Thời gian gần đây, dòng phim này đã có những thay đổi nhất định, mang nhiều hơn hơi thở cuộc sống khiến kết cấu phim không quá cũ kỹ, nhạt nhòa so với các dòng phim khác
Phim "Vợ quan" do Nhâm Minh Hiền đạo diễn, được sáng tác dựa trên tiểu thuyết cùng tên của tác giả Đường Đạt Thiên, lên sóng SCTV14 - Kênh Phim Việt từ ngày 12-6. Phim thu hút sự chú ý của khán giả ngay từ tựa phim.
Giảm độ khô khan
Nội dung của "Vợ quan" khai thác về Thiếu Phong (NSƯT Trương Minh Quốc Thái đóng) - Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Nam Đông (thành phố giả định). Thiếu Phong có người vợ là bác sĩ Thùy Như (Thân Thúy Hà đóng) và một người tình trong bóng tối là Thiên Thư (Thùy Anh đóng) - giáo viên dạy yoga. Thùy Như nỗ lực chi tiền, mở rộng quan hệ với hội phu nhân quan chức giúp Thiếu Phong tranh chức Giám đốc Sở Xây dựng sau khi ông Xuân - Giám đốc sở đương nhiệm bị đột quỵ.
Trong những tập được phát sóng vừa qua cho thấy mạch phim nhanh, không rề rà, các diễn viên diễn xuất ổn. Một số khán giả bình luận trên các diễn đàn, trang thông tin phim: "Phim hợp thời thế, phản ánh chủ đề thời sự, đáng theo dõi"; "Phim phản ánh được một số hiện thực chuyện các bà vợ quan ngày nay, đang chờ tập tiếp theo"…
Một cảnh trong phim “Vợ quan”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
"Vợ quan" là tác phẩm thuộc dòng chính luận hiếm hoi do nhà sản xuất miền Nam thực hiện. Không khai thác theo kiểu chính trường khô khan, phim xoáy vào một góc mềm mại nhưng không kém phần khốc liệt khác là đời sống tình cảm, gia đình của những người giữ chức vụ cao tại một thành phố. Đây là yếu tố khiến phim mới lạ, không quá nặng nề lý tưởng hóa một hình ảnh nào đó thường thấy trong dòng phim chính luận. Những vòng xoáy giữa vợ và người tình, sự che giấu tham vọng tiền tài và dục vọng tình ái của một người có địa vị như Thiếu Phong là yếu tố tạo kịch tính, tăng hấp dẫn cho phim.
Trước "Vợ quan", khán giả thích thú xen lẫn không ít tranh cãi quanh các phim chính luận và có yếu tố chính luận như "Bão ngầm" của đạo diễn Đinh Thái Thụy - dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Đào Trung Hiếu, "Hồ sơ cá sấu" của đạo diễn NSƯT Nguyễn Mai Hiền, "Lựa chọn số phận" của đạo diễn - NSƯT Mai Hồng Phong và Bùi Quốc Việt, "Sinh tử" của đạo diễn - NSND Nguyễn Khải Hưng và NSƯT Nguyễn Mai Hiền.
Điểm chung của các phim chính luận và có yếu tố chính luận được kể này là giảm được độ khô khan, pha trộn các yếu tố hành động, thời sự tạo kịch tính xuyên suốt. Trong đó, phim "Bão ngầm" mang đến sự khác biệt về đầu tư bối cảnh đẹp, tình tiết gay cấn, lột tả mặt tốt và cả mặt xấu của lực lượng công an trong cuộc chiến chống ma túy. Phim "Lựa chọn số phận" khai thác nghề thẩm phán. Phim không kể chuyện kiểu tuyên truyền mà đan xen cuộc sống đời thường của các thẩm phán với những biến cố tạo thắt mở, hấp dẫn khán giả. Phim "Sinh tử" cảnh tỉnh về sự tha hóa của cán bộ, nạn tham nhũng nhưng đan xen vào đó là tình cảm gia đình.
Hẳn nhiên, các phim này cũng có điểm trừ, gây tranh cãi, không thoát được tình trạng "đầu voi đuôi chuột"… nhưng tổng thể vẫn tạo được sức hút lớn, tạo sự tươi mới cho dòng chính luận cũng như thu hút nhiều khán giả hơn cho dòng phim này.
Đậm hơi thở thời đại
Nhắc đến dòng phim chính luận, người trong giới đều nhận định rất khó thực hiện. Thậm chí, dòng phim này còn được nhận định trong 3 chữ K là "khó, khô, khổ". Trong đó, kịch bản phim sao cho hấp dẫn, lôi cuốn nhưng vẫn ở mức độ cho phép thực hiện được, không quá đà để khó lên sóng là điều cân nhắc của ê-kíp thực hiện.
Kịch bản ổn, không đi vào lối mòn cũ kỹ, nhàm chán đòi hỏi đạo diễn phải chắc tay nghề, hiểu và cảm kịch bản, đây cũng là điều không dễ dàng. Như bao phim khác, phim chính luận đòi hỏi diễn viên diễn xuất tốt mới có thể khiến khán giả tin tưởng rằng đó là nhân vật mà không phải một sự giả tạo nào đó. Diễn viên hợp vai, nhiều kinh nghiệm và lột tả nhân vật đúng với mong muốn cũng không phải dễ dàng tìm được.
Đạo diễn Nhâm Minh Hiền cho biết phim "Vợ quan" có 40% tình tiết từ tiểu thuyết gốc, còn lại là quá trình lao động của nhóm biên kịch. Anh và các biên kịch Nguyễn Thu Phương, Quách Thùy Nhung, Đặng Thanh đã bắt tay vào chuyển thể kịch bản này từ hơn 2 năm trước. Trong đó, thời gian để phát triển câu chuyện thành đề cương hoàn chỉnh (chưa có thoại chi tiết) đã mất gần trọn 1 năm. Nhà biên kịch Kim Ngọc nhìn nhận việc khai thác thẳng vào vấn đề, đậm hơi thở thời đại, không quanh co, xa gần gây lan man, khó hiểu là yếu tố góp phần tạo sức hấp dẫn cho dòng phim chính luận thời gian gần đây.
Theo Minh Khuê/ Người lao động
https://nld.com.vn/van-nghe/phim-chinh-luan-cuon-hut-va-tuoi-moi-20220620222352802.htm