tiếp sản phẩm cho khách hàng. Điều này đòi hỏi mỗi công ty phải làm thật tốt từ marketing đến sản phẩm, phân phối, dịch vụ bán hàng... Trong đó, yếu tố tiên quyết là công tác truyền thông, xúc tiến, quảng bá thương hiệu. Phải để du khách biết điểm đến có gì, để họ tìm kiếm chúng ta.
"Tìm kiếm từ khóa của một số điểm đến có thể thấy, Bangkok có 1,3 triệu lượt tìm kiếm trong 1 tháng, Chiangmai có hơn 419.000 lượt; trong khi TP.HCM tìm cả 2 từ khóa "Hochiminh City" và "Saigon" cũng mới được 500.000 lượt tìm kiếm. Chúng ta mong vượt Bali nhưng lượng tìm kiếm của hòn đảo này còn "khủng" hơn, tới 3,1 triệu, gấp rất nhiều lần so với TP.HCM hoặc các địa phương khác của Việt Nam. Đó là lý do vì sao họ đón khách nhiều hơn mình. Không làm tốt khâu giới thiệu điểm đến, xây dựng thương hiệu điểm đến thì chúng ta có gì cũng vô nghĩa. Du khách không tìm kiếm thì doanh nghiệp cung cấp gì cũng khó tiếp cận, khó có khách" - vị này dẫn chứng.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/chat-gpt-lam-tour-dinh-chi-trong-15-giay-doanh-nghiep-du-lich-co-bi-ra-ria-185240404103052079.htm