Số lượng khách tăng mạnh so với cùng kỳ, nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn được đưa vào khai thác; liên kết giữa các điểm đến được gắn kết chặt chẽ và thu hút đông đảo du khách... là những tín hiệu tích cực của du lịch Việt Nam dịp nghỉ lễ. Hoạt động du lịch tiếp tục duy trì đà phục hồi và đã hoàn toàn vượt qua khó khăn sau giai đoạn dịch bệnh.
Khách du lịch được trải nghiệm làm những món ăn truyền thống của Việt Nam - Ảnh: VGP/Diệp Anh
Tổng thu du lịch dịp nghỉ lễ đạt 24.000 tỷ đồng
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Du lịch Việt Nam vừa công bố, trong kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4 - 1/5 (từ 29/4 đến 3/5), cả nước ước tính đã đón hơn 300.000 khách quốc tế, phục vụ khoảng 7 triệu lượt khách nội địa (tăng 40% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó 3,2 triệu lượt khách có lưu trú.
Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 24.000 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt 60%, những ngày cao điểm đạt hơn 70%, một số khu vực số phòng đạt tỉ lệ lấp đầy 95-100%.
Tổng cục Du lịch cho biết các doanh nghiệp lữ hành và các hãng hàng không đã chủ động giới thiệu sản phẩm kích cầu hấp dẫn, phù hợp xu hướng và tâm lý của du khách.
Với những chính sách ưu đãi, giảm giá cùng nhiều sản phẩm mới mà các đơn vị lữ hành tung ra trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, lượng du khách đặt tour, vé máy bay có sự gia tăng, cơ bản đạt được mục tiêu kinh doanh đặt ra.
Sản phẩm du lịch đường biển được ưa chuộng - Ảnh: VGP/Diệp Anh
Sản phẩm du lịch đường biển được ưa chuộng
Các sản phẩm du lịch được doanh nghiệp chủ động làm mới, liên kết, thu hút đông đảo du khách như: Chuỗi các sự kiện thuộc chương trình "Khởi động mùa hè" (Quốc Oai, Hà Nội); các chương trình trải nghiệm sinh thái, gắn với di tích lịch sử - tâm linh và văn hóa tại Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội); chương trình tham quan di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Trụ sở HĐND và UBND TPHCM…
Đặc biệt sản phẩm du lịch đường biển (tàu biển, du thuyền xuyên Việt, tour đảo) được du khách quốc tế ưa chuộng, lựa chọn cao. Theo đó, Saigontourist đã đón liên tục 10 đoàn khách quốc tế đến Việt Nam với hơn 5.000 du khách từ Đức, Pháp và các nước châu Á để tham gia tour du thuyền xuyên vịnh; Vietravel đã phục vụ hơn 10.000 lượt khách quốc tế, chiếm 50% số lượng khách phục vụ trong kỳ nghỉ lễ, sản phẩm chủ đạo được lựa chọn là tour biển, tour du thuyền dài ngày ở...
Lượng khách đặt tour đi nước ngoài cũng tăng mạnh, đạt tỉ lệ lấp đầy hơn 90%, thậm chí có tour đã hết chỗ như Thái Lan, Hàn Quốc, Bali (Indonesia)...
Một số đường bay du lịch trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vẫn vắng khách, mặc dù giá vé tại một số chặng bay đã giảm nhẹ khoảng 10-15% so với trước đó.
Cụ thể, đường bay xuất phát từ Hà Nội vào ngày 28/4 đi các điểm du lịch như Cam Ranh, Đà Nẵng, Đà Lạt, Phú Quốc, Tuy Hòa, Bình Định, tỉ lệ đặt chỗ chỉ dao động từ 65% đến 77%. Trong khi đó, các đường bay đi các điểm như Đồng Hới, Buôn Ma Thuột, Côn Đảo, Rạch Giá có tỉ lệ đặt chỗ trên 90%; các đường bay đi Huế, Pleiku, Cần Thơ có tỉ lệ đặt chỗ trên 80%.
Thanh Hóa dẫn đầu về số lượt khách đến nghỉ lễ
Theo Tổng cục Du lịch, kỳ nghỉ lễ năm nay, một số địa bàn du lịch trên cả nước đã ghi nhận những tín hiệu tích cực, với lượng khách tăng đáng kể; có nơi lượng khách không đạt như kỳ vọng nhưng chất lượng khách tốt hơn.
Bên cạnh đó, vì thời gian nghỉ tương đối dài nên đa số lựa chọn của khách du lịch là một số khu, điểm du lịch gần biển, có sản phẩm du lịch biển phát triển như: Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Phòng..., hoặc vui chơi, tham quan các khu, điểm du lịch gần, có thể đi về trong ngày, chủ yếu là các khu điểm du lịch văn hóa, sinh thái, đối tượng chủ yếu là khách lẻ, khách đi theo gia đình, theo nhóm ít người (từ 3-5 người).
Thanh Hóa là địa phương dẫn đầu về tổng lượt khách trong đợt nghỉ lễ với hơn 1,190 triệu lượt (tăng 33,1% so với dịp nghỉ lễ cùng kỳ năm 2022). Tổng thu du lịch đạt khoảng 2.865 tỷ đồng, tăng 48,3% so với dịp nghỉ lễ cùng kỳ 2022.
