Là một người bạn vong niên của Đào Trọng Khánh, từng biên soạn, xuất bản hai tập truyện và ký Đất và người của bạn, họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết ông rất nể trọng sự tài hoa của thi sĩ làm phim Đào Trọng Khánh.
Đạo diễn Đào Trọng Khánh (trái) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Đạo diễn - NSND Đào Trọng Khánh vừa qua đời vào ngày 20-9 tại Hải Phòng sau một thời gian lâm trọng bệnh, hưởng thọ 83 tuổi.
Đào Trọng Khánh là một trong những nhà làm phim tài liệu kỳ cựu của điện ảnh Việt Nam. Ông sinh năm 1940 tại Hải Phòng, bắt đầu làm phim từ năm 1965.
Ông nổi tiếng với các bộ phim tài liệu giàu chất thơ về các lãnh tụ, từ Bác Hồ đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, các văn nghệ sĩ và về đề tài văn hóa.
Ông cùng thế hệ với nhà làm phim tài liệu Trần Văn Thủy, cùng công tác tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương, nhiều người đánh giá Trần Văn Thủy làm phim rất quyết liệt, còn Đào Trọng Khánh thì tài hoa.
Đào Trọng Khánh chính là tác giả kịch bản phim Hà Nội năm cửa ô mà Trần Văn Thủy sử dụng để làm phim Hà Nội trong mắt ai, tuy tinh thần của bộ phim đã đi xa khỏi kịch bản gốc rất nhiều.
Trước khi dấn thân vào sự nghiệp làm phim tài liệu, ông đã làm nhiều thơ với bút danh Đào Nguyễn được bạn bè yêu thích, đặc biệt là Lưu Quang Vũ rất thích thơ ông.
Đáng tiếc ông không lưu trữ cẩn thận. Bởi là một thi sĩ làm phim nên phim của ông mang phong cách riêng, giàu chất thơ và đầy sự day dứt. Chất thơ đầy ắp trong kịch bản và bàng bạc trong cả những khuôn hình.
Là một người bạn vong niên của Đào Trọng Khánh, từng biên soạn, xuất bản hai tập truyện và ký Đất và người của bạn, họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết ông rất nể trọng sự tài hoa của thi sĩ làm phim Đào Trọng Khánh.
Ông Khánh vốn là bạn học cùng lớp quay phim với mẹ của ông Cương là nữ quay phim Đỗ Phương Thảo, nhưng coi Lê Thiết Cương như một người bạn.
Ông Cương trọng tài hoa của vị đạo diễn làm thơ, viết văn rất hay này. Bởi quý trọng văn chương của ông Khánh, ông Cương đã bỏ công biên soạn hai tập Đất và người và lo xuất bản cho bạn.
Về phim của ông Khánh, ông Cương không chỉ nhìn thấy chất thơ, sự lãng mạn mà còn thấy bóng dáng của nghệ thuật tối giản, thấy sự tinh nhạy vô cùng của một người tài hoa, giỏi thu nhặt từ đời đưa vào tác phẩm.
Ông Cương lấy ví dụ bộ phim về nhà Hậu Lê, ông Khánh đã kết bằng nhận định rằng truyền thuyết Lê Lợi trả lại gươm báu cho thần Kim Quy chính là một bản tuyên ngôn sâu sắc về khát vọng hòa bình của người Việt; khi thắng giặc, bờ cõi bình yên, họ lập tức trả lại gươm báu để về vui với ruộng vườn.
Triệu triệu người Việt biết về truyền thuyết ấy, nhưng ai có thể nhìn thấy điều sâu xa mà ông Khánh đã nhìn.
Làm phim về Bác Hồ rất khó vì có bao nhiêu người đã làm, nhưng phim về Bác Hồ của Đào Trọng Khánh hay ở chỗ nhìn ra được những chi tiết cho thấy sự sâu sắc, gần gụi, rất đời của Bác Hồ.
Bộ phim kể chi tiết Bác Hồ một lần về thăm Côn Sơn, Kiếp Bạc, trước khi về lại Hà Nội Bác vào chuyện trò với các cụ bô lão trong xã, đã chỉ khoảng sân rộng trước trụ sở, khuyên các cụ nên trồng một vườn vải, nhắc nhở cháu con không bao giờ để lặp lại những án oan như Lệ Chi Viên.
Hầu hết các phim Đào Trọng Khánh làm ra đều được giải thưởng điện ảnh. Năm 2000, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, năm 2007 là Giải thưởng Nhà nước cho cụm phim tài liệu gồm: 1/50 giây cuộc đời, Việt Nam - Hồ Chí Minh, Vũ nữ Trà Kiệu, Truyền kỳ sự thật, Hình bóng tổ tiên, Hồ Chí Minh - hình ảnh của Người. |
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/tam-biet-thi-si-lam-phim-dao-trong-khanh-20230921103116576.htm