Nhiều phim truyền hình Việt bị chỉ trích cường điệu hóa bi kịch, đẩy số phận nhân vật vào tình cảnh bi thương thái quá, gây ức chế cho người xem
Việc lặp đi lặp lại công thức sử dụng yếu tố bi kịch như phương pháp tạo cao trào, kịch tính để thu hút khán giả trên phim truyền hình đang khiến khán giả nhàm chán.
Bi kịch quá đà
Gần đây, phim truyền hình "Thương ngày nắng về" phần 2 của đạo diễn Bùi Tiến Huy trở thành tâm điểm tranh cãi bởi những tình tiết đẩy bi kịch quá đà cho nhân vật. Tác phẩm Việt hóa từ phim "Mother of mine" của Hàn Quốc này từng có phần 1 được ngợi khen Việt hóa tốt và những tập đầu phần 2 thu hút không kém.
Cường điệu hóa bi kịch gây tranh cãi trong phim “Thương ngày nắng về” phần 2. (Ảnh cắt từ màn hình)
Khán giả chỉ dần cảm thấy ngán ngẩm khi phim xoáy sâu vào cuộc hôn nhân của Vân Khánh (Lan Phương thủ diễn) với mẹ và chị chồng khắc nghiệt. Sự mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu gây đau khổ cho Vân Khánh, nước mắt liên tục khiến khán giả ngán ngẩm. Mọi thứ trở nên vô lý quá đà, sự dồn nén tạo nên đỉnh điểm tranh cãi sau tập 20. Trong tập này, vì muốn hại Khánh mà chị chồng của cô đã chuốc thuốc mê, sắp xếp người âm mưu giở trò đồi bại với cô... Dù chưa bị xâm hại nhưng Vân Khánh khóc hết nước mắt khi bị đẩy vào cảnh tình ngay lý gian trước mặt mẹ chồng và chồng.
Nhiều khán giả chỉ trích phim đã cố tình tạo thêm bi kịch cho nhân vật nên tình tiết trở nên gượng ép, sắp đặt. Họ bình luận: "Phim nói về tình cảm mẹ con nhưng dường như đã bị bẻ lái sang vấn đề khác, xem rất mệt mỏi"; "Phim cố tình cho nhân vật đi đến tận cùng bi kịch nhưng nó thiếu hợp lý mà lại khiến người xem thấy mệt mỏi, nhàm chán"...
Trước đó, phim "Cây táo nở hoa" phát sóng năm 2021, được Việt hóa từ tác phẩm "What’s wrong Poong Sang" của Hàn Quốc cũng mắc phải tình huống tương tự. Ở giai đoạn đầu, phim thu hút bởi diễn xuất tốt của dàn diễn viên, câu chuyện tình cảm anh em gần gũi. Tuy nhiên, về sau phim bi kịch dồn dập, khán giả càng xem càng mệt mỏi. Trong đó, nhân vật người anh cả Ngọc (Thái Hòa đóng) bị cho là thiếu thực tế, bi kịch hóa một cách quá đà.
Phim "Thương con cá rô đồng" của đạo diễn Hoàng Tuấn Cường, phát sóng năm 2021 cũng gây không ít tranh cãi vì cuộc đời nhân vật nữ chính Thương (Lê Phương đóng) quá bi kịch. Nhiều nước mắt và nỗi đau giằng xé đôi lúc trở nên gượng ép.
Một số phim khác khai thác mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu đôi khi quá đà và theo một chiều hướng tiêu cực cũng gây chán ngán không kém: "Sống chung với mẹ chồng", "Cả một đời ân oán"... "Chuyện mẹ chồng nàng dâu mâu thