Cuộc thi sáng tác mẫu phác thảo tượng đài Bà Triệu chất liệu đồng, kéo dài trong 6 tháng, để tìm kiếm mẫu tượng đài Bà Triệu vừa thể hiện được sự hiên ngang, oai phong lẫm liệt, vừa thể hiện khí phách oai hùng, hoài bão lớn…
Chiều 25.9, Ban tổ chức cuộc thi sáng tác mẫu phác thảo tượng đài Bà Triệu chất liệu đồng tỉnh Thanh Hóa đã làm lễ phát động cuộc thi.
Phát động cuộc thi "sáng tác mẫu phác thảo tượng đài Bà Triệu chất liệu đồng" MINH HẢI
Thời gian bắt đầu cuộc thi từ ngày 25.9 và tiếp nhận tác phẩm dự thi trong 6 tháng (kể từ ngày 25.9).
Theo đề án về tổ chức cuộc thi sáng tác mẫu phác thảo tượng đài Bà Triệu chất liệu đồng được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt, mục đích cuộc thi là để lựa chọn mẫu tượng đài Bà Triệu dựng trên đỉnh núi Gai, thuộc quần thể di tích quốc gia đặc biệt Bà Triệu (xã Triệu Lộc, H.Hậu Lộc, Thanh Hóa).
Khu vực xây dựng tượng đài Bà Triệu rộng khoảng 1,4 ha, tượng đài cao 36 m. Dự kiến tổng vốn đầu tư xây dựng tượng đài là 150 tỉ đồng, do Tập đoàn Sun Group tài trợ.
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã đưa ra yêu cầu đối với mẫu tượng đài Bà Triệu: phải thể hiện được hình tượng tiêu biểu với ý chí quật cường của Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh - Bà Triệu trong bối cảnh đất nước đang bị xâm lược, đô hộ.
Bằng ngôn ngữ điêu khắc, tượng đài phải diễn tả được hình tượng người nữ anh hùng dân tộc cưỡi voi xông trận đánh đuổi quân Ngô với tư thế hiên ngang, oai phong lẫm liệt, thể hiện khí phách oai hùng, hoài bão lớn lao nhưng vẫn gần gũi với nhân dân, với hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam "anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang".
Tác phẩm dự thi nếu đạt các giải nhất, nhì, ba, ngoài nhận tiền thưởng sẽ được Ban tổ chức cuộc thi trình Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa để xem xét, lựa chọn mẫu tượng đài.
Mẫu tượng đài Bà Triệu từng gây xôn xao dư luận và đã không được lựa chọn PHÚC NGƯ
Việc lựa chọn mẫu phác thảo và xây dựng tượng đài Bà Triệu từng gây sự quan tâm lớn của dư luận cũng như nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hồi tháng 9.2022, khi tỉnh này đưa ra một mẫu phác thảo tượng Bà Triệu (ảnh trên) và được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa cơ bản thống nhất lựa chọn.
Tuy nhiên, sau khi xuất hiện mẫu phác thảo thì có nhiều ý kiến trái chiều của những người am hiểu về điêu khắc, nghệ thuật và người dân, cho rằng mẫu phác thảo còn nhiều "sạn", chưa hợp lý, như đế tượng so với hình Bà Triệu chưa cân xứng về tỉ lệ; hình tượng Bà Triệu và con voi chưa thể hiện được khí phách của Vua Bà khi xung trận…
Sau khi có ý kiến trái chiều, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa dự kiến lấy ý kiến nhân dân về mẫu tượng đài Bà Triệu. Tuy nhiên, việc này đã không được triển khai và thay bằng kế hoạch mở cuộc thi sáng tác lại mẫu tượng đài Bà Triệu.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/phat-dong-cuoc-thi-sang-tac-mau-tuong-dai-ba-trieu-185230925153910643.htm