Jensen Heintze đi dạo ở từng khu phố ngoại, ngắm nhìn kiến trúc, nếp sống của người dân và nhận thấy sự đa dạng văn hóa, sắc tộc chính là đặc điểm nổi bật của TP.HCM so với các thành phố khác ở Việt Nam, điều đã khiến anh quay trở lại đây nhiều lần.
Jensen Heintze, một kiến trúc sư đang làm việc tại Berlin (Đức), đã đến Việt Nam 3 lần. Anh nói lúc nào cũng cảm thấy chưa khám phá hết cảnh đẹp, văn hóa, kiến trúc, ẩm thực và con người Việt Nam.
Trong đó anh dành nhiều lời khen cho TP.HCM.
Có nhiều quốc gia, nhiều nền văn hóa tập trung tại TP.HCM
Jensen quay trở lại 3 lần vì muốn tìm hiểu hết sự đa dạng văn hóa tại TP.HCM - Ảnh: Instagram của nhân vật
Nhiều khu phố ngoại tọa lạc tại TP.HCM như khu phố Tây ở Bùi Viện, Thảo Điền; khu người Hoa ở quận 5, quận 11; khu người Hàn ở quận 7, quận Tân Bình; khu người Nhật, người Ấn, Hồi giáo ở quận 1. Gần đây, ẩm thực, văn hóa của Thái Lan, Lào, Campuchia, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ… cũng đã xuất hiện nhiều hơn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Jensen nói: "Tôi rất bất ngờ vì khi lạc bước vào một trong các khu phố này, bạn đều có cảm giác như đang ở chính các quốc gia đó. Từ các biển hiệu, ngôn ngữ, giọng nói, món ăn, nhà cửa, đền chùa, trang phục... đều tạo ra một không gian riêng biệt, kết hợp giữa sự hiện đại, trẻ trung nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng, truyền thống của quốc gia đó ngay tại mảnh đất này".
Một góc phố đi bộ Nguyễn Huệ - nơi thể hiện rõ nhất sự sôi động, trẻ trung của người dân tại TP.HCM với nhiều sự kiện, lễ hội và triển lãm - Ảnh: MINH HUYỀN
Một lần dạo chơi tại khu phố người Hoa, Jensen lần lượt thưởng thức các món ăn truyền thống như sủi cảo, bánh trứng, hồng trà, dim sum, màn thầu… tại các quán ăn gia truyền từ nhiều đời của người Việt gốc Hoa. Người dân nói chuyện bằng tiếng Việt xen với tiếng Quảng Đông, rất thú vị.
Chùa Ngọc Hoàng (quận 1, TP.HCM), một công trình kiến trúc đặc trưng của người Hoa, được du khách quốc tế dành nhiều sự quan tâm, đặc biệt khi từng đón tiếp Tổng thống Mỹ Barack Obama
Chùa Bửu Long (TP Thủ Đức, TP.HCM) mang dấu ấn kiến trúc Thái Lan
Anh được dẫn vào thăm khu chung cư 2 tầng Hào Sĩ Phường nhiều màu sắc, khu Chợ Lớn và các hội quán có kiến trúc đặc trưng của người Hoa. Chàng kiến trúc sư trẻ ấn tượng mạnh, giúp anh có thêm nhiều ý tưởng sáng tạo đối với công việc của chính mình.
Chi phí đa dạng, phù hợp với tất cả mọi người
New York, Paris, Milan, Dubai hay Seoul, Tokyo, Thượng Hải, Singapore… đều đắt đỏ và hầu như du khách phải có một khoản dành dụm kha khá để chi tiêu trong hành trình, từ chi phí lưu trú, đi lại, ăn uống và mua sắm.
"Ở một số thành phố tại Đông Nam Á, trong đó có TP.HCM, chi phí du lịch rất hợp lý và đa dạng phân khúc du khách. Bạn có thể chi tiêu bình dân hoặc xa xỉ, đều có những dịch vụ du lịch tương ứng, nhưng vẫn đảm bảo sự thú vị và tạo ra nhiều trải nghiệm trọn vẹn", Midori Sasaki, một du khách Nhật Bản, nhận xét.
