Hầu hết các quốc gia châu Á đều có luật nghiêm ngặt về ma túy với các hình phạt khắc nghiệt và việc Thái Lan trên thực tế hợp pháp hóa cần sa vào năm ngoái đã mang đến một làn sóng khách du lịch từ khu vực này.
Một khách du lịch Nhật Bản lấy ra một ít cần sa vừa mua ở một cửa hàng tại trung tâm Bangkok rồi cuộn lại gọn gàng thành điếu. Sau một tràng ho vì hít quá sâu, anh thừa nhận chưa bao giờ thử "lá cấm".
"Tôi tò mò muốn biết mình sẽ cảm thấy thế nào sau khi hút", vị khách du lịch 42 tuổi nói với điều kiện không được nêu tên vì sợ việc thử cần sa của mình ở Bangkok có thể dẫn đến các vấn đề pháp lý ở quê nhà. "Tôi tự hỏi tại sao Nhật Bản cấm nên tôi muốn thử", anh nói với AP.
Ngay cả khi nhiều quốc gia trên thế giới hợp pháp hóa cần sa, Thái Lan vẫn là trường hợp ngoại lệ ở châu Á bởi một số quốc gia trong khu vực tử hình đối với các tội liên quan đến cần sa. Singapore đã xử tử hai người trong năm nay vì buôn bán cần sa và cơ quan phòng chống ma túy nước này đã công bố kế hoạch kiểm tra ngẫu nhiên những người trở về từ Thái Lan.
Du khách trong một cửa hàng cần sa ở Bangkok AFP
Nhật Bản không có án tử hình đối với tội phạm ma túy, nhưng đã cảnh báo rằng luật sử dụng cần sa của nước này có thể áp dụng đối với công dân Nhật ngay cả khi họ ở nước ngoài.
Trung Quốc rõ ràng hơn, với việc Đại sứ quán nước này ở Thái Lan cảnh báo nếu khách du lịch Trung Quốc tiêu thụ cần sa ở nước ngoài và "bị phát hiện khi trở về Trung Quốc, thì hành động đó được coi là tương đương với sử dụng ma túy trong nước. Do đó, bạn sẽ phải chịu các hình phạt pháp lý tương ứng".
Cảnh báo tương tự cũng được Trung Quốc đưa ra đối với việc công dân đi du lịch đến các quốc gia khác hợp pháp hóa cần sa, chẳng hạn như Mỹ, Canada và Hà Lan. Trên một chuyến bay gần đây từ thành phố Thượng Hải, hành khách được cảnh báo không được vô tình thử cần sa ở Bangkok, với thông báo rằng ở Thái Lan "một số đồ ăn và thức uống có thể chứa cần sa, vì vậy hãy chú ý đến logo hình chiếc lá trên bao bì".
Cả chính quyền Trung Quốc và Singapore đều không nêu chi tiết tần suất họ kiểm tra công dân trở về từ các quốc gia nơi cần sa đã được hợp pháp hóa, và trả lời AP các câu hỏi chỉ bằng cách nhắc lại các chính sách đã công bố trước đó của họ.
Bởi thế, không có gì ngạc nhiên khi các cơ sở pha chế cần sa ở Bangkok cho rằng, khách hàng từ Singapore và Trung Quốc là những người thận trọng nhất, khi họ luôn đặt câu hỏi về thời gian tồn tại của thuốc trong cơ thể và liệu có sản phẩm cai nghiện hay không.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn không ngần ngại thử và ngành công nghiệp cần sa của Thái Lan đã phát triển với tốc độ cực nhanh, khi các quầy pha chế cần sa giờ đây gần như phổ biến như các cửa hàng tiện lợi ở một số khu vực của thủ đô.
Du khách bước ngang qua những cửa hàng bán cần sa trên đường Sukhumvit ở Bangkok GETTY
Đến tháng 2.2023, gần 6.000 giấy phép cho các doanh nghiệp liên quan đến cần sa đã được phê duyệt, trong đó có hơn 1.600 giấy phép chỉ riêng ở Bangkok, theo số liệu chính thức.
Không có số liệu của chính phủ Thái Lan về cụ thể có bao nhiêu khách du lịch đến để hút cần sa, nhưng Kueakarun Thongwilai, quản lý một cửa hàng cần sa ở trung tâm Bangkok, ước tính 70 đến 80% khách hàng của ông là người nước ngoài, chủ yếu đến từ các nước châu Á như Nhật Bản, Malaysia, Trung Quốc, Philippines… Kueakarun cho biết, khoảng một nửa số khách hàng của anh ấy là những người lần đầu sử dụng cần sa.
Nhóm 10 thị trường khách quốc tế dẫn đầu của du lịch Thái Lan những tháng đầu năm 2023, lần lượt gồm Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Hàn Quốc, Việt Nam, Mỹ, Anh, Lào, Hồng Kông |
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/cac-nuoc-chau-a-kiem-soat-du-khach-ve-tu-thai-lan-vi-can-sa-185230717085225437.htm