Những tour du lịch làng sẽ hấp dẫn hơn nhờ các thực đơn ấn tượng, mang câu chuyện riêng của ngôi làng đó.
Canh măng mực, gà mía, củ cải khô xào…
Chị Đào Hồng Anh, chủ hàng chè nổi tiếng đê Tô Hoàng (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn đều đặn bán chè, bánh trôi trên mạng. Nhưng hiện lịch cuối tuần của chị có thay đổi. "Chị em đừng quên lịch thứ sáu hằng tuần em có đặc sản Bát Tràng (H.Gia Lâm, Hà Nội) nha, hàng xách tay luôn, sáng em chờ cô làm xong là mang về. Mực xào su hào đặc sản Bát Tràng, đĩa xào thơm nức nở. Cuốn vô cùng luôn", chị viết trên Facebook và cũng hướng dẫn khách nhận đồ về chỉ cần cho vào đảo nóng, thêm gói gia vị là có đĩa mực xào su hào đặc sản Bát Tràng thơm ngon.
Cỗ sen của làng Đường Lâm Quyên Hoàng
Bên cạnh đó, chị Anh còn bán liên tục món canh măng mực Bát Tràng. Chị cho biết món canh này giòn, ngọt thơm, để ngăn đá bảo quản được 3 tháng. Khi ăn chỉ cần thêm nước vào đun, nước dùng gà là hợp lý nhất, là có món canh huyền thoại của ngôi làng này.
Vài năm trở lại đây, mâm cỗ đã trở thành một phần của điểm đến Bát Tràng, vốn là làng nghề gốm sứ nổi tiếng. Trong đó, hai món ăn liên quan đến mực nói trên là món nhận diện. "Chúng tôi đến Bát Tràng xem nghề gốm và ăn cỗ làng. Lần nào cũng cố đi thật đông để ăn được nhiều món hơn. Chứ nếu chỉ 2 người lại phải chờ ghép mâm mà không phải lúc nào cũng ghép được. Tôi xem gốm nhiều rồi nên sau chỉ sang ăn cỗ là chính, foodtour là chính", chị Hà Thủy, một người hay thăm thú, ăn cỗ ở đây, chia sẻ.
Ngoài ra, cỗ làng ở Đường Lâm (TX.Sơn Tây, Hà Nội) cũng được nhiều người ưng ý. Làng Đường Lâm có những ngôi nhà cổ với chum tương san sát, và "gây thương nhớ" với món gà mía. Gà mía ở Đường Lâm được bảo tồn gien, thịt nâu vị ngọt, hoàn toàn khác với loại gà già "giả danh" gà mía ngoài chợ. "Thực đơn có gà mía luộc, đậu phụ, lòng gà xào củ cải khô, thịt quay giòn (cũng là đặc sản Đường Lâm). Món gà và món xào rất đáng nhớ", một hướng dẫn viên cho biết. Khách du lịch còn thường mua thêm củ cải khô ở làng Đường Lâm về nấu ăn.
Cũng là cỗ nhưng cỗ ở Cổ Loa (H.Đông Anh, Hà Nội) lại "nổi" hơn vào mùa lạnh. Cổ Loa có món bún xào cần và giò mo. Bún ở đây sợi thô, giòn, không trắng tinh. Bún xào lên ngấm thơm mùi rau cần và không cần thịt bò vẫn rất ngon. Giò mo cũng vậy, giòn và thoáng hương mo cau. Khách đi hội đền Cổ Loa vào tháng giêng rất thích được ăn bữa cỗ có bún xào và giò mo như vậy.
Món mới, tour mới
Là một phần của du lịch ở làng, rõ ràng những thực đơn nổi danh như của Bát Tràng, Đường Lâm vô cùng cần thiết. Nhưng những thực đơn đó cũng cần được mở rộng. Mới đây, làng Đường Lâm ra mắt mâm cỗ mới là cỗ sen với hoa sen chiên, cơm sen, chè sen… "Chúng tôi có hai thực đơn được ưa thích. Một là cơm quê với gà mía hấp, thịt quay giòn, đậu phụ tẩm hành, canh cua… và thực đơn mới là sen. Thực đơn chúng tôi tự nghĩ ra", chị Na ở Đường Lâm nói. Thực đơn sen này rất được khách Nhật Bản ưa chuộng.
Làng cổ Đường Lâm nổi tiếng với những chum tương được làm theo cách truyền thống Trương Tú
Bên cạnh thực đơn đã có, các làng cần thêm thực đơn mới và truyền thông nhiều hơn nữa nếu muốn xây dựng hình ảnh điểm đến có ẩm thực hấp dẫn. Ở làng Lai Xá (H.Hoài Đức, Hà Nội), món bún nộm cần là một đặc sản. Món bún này được đặt trong không gian làng với câu chuyện về hành trình lịch sử của món ăn. "Chúng tôi có câu chuyện vì sao món bún này ra đời. Chúng tôi kể cùng với không gian văn hóa làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá. Những câu chuyện riêng biệt như thế sẽ tạo nên sự hấp dẫn cho làng", PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, nói. Ông Huy cũng là người đã tham gia làm nội dung cho bảo tàng nghề nhiếp ảnh làng Lai Xá.
Chính vì thế, câu chuyện về gà mía cũng cần được kể nhiều hơn trong mỗi tour du lịch Đường Lâm. Chẳng hạn, gà mía đã được bảo tồn thế nào, khó khăn ra sao. Những bí quyết phân biệt gà mía cũng có thể trở thành nội dung của tour du lịch.
Ở Bát Tràng, nếu đúng dịp, bạn sẽ được nghe câu chuyện về món ăn của làng trong buổi trà sen sau cỗ. "Chúng tôi vẫn nấu theo kiểu xưa. Ông bà chúng tôi là người Hà Nội, khi tôi về làm dâu các cụ dạy kỹ lắm", nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Thị Lâm ở Bát Tràng nói. Cỗ có các món như gà luộc, nem rán, chim câu hầm, su hào xào mực, canh măng mực, xôi chè… Từng món đều có những bí quyết tỉ mỉ.
Bà Lâm đang ấp ủ một cuốn sách về các món ăn. Một bộ postcard cũng có thể ra đời để khách du lịch viết lời đề tặng bạn bè trên những trang thiếp có công thức nấu nướng. Khi những ấn phẩm này hoàn thành, tour ẩm thực Bát Tràng rõ ràng sẽ có thêm phong vị mới.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/co-o-lang-de-khoe-lang-185230612005545928.htm