19
/
129514
Án phạt nào với nghệ sĩ "sa lầy" vì ma túy: Cấm biểu diễn hay không?
an-phat-nao-voi-nghe-si-sa-lay-vi-ma-tuy-cam-bieu-dien-hay-khong
news

Án phạt nào với nghệ sĩ "sa lầy" vì ma túy: Cấm biểu diễn hay không?

Thứ 4, 15/06/2022 | 11:30:00
3,027 lượt xem

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã thẳng thắn trao đổi với phóng viên Dân trí về vấn đề này.

Thưa ông, câu chuyện diễn viên Hữu Tín bị tạm giữ để điều tra về hành vi tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy đang gây xôn xao dư luận. Trên thực tế, trước đây, trường hợp nghệ sĩ vướng vòng lao lý vì chất cấm không phải là hi hữu. Nhiều khán giả đã yêu cầu "cấm sóng", "cấm biểu diễn" đối với những nghệ sĩ vi phạm đạo đức. Điều này có thể được lý giải như thế nào?

- Chúng ta luôn đánh giá cao vai trò của nghệ thuật đối với sự phát triển đất nước. Nghệ thuật trước hết phải vì con người, vì cuộc sống, từ đó, nghệ thuật mới lan tỏa được giá trị chân - thiện - mỹ, định hướng sự phát triển đạo đức xã hội.

Tuy nhiên, để nghệ thuật đi vào lòng người, truyền cảm hứng sáng tạo, nghệ thuật cũng đồng thời phải là cái đẹp, tôn vinh cái đẹp. Có được điều đó, nghệ thuật sẽ mang đến ý nghĩa nhiều hơn trong cuộc sống.

Án phạt nào với nghệ sĩ sa lầy vì ma túy: Cấm biểu diễn hay không? - 1

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (Ảnh: Quốc Chính).

Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn như dịch bệnh Covid-19, trách nhiệm trước cuộc sống của nghệ thuật càng rõ ràng hơn. Với sự đồng hành của nghệ thuật, chúng ta sẽ có một đời sống tinh thần tích cực và lành mạnh hơn, vượt qua khó khăn, thử thách, đạt được thắng lợi cuối cùng một cách dễ dàng hơn.

Nghệ sĩ - trung tâm của nghệ thuật luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội.

Do hoàn cảnh đất nước ta như vậy nên nghệ sĩ có trách nhiệm (và cũng là vinh dự) đối với sự phát triển chung của xã hội, đặc biệt là đạo đức xã hội.

Có thể ở một số quốc gia khác, trong nền văn hóa khác, sự đánh giá về đạo đức của nghệ sĩ ít khắt khe hơn. Khán giả cho rằng, dù sao nghệ sĩ cũng là con người của nghệ thuật, cần sự ngẫu hứng sáng tạo, đồng thời họ cũng được xem xét với tư cách là con người bình thường, vì thế họ cũng có thể bị những cám dỗ đời thường ảnh hưởng đến cuộc sống riêng tư.

Nhưng đối với những đất nước Á Đông, đặc biệt là Việt Nam, nghệ sĩ thường nhận được sự quan tâm khắt khe hơn, cả ở khía cạnh tác phẩm và đời tư. Đó là lý do tại sao, mỗi khi nghệ sĩ hành động lệch chuẩn, phản cảm, thậm chí vi phạm pháp luật luôn có dư luận yêu cầu "cấm sóng", "phong sát".

Vậy "án phạt" nào cho nghệ sĩ vi phạm đạo đức, cụ thể ở đây là dính vào chất cấm, có nên cấm sóng hay cấm quay lại hoạt động biểu diễn nghệ thuật hay không?

- Quan điểm của tôi là, vì pháp luật là đạo đức tối thiểu còn đạo đức là luật pháp tối đa, nên trước hết nghệ sĩ phải được xử lý theo các quy định cụ thể của luật pháp.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần có những chế tài mạnh mẽ hơn như cấm sóng, cấm quay lại biểu diễn trong một khoảng thời gian nhất định hoặc vô thời hạn tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng trong hành vi của nghệ sĩ.

Điều này sẽ trả lại môi trường trong lành cho nghệ thuật, có tác dụng tốt đối với sự phát triển đạo đức cho xã hội.

Án phạt nào với nghệ sĩ sa lầy vì ma túy: Cấm biểu diễn hay không? - 2

Ngày 14/6, theo nguồn tin của Dân trí, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 8, TPHCM đã tạm giữ Trần Hữu Tín (diễn viên hài Hữu Tín, 35 tuổi) để điều tra về hành vi tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Ảnh: Facebook nhân vật).

Trên thực tế, rất nhiều nghệ sĩ sau khi chấp hành án phạt vẫn quay trở lại hoạt động rầm rộ, ông nhận định gì về vấn đề này?

- Về cơ bản, tôi nghĩ chúng ta không cấm hoàn toàn nghệ sĩ quay lại biểu diễn, cống hiến cho nghệ thuật và công chúng.

Nhiều nghệ sĩ là những con người tài năng. Nếu chúng ta biết cách sử dụng tài năng của họ thì nghệ thuật nói riêng, đất nước nói chung cũng được hưởng lợi.

Hơn thế, người Việt Nam chúng ta có câu: "Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại".