Tiếp đến là Cần Thơ với 982.000 lượt khách, trong đó có khoảng 1.800 lượt khách quốc tế, còn lại là khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 523 tỷ đồng.
TPHCM phục vụ 950.000 lượt khách (tăng 126,2% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có khoảng 48.000 lượt khách quốc tế, công suất phòng trung bình đạt 70-75%, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 3.130 tỷ đồng (tăng 94,4% so với cùng kỳ năm trước).
Nghệ An đón khoảng 780.000 lượt khách (bằng 110% so với năm 2022, trong đó khách lưu trú đạt 330.000 lượt). Công suất phòng bình quân đạt 80-85%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 1.500 tỷ đồng.
Thủ đô Hà Nội phục vụ 719.000 lượt khách (bao gồm 69.500 lượt khách quốc tế và 650.000 lượt khách nội địa), công suất phòng trung bình đạt khoảng 58,4%. Tổng thu từ khách du lịch đạt 2.400 tỷ đồng.
Bà Rịa - Vũng Tàu đón khoảng 499.730 lượt khách (tăng 46,1 % so với năm 2022), trong đó khách quốc tế là 11.834 lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 633,69 tỷ đồng. Công suất phòng trung bình đạt 75-80%.
Đà Nẵng phục vụ khoảng 321.623 lượt khách du lịch (tăng 26,6% so với năm 2022), trong đó có khoảng 34.800 lượt khách quốc tế, công suất phòng trung bình đạt 70-75%.
Quảng Bình phục vụ khoảng 250.000 lượt khách (tăng 73,91% so với cùng kỳ năm 2022), công suất phòng trung bình của các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 85%. Tổng thu từ khách du lịch đạt 282,5 tỷ đồng (tăng 78,66% so với cùng kỳ năm ngoái).
Kiên Giang đón khoảng 264.938 lượt khách (giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2022), công suất phòng trung bình đạt 54%. Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 132,5 tỷ đồng (giảm 24,3% so với cùng kỳ)
Bình Thuận phục vụ khoảng 160.000 lượt khách du lịch (tăng gấp 2 lần so với năm 2022), công suất phòng trung bình đạt xấp xỉ 85-90%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 230 tỷ đồng.
Quảng Nam phục vụ khoảng 245.000 lượt, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, khách quốc tế đạt 119.700 lượt, khách nội địa đạt 125.300 lượt. Công suất sử dụng phòng đạt khoảng 85-95%.
Thừa Thiên Huế đón 99.000 lượt khách (tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có khoảng 36.300 lượt khách quốc tế, tăng gấp 26 lần so với cùng kỳ 2022. Công suất phòng trung bình đạt 85%. Tổng thu từ khách du lịch đạt 153 tỷ đồng (tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái).
Đông đảo khách du lịch chờ đợi đi xe buýt 2 tầng ngắm cảnh Hà Nội từ trên cao - Ảnh: VGP/Hà Ngô
Tín hiệu vui khi du lịch tiếp tục duy trì đà phục hồi
Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, trong dịp nghỉ lễ dài ngày này, nhờ có sự chủ động chuẩn bị và tổ chức nhiều sự kiện có quy mô lớn của địa phương, trung tâm du lịch, sự đồng hành của doanh nghiệp đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, thúc đẩy nhu cầu vui chơi giải trí, mua sắm, tham quan của du khách trong cao điểm du lịch hè 2023.
Đây là tín hiệu tích cực cho thấy hoạt động du lịch tiếp tục duy trì được đà phục hồi và đã hoàn toàn vượt qua khó khăn sau giai đoạn dịch bệnh. Tín hiệu khách quốc tế tăng cũng chứng tỏ hướng đi đúng đắn, kịp thời của du lịch Việt Nam trong cơ cấu lại thị trường khách, chủ động làm mới sản phẩm của mình và chủ động xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam hiệu quả.
Tuy nhiên, theo dõi tình hình từ các địa phương cho thấy hiện tượng ùn tắc cục bộ vẫn diễn ra vào giờ cao điểm và kéo dài trong nhiều giờ. Vì vậy, còn xảy ra hiện tượng hủy lịch trình, hủy dịch vụ do tình trạng ùn tắc kéo dài trên các tuyến quốc lộ.
Chất lượng phục vụ chưa thực sự đáp ứng kỳ vọng của du khách, bởi tình trạng đông đúc, chen lấn cục bộ vẫn diễn ra tại một số địa phương trọng điểm du lịch. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực du lịch vẫn bị thiếu hụt, chưa kịp đào tạo bổ sung.
Đó là những hạn chế, tồn tại mà trong thời gian tới các địa phương, điểm đến cần tiếp tục khắc phục để mùa du lịch 2023 diễn ra an toàn, thân thiện và hấp dẫn.
Theo Báo Chính phủ
https://baochinhphu.vn/tin-hieu-tich-cuc-cua-du-lich-viet-nam-tu-dip-nghi-le-102230504123743239.htm