Midori đã quay lại TP.HCM lần thứ hai vào cuối năm 2023 để nối dài hành trình khám phá của mình. Lần thứ nhất vào năm 2018, khi đó Midori chọn homestay ở trung tâm thành phố để trải nghiệm một ngày điển hình của người địa phương, thưởng thức cơm gia đình tại nhà chủ để tiết kiệm chi phí.
Lần thứ hai, khi kinh tế ổn định hơn, Midori đặt 2 đêm tại một khách sạn 5 sao để tận hưởng dịch vụ sang trọng hơn và đặt những tour du lịch tham quan các công trình ở nội ô thành phố, lắng nghe hướng dẫn viên thuyết trình ở từng điểm đến như nhà thờ Đức Bà, Dinh Độc Lập, Bưu điện thành phố, chợ Bến Thành, Bến Nhà Rồng và một số bảo tàng nổi tiếng.
Tour du lịch cũng giúp cô thưởng thức nhiều món ngon từ quán ăn đường phố, gánh hàng rong cho đến các nhà hàng đẳng cấp ở tầng thượng của khách sạn.
Du khách quốc tế thưởng thức cà phê Việt Nam tại một quán ở TP Thủ Đức, TP.HCM
"Tôi có thể thưởng thức cốc cà phê sữa đá mang đi chưa tới 1 đô la như bao người địa phương vẫn yêu thích. Tôi cũng tìm thấy những quán cà phê đặc sản với giá từ 4 đến 6 đô la tại quán siêu đẹp. Tương tự, các bữa ăn, trang phục và cả đồ lưu niệm... từ bình dân đến đắt đỏ đều tìm thấy tại TP.HCM. Chỉ cần bạn quyết tâm đi, chi phí bao nhiêu cũng có thể đến thành phố xinh đẹp, hiện đại và sôi động này", Midori chia sẻ.
Ẩm thực không biên giới
Nếu Jensen yêu thích sự đa dạng trong văn hóa, kiến trúc, Tan Dao, một du khách người Singapore, đã quay lại TP.HCM vì nền ẩm thực phong phú.
"Nguyên liệu chế biến món ăn ở Singapore khá hạn chế do đặc điểm về địa hình và khí hậu. Vì vậy, các món ăn tại Việt Nam, đặc biệt là rau, trái cây và các món ăn vặt đường phố đã mê hoặc tôi trong suốt hành trình, đặc biệt là lẩu mắm và bánh tráng nướng - pizza Việt Nam", Tan nói với Tuổi Trẻ Online.
Lẩu mắm, món ăn đặc trưng của người miền Tây sông nước với nhiều loại rau, được du khách quốc tế yêu thích
Bánh tráng nướng còn có tên gọi khác là pizza của Việt Nam
Anh đã chia sẻ trải nghiệm này với bạn bè. Lần thứ 2 quay lại, Tan đã đưa theo các bạn của mình đến TP.HCM để kiểm chứng.
Bryan Adams, một giáo viên tiếng Anh tại quận 1, cũng là tín đồ của ẩm thực xứ nhiệt đới. Anh đã đón cha mẹ mình đến TP.HCM lần thứ 2 cũng vì đam mê ẩm thực và khí hậu ấm áp.
"Ẩm thực ở TP.HCM là không có biên giới, càng khám phá càng tìm thấy nhiều quán ăn ngon. Cha mẹ tôi rất thích và hầu như có thể ăn được mọi món ăn bản xứ, kể cả các loại mắm và sầu riêng.
Thời tiết ở Canada rất lạnh và không tốt cho người lớn tuổi. Vậy nên tôi đã đón cha mẹ đến du lịch ở TP.HCM vào năm 2018 và 2023 để tận hưởng khí hậu nhiệt đới. Và họ đã không thể thoát khỏi sức mạnh đầy mê hoặc của ẩm thực tại TP.HCM", Bryan kể lại.
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/khach-quoc-te-thich-tp-hcm-vi-dieu-gi-20240312233645652.htm