Tôn vinh những người trồng nho là khẳng định của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại khai mạc Lễ hội nho - vang Ninh Thuận 2023 diễn ra vào tối 15-6.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự khai mạc Lễ hội nho - vang Ninh Thuận 2023 - Ảnh: DUY NGỌC
Tham dự khai mạc Lễ hội nho - vang có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng lãnh đạo các bộ, ngành trung ương.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nói: Với tinh thần lao động cần cù, sáng tạo không ngừng của người dân Ninh Thuận, nhiều giống nho đã được trồng thành công cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Ninh Thuận trở thành những địa điểm thu hút khách du lịch trải nghiệm.
Từ những giàn nho tươi ngọt, nhiều sản phẩm đặc trưng của Ninh Thuận đã ra đời như rượu nho, mật nho… giàu dinh dưỡng, là món quà đầy ý nghĩa, thương hiệu, đặc sản của mảnh đất đầy nắng, gió.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại khai mạc Lễ hội nho - vang Ninh Thuận 2023 - Ảnh: DUY NGỌC
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: "Lễ hội nho - vang hôm nay chính là cơ hội để tôn vinh những người nông dân, doanh nhân, nhà khoa học, đồng thời là dịp để trao đổi, chia sẻ cơ hội hợp tác, quảng bá đưa thương hiệu nho - vang Ninh Thuận ra thị trường trong nước, thế giới; theo thời gian sẽ trở thành một nét văn hóa đặc trưng của đất và người Ninh Thuận...".
Lễ khai mạc thu hút người dân và khách du lịch đến tham dự - Ảnh: DUY NGỌC
Đêm khai mạc Lễ hội nho - vang Ninh Thuận 2023 đã đem đến cho người xem sắc màu văn hóa phong phú của vùng đất Ninh Thuận, toàn cảnh quá trình bén rễ và phát triển của cây nho và mở đầu cho các hoạt động quảng bá sản phẩm từ nho, xúc tiến thương mại kết nối người sản xuất và người tiêu dùng, đưa du khách đến trải nghiệm và thưởng thức các sản phẩm từ nho...
Ông Trần Quốc Nam - chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận - cho biết Lễ hội nho - vang được tỉnh duy trì hai năm một lần nhằm xây dựng thương hiệu nho - vang đến với khách du lịch. Lễ hội là dịp tôn vinh người trồng nho và giá trị cây nho, sản phẩm từ nho.
Lễ hội được tổ chức đầu tiên vào năm 2014, từ đó trở thành lễ hội truyền thống của tỉnh.
Người dân và du khách thích thú với màn bắn pháo hoa tầm thấp chào mừng khai mạc Lễ hội nho - vang Ninh Thuận 2023 - Ảnh: DUY NGỌC
Ông Nam nói: "Lễ hội là dịp để quảng bá hình ảnh, quê hương, con người Ninh Thuận, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về kinh tế nông nghiệp, kinh tế biển gắn với văn hóa, du lịch, thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào Ninh Thuận".
Lễ hội nho - vang Ninh Thuận 2023 diễn ra từ ngày 13 đến hết ngày 18-6 với 12 hoạt động cấp tỉnh về văn hóa, thể thao và du lịch đặc sắc, hấp dẫn, quy mô lớn và nhiều hoạt động hưởng ứng khác từ các huyện, thành phố trong tỉnh Ninh Thuận.
Năm nay, Ninh Thuận tổ chức Lễ hội nho - vang gắn với lễ đón bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm" vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Ghi danh nghệ thuật làm gốm vào di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp Tại đêm khai mạc Lễ hội nho - vang, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chia sẻ niềm vui, niềm tự hào với Ninh Thuận trong sự kiện lễ đón bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm" vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chia sẻ: Nghệ thuật làm gốm của người Chăm ở Việt Nam, được tạo tác từ đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Chăm với những dụng cụ đơn giản làm từ tre, vỏ sò, vải…, tạo nên những vật dụng phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày cũng như trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, hay những sản phẩm mỹ nghệ. Mỗi sản phẩm gốm Chăm luôn có những nét độc đáo, riêng có, thể hiện sáng tạo, kỹ năng của mỗi phụ nữ Chăm được trao truyền thông qua thực hành, đồng thời là lăng kính phản chiếu cuộc sống cũng như những nét văn hóa hằng ngày và gửi gắm những khát vọng tươi đẹp của cộng đồng dân cư. Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà bày tỏ: "Chúng ta vui mừng và tự hào khi nghệ thuật làm gốm của người Chăm, nghề thủ công truyền thống đầu tiên, trở thành di sản thứ 15 của Việt Nam được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Đây là niềm tự hào của đồng bào Chăm và của cả cộng đồng 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S tươi đẹp". Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và đoàn công tác đã đến thăm làng gốm Bàu Trúc ở thị trấn Phước Dân (huyện Ninh Phước), được UNESCO ghi vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp năm 2022. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tặng quà cho làng di sản Bàu Trúc - Ảnh: N.P Tại làng gốm, Chủ tịch nước đã đi tham quan, chiêm ngưỡng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và trực tiếp xem các nghệ nhân trình diễn việc tạo nên một tác phẩm nghệ thuật - gốm Chăm - một trong những làng nghề thủ công cổ nhất Đông Nam Á hiện nay. |
Theo Thanh niên
https://tuoitre.vn/chu-tich-nuoc-du-le-hoi-nho-vang-ninh-thuan-20230615154136806.htm