Vì thế, tôi cho rằng, trong những trường hợp nhất định, nghệ sĩ có thể quay lại với nghệ thuật. Tuy vậy, điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Thứ nhất là sự cầu thị của nghệ sĩ, theo đó, họ quyết tâm, nỗ lực thay đổi bản thân theo hướng tích cực hơn. Tôi thấy, một số nghệ sĩ đã trưởng thành hơn, đóng góp nhiều hơn cho nghệ thuật, cho công chúng sau những vấp ngã ban đầu.

Đó là những ví dụ cho thấy quá trình hoàn thiện bản thân của nghệ sĩ, và cũng là bài học tốt cho những người đã từng sai lầm nhưng bằng quyết tâm sửa chữa, họ trở thành người có ích cho gia đình, xã hội.

Thứ hai là mức độ nghiêm trọng trong hành vi của nghệ sĩ. Những hành vi do vô tình, bồng bột, thiếu hiểu biết,… có thể được dư luận xã hội tha thứ, cảm thông nhưng những hành vi nghiêm trọng, lặp lại nhiều lần không thể tha thứ được trong môi trường nghệ thuật.

Đối với những nghệ sĩ như vậy thì cách tốt nhất là chúng ta nên loại họ ra khỏi đời sống nghệ thuật. Điều này không chỉ tốt cho xã hội nói chung mà còn tốt cho chính nghệ sĩ đó.

Như ông vừa đề cập đến, không ít nghệ sĩ cải tạo tốt, hoàn lương, quay trở lại vẫn được công chúng đón nhận nhưng cũng có những nghệ sĩ trượt dài từ khi "sa lầy". Phải chăng án phạt trong lòng công chúng mới là bản án nghiêm khắc nhất, thưa ông?

- Tôi cũng nghĩ như vậy! Nghệ sĩ luôn cần có công chúng. Việc sửa chữa sai lầm để trưởng thành hơn trong cuộc sống và nghệ thuật, theo tôi, cũng là chuyện bình thường.

Tôi nhớ, trong tác phẩm Thoái Thực ký văn, tác giả Trương Quốc Dụng viết: "Người không có gì tốt bằng sửa lỗi. Phi Mạnh đời Trần làm An phủ sứ Diễn Châu, vì nhận hối lộ nên bị giáng chức, sau được phục quan. Người ta khen rằng: "An phủ sứ Diễn Châu trong như nước".

Cũng một con người, trước sau đức hạnh khác nhau. Vì thế quân tử quý ở chỗ thấy thiện thì theo, có sai thì sửa vậy".

Như vậy, sự đón nhận của công chúng chính là tín hiệu tích cực nhất đối với nghệ sĩ và với cả xã hội. Khi công chúng đón nhận trở lại tài năng và đạo đức của nghệ sĩ, nghệ thuật nói riêng, xã hội nói chung có thêm những tác phẩm nghệ thuật truyền cảm hứng.

Cũng chính vì thế, sự quay trở lại của nghệ sĩ cần phải bắt đầu từ công chúng và bằng công chúng. Nếu không, dù cố gắng đến mấy, nghệ sĩ cũng sẽ đơn độc, và đó là án phạt nặng nề nhất đối với họ.

Xin cảm ơn ông!

Theo Phương Nhung/ Dân trí

https://dantri.com.vn/van-hoa/an-phat-nao-voi-nghe-si-sa-lay-vi-ma-tuy-cam-bieu-dien-hay-khong-20220615074122370.htm

  • Từ khóa

Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 7 sẽ diễn ra vào ngày 29/11

Ngày 2/11, tại Hà Nội, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức họp báo thông tin về Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 7-năm 2024 sẽ diễn ra vào ngày 29/11...
16:55 - 22/11/2024
792 lượt xem

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói gì về 'làng chạy' thành làng du lịch tốt nhất?

Từ một nơi dân phải bồng bế nhau chạy trốn, làng Tân Hóa nay sống khỏe nhờ cách làm du lịch độc đáo.
15:40 - 22/11/2024
809 lượt xem

'Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca thế kỷ' đưa 100 văn nghệ sĩ TP.HCM thăm vùng Tây Bắc

Hành trình 'Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca thế kỷ' diễn ra từ ngày 26 đến 30-11 với các hoạt động ý nghĩa như: Trao quà hỗ trợ bà con khó khăn, bị ảnh...
14:14 - 22/11/2024
862 lượt xem

Sáng đạo trong đời đánh thức nội tâm thanh tịnh trong ta, yêu thương từ bi lan tỏa

Hòa thượng Thích Thọ Lạc nói xem triển lãm ‘Sáng đạo trong đời’ chúng ta, như được chiêm ngưỡng một thế giới nội tâm thanh tịnh, nơi mà tình yêu thương và...
14:50 - 22/11/2024
859 lượt xem

Liên hoan Ẩm thực quốc tế 2024 sẽ giới thiệu món ăn đặc sắc từ 60 quốc gia

Ngày 21/11, tại Hà Nội, Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn (Bộ Ngoại giao) phối hợp các đơn vị liên quan và nhà tài trợ đã tổ chức họp báo giới thiệu Liên hoan...
11:58 - 22/11/2024
938 lượt xem