Hà Giang đang hoàn thiện đề án thu phí tham quan công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn để có thêm nguồn thu cho phát triển du lịch.
Du lịch Hà Giang thu hút du khách bởi vẻ đẹp của thiên nhiên kỳ vĩ - Ảnh: CHU ĐỨC GIANG
Ông Hoàng Xuân Đôn, trưởng Ban Quản lý công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn, cho biết tỉnh Hà Giang đang hoàn thiện đề án thu phí tham quan công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn để có thêm nguồn thu cho phát triển du lịch.
Khi xây dựng đề án, tỉnh Hà Giang đã tiến hành điều tra xã hội học về việc thu phí tham quan cao nguyên đá Đồng Văn. Kết quả điều tra cho thấy trên 50% khách du lịch (422 khách tham quan cao nguyên đá Đồng Văn) đồng ý với việc thu phí. Riêng tỉ lệ khách quốc tế ủng hộ phương án này chiếm đa số.
"Việc thu phí công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn được khách quốc tế ủng hộ. Họ chỉ yêu cầu công khai, minh bạch các khoản thu và việc chi trả cho đầu tư, phát triển công viên địa chất", ông Đôn chia sẻ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đôn cho biết thời gian qua Hà Giang đã phát triển du lịch rất tốt. Du khách đến với Hà Giang đang tăng qua các năm. Năm 2022, lượng khách du lịch đến với tỉnh đạt hơn 2,2 triệu lượt, trong đó 65% du khách ghé thăm công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn. Nhưng nguồn thu từ hoạt động du lịch chưa cao, tổng thu từ hoạt động du lịch của tỉnh trong năm 2022 chỉ đạt hơn 4.500 tỉ đồng.
"Nhiều ý kiến cho rằng sản phẩm du lịch của Hà Giang là phong cảnh tự nhiên nhưng du khách cũng không thể dễ dàng tiếp cận các cảnh đẹp này nếu không có hệ thống giao thông thuận tiện.
Nếu chỉ trông chờ và kinh phí từ ngân sách nhà nước sẽ không thể đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển du lịch tại công viên địa chất trong thời gian tới", ông Đôn nói.
Đặc biệt, UNESCO đã nhiều lần khuyến nghị việc thu phí tham quan công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn với tỉnh Hà Giang vào năm 2018 và 2022 nhằm tăng cường công tác tự chủ nhờ thu phí.
Bên cạnh đó, các tiêu chí phát triển giáo dục cộng đồng, dân sinh, bình đẳng giới… cũng được UNESCO quan tâm trong các kỳ tái thẩm định.
Tại công viên địa chất có khoảng 40 điểm có thể thu phí, nhưng hiện tại Hà Giang mới chỉ thu phí 3 điểm gồm hang Lùng Khúy (Quản Bạ); Nhà Vương, cột cờ Lũng Cú (Đồng Văn). Từ năm 2017 đến năm 2021, tổng số phí thu được khoảng 29 tỉ đồng, sau khi nộp ngân sách chỉ còn 17,2 tỉ đồng.
Dự kiến phí tham quan tại các điểm du lịch trong phạm vi công viên địa chất là 15.000 đồng đối với trẻ em và 30.000 đồng đối với người lớn (dự kiến thu phí thông qua lượt lưu trú).
Dự kiến lượng khách tham quan công viên địa chất có thể thu vé sẽ đạt khoảng 1,78 triệu lượt vào năm 2024, dự thu hơn 70 tỉ đồng. Nguồn kinh phí này sẽ được chi cho đơn vị tổ chức quản lý thu phí, cơ sở lưu trú trực tiếp thu phí, bảo tồn, bảo vệ, xây dựng sản phẩm mới ở công viên địa chất.
Công viên địa chất được thành lập vào tháng 9-2009, gồm bốn huyện là Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, với tổng diện tích tự nhiên khoảng 2.356km2. Tới năm 2010, cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO công nhận là công viên địa chất UNESCO đầu tiên ở Việt Nam. Các loại hình thu vé của các di sản trên thế giới có nhiều loại: thuế du lịch; phí bảo vệ tài nguyên, môi trường; phí tiêu dùng dịch vụ du lịch… Hiện các di sản UNESCO tại Việt Nam và thế giới đa số đều thu phí tham quan. Phong Nha - Kẻ Bàng là 150.000 - 400.000 đồng (chưa bao gồm dịch vụ và các điểm tham quan lẻ); Đại Nội Huế 150.000 đồng; Vịnh Hạ Long 250.000 - 750.000 đồng (chưa bao gồm dịch vụ và các điểm tham quan lẻ). Công viên địa chất Thạch Lâm (Trung Quốc) 275 - 280 nhân dân tệ (tương đương 935.000 - 952.000 đồng); công viên địa chất English Riviera (Vương quốc Anh) 7 euro /đêm (tương đương 203.000 đồng)… |
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/khach-quoc-te-ung-ho-thu-phi-tham-quan-cao-nguyen-da-dong-van-20230621133109854.htm