Điện Long An là nơi trưng bày chính của Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế với nhiều báu vật triều Nguyễn. Bảo tàng 100 năm tuổi này trực thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, du khách đến tham quan phải tuân thủ quy định không được quay phim, chụp ảnh.
Nếu có dịp đến Huế tham quan các di sản triều Nguyễn, du khách nên dành thời gian ghé tới Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế bởi nơi đây đang lưu trữ nhiều cổ vật giá trị thời Nguyễn.
Bảo tàng tọa lạc tại số 3 Lê Trực, TP Huế, luôn rợp bóng cây và rất thuận tiện cho mọi người ghé tham quan bởi sát bên Hoàng thành Huế.
Điện Long An - công trình được xây dựng năm 1845 dưới thời Hoàng đế Thiệu Trị (1841-1847) - nơi trung bày chính của bảo tàng.
Điện Long An
Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế là một trong những bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam, được thành lập năm 1923 với tên gọi ban đầu là Musée Khải Định (Bảo tàng Khải Định).
Ngai vàng triều Nguyễn trước đây trưng bày ở điện Thái Hòa. Từ khi ngôi điện này được hạ giải để trùng tu thì chiếc ngai vàng được đưa ra điện Long An trưng bày.
Ngai vàng này không rõ làm từ bao giờ và ai làm nhưng căn cứ nhiều tư liệu lịch sử và các bức ảnh tư liệu chụp từ thời vua Đồng Khánh về sau thì vẫn là chiếc ngai vàng nguyên gốc
Điện Long An - nơi trưng bày chính của bảo tàng - là một trong những công trình kiến trúc cung đình đẹp nhất Việt Nam tồn tại đến nay; là một trong những di tích được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới năm 1993.
Ngôi điện này được xây dựng năm 1845 dưới thời vua Thiệu Trị (1841-1847). Đây là công trình mang phong cách kiến trúc cung đình Huế theo kiểu nhà kép (trùng thiềm điệp ốc), được trang trí rất tinh xảo với các chi tiết chạm trổ, khảm cẩn xương, ngà, xà cừ…
Điện Long An cũng từng là trụ sở Hội Đô thành Hiếu cổ (Association des Amis du Vieux Hué - AAVH), nơi hội tụ các học giả chuyên nghiên cứu về Huế nói riêng và Việt Nam nói chung đầu thế kỷ XX.
Bản sắc phong hoàng đế Thiệu Trị gia tặng mỹ tự cho Thượng đẳng Thần thiên Yana Diễn Ngọc Phi - làng Cam Hải, huyện Hòa Đa, tỉnh Bình Thuận.
"Sách kỹ thuật của người An Nam" của tác giả Henri Oger (1885-1936)
Mũ đại triều của quan văn Chánh nhất phẩm triều Nguyễn, niên đại cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX
Tráp đựng mũ.
Áo thường triều của quan văn. Đối với quan tam phẩm có bổ tử (miếng vải vuông đính trên ngực và lưng áo) thêu cẩm kê trên nền màu vàng; hàng tứ phẩm đến thất phẩm có bổ tử nền màu đỏ, thêu chim công (tứ phẩm), chim nhạn (ngũ phẩm, lục phẩm) hoặc cò (thất phẩm), gà lôi (bát phẩm), chim thuần (cửu phẩm).
Trang phục của phụ nữ trong cung triều Nguyễn.
Long sàng Hoàng đế Khải Định (1916-1925) làm bằng gỗ sơn son thếp vàng
Long sàng này được thiết kế rồng mây, hoa lá bằng kỹ thuận chạm nổi, chạm lộng, sơn son thếp vàng.
Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế còn sở hữu khu cổ vật Champa được thành lập theo quyết định ngày 26-12-1927 của Hoàng đế Khải Định nhằm giới thiệu những tác phẩm tiêu biểu của nghệ thuật điêu khắc Champa trong nhiều thế kỷ, thể hiện vị trí đặc biệt của văn hóa Champa trong tiến trình hình thành và phát triển những giá trị đặc sắc của văn hóa Huế.
Tủ gỗ sơn thếp thời Nguyễn (1802-1945)
Cặp ngà voi dựng trên đế gỗ chạm nổi hình rồng, sơn thếp ngũ sắc
Bàn gỗ trang trí hình rồng, phụng, dây hoa lá cúc được sơn son thếp vàng. Mặt bàn bằng sứ trắng men lam, trang trí hồi văn chữ thọ và phong cảnh; niên đại 1802-1945.
Bộ bàn ghế thời Nguyễn
Quả cầu Cửu long sơn thếp (1802-1945)
Từ Bảo tàng Khải Định đến Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, trải qua biến thiên lịch sử với nhiều lần thay đổi tên gọi, bảo tàng luôn hoàn thành sứ mệnh là một thiết chế văn hóa vì lợi ích cộng đồng, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế nói riêng, văn hóa Việt Nam và nhân loại nói chung.
Bên cạnh đó, với chức năng phục vụ nghiên cứu khoa học và giáo dục, bảo tàng còn là nơi kết nối giữa quá khứ - hiện tại và hướng đến tương lai.
Từ Musée Khai Dinh đến bảo tàng như ngày nay, Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế, giới nghiên cứu, sinh viên, học sinh tham quan, học hỏi; là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa của cộng đồng hay hoạt động "giáo dục di sản học đường"; đảm nhiệm tốt vai trò là một "thiết chế văn hóa" và là "hạ tầng lịch sử, văn hóa, xã hội".
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/du-lich-xanh/dot-nhap-dien-long-an-chiem-nguong-cac-bau-vat-trieu-nguyen-2023082115381094.htm