Còn 4 tháng nữa mới hết năm, du lịch Việt Nam hiện gần như đã hoàn thành mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế trong cả năm 2023. Ngành du lịch sẽ làm gì trong những tháng còn lại?
Các nước điều chỉnh mục tiêu đón khách quốc tế khi nhìn thấy những thay đổi từ thị trường - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết tháng 8-2023, Việt Nam đón trên 1,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 17,2% so với tháng trước. Đây là tháng đón lượng khách quốc tế cao nhất kể từ đầu năm 2023.
Tính chung 8 tháng, tổng lượng khách quốc tế đạt trên 7,8 triệu lượt, đạt 98% kế hoạch năm 2023.
Như vậy, đến thời điểm này du lịch Việt Nam xem như đã về đích sau một năm bị "hụt hơi" về chỉ tiêu đón khách quốc tế. Năm ngoái cả nước chỉ đón hơn 3,66 triệu lượt so với mục tiêu đề ra là 5 triệu lượt khách.
Khách Hàn Quốc, Trung Quốc… đóng góp chính
Theo số liệu cụ thể, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất trong 8 tháng đầu năm 2023, với 2,2 triệu lượt (chiếm 29% tổng lượng khách). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 950.000 lượt; Mỹ đứng thứ 3 với 503.000 lượt.
Đặc biệt, trong tháng 8, các thị trường ở châu Âu có mức tăng trưởng tốt nhất trong các châu lục, tăng 37,7% so với tháng 7-2023. Trong đó có sự đóng góp của thị trường chính như Anh, Pháp, Đức…
Đáng chú ý, một số thị trường ở quy mô nhỏ hơn có mức tăng đột phá như Tây Ban Nha, Ý hay Nga tăng 13%. Đây đều là những nước trong danh sách được hưởng chính sách đơn phương miễn thị thực với thời hạn tạm trú lên đến 45 ngày, có hiệu lực từ 15-8.
Bà Đoàn Thị Thanh Trà, giám đốc tiếp thị - truyền thông Lữ hành Saigontourist, cho rằng tác động của chính sách thị thực sẽ còn nhìn thấy rõ hơn từ tháng 11 trở đi, khi du lịch Việt Nam vào mùa cao điểm đón khách quốc tế.
Theo tính toán của Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), với tình hình khả quan như hiện nay, Việt Nam có thể nâng mục tiêu ít nhất đón 10-12 triệu lượt khách trong năm 2023, mức tăng tương ứng với các nước trong khu vực.
"Thái Lan tăng từ 10 triệu lượt lên 30 triệu lượt khi nhìn thấy các điều kiện thuận lợi. Do đó, du lịch Việt Nam cũng không nên quá thận trọng" - ông Hoàng Nhân Chính, trưởng Ban thư ký TAB, cho biết. Năm 2022 Việt Nam chỉ đón 3,6 triệu lượt so với mục tiêu 5 triệu lượt khách đề ra.
Thời gian qua, nhiều quốc gia trong khu vực đã rục rịch điều chỉnh mục tiêu đón khách quốc tế khi nhận thấy tình hình thay đổi.
Thái Lan điều chỉnh mục tiêu đón tăng lên 30 triệu lượt khách khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại. Singapore cũng tăng lên 12-14 triệu khách.
Indonesia chủ động nâng số lượt khách mục tiêu đón 8,5 triệu lượt sau khi đánh giá khả quan sự hồi phục của thị trường hồi tháng 7.
Cần mục tiêu đón khách mới
Từ đầu năm, ông Nguyễn Quốc Kỳ, chủ tịch Vietravel Corporation, nhiều lần nhấn mạnh ngành du lịch Việt Nam cần tính toán lại mục tiêu khách 8 triệu vì con số này đang "trói" cả ngành, làm mất đi tính đột phá của du lịch Việt Nam đang trên đà hồi phục.
"Việt Nam vẫn ở mốc 8 triệu như cuối năm ngoái thì mức tụt hậu ngày càng xa. Và như thế, vô tình cũng làm hạn chế sự năng động, linh hoạt các chính sách đưa ra để phát triển du lịch, thúc đẩy cả ngành. Chính phủ cần tính toán điều chỉnh mục tiêu này lên một số cao hơn, không nên chọn con số dễ dàng đạt được để mất đi tính nỗ lực của mình", ông Kỳ bày tỏ.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng đến lúc Cục Du lịch Việt Nam cũng cần có những thông điệp mới, kế hoạch mới cho toàn ngành từ đây đến cuối năm.
Thực tế, dù có mục tiêu mới hay không, các doanh nghiệp vẫn phải tự xoay xở phát triển hoạt động kinh doanh, nhưng nếu có một mục tiêu mới rõ ràng, các hoạt động đầu tư, mở rộng thị trường, đường bay... mới thực sự sôi động.
Hiện nay, dù đón lượng khách tăng nhanh, du lịch Việt Nam vẫn còn gặp một số thách thức, như chi phí du lịch cao, khả năng kết nối hàng không còn hạn chế, và thị trường Trung Quốc vẫn chưa phục hồi hoàn toàn.
Ông Hoàng Nhân Chính cũng cho rằng cần nhìn nhận mục tiêu đón khách không chỉ là con số để hoàn thành nhiệm vụ, mà lợi ích của việc điều chỉnh mục tiêu là giúp cho ngành du lịch có những giải pháp, kế hoạch cụ thể, kịp thời.
Ngành du lịch là ngành chịu nhiều tác động của những ngành nghề khác nhau. Vì thế, khi du lịch có những mục tiêu cao hơn, các bộ ngành khác cũng sẽ có chính sách điều chỉnh phù hợp với cơ hội thị trường.
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/ve-dich-som-voi-8-trieu-khach-du-lich-viet-nam-co-nen-doi-muc-tieu-20230831121236291.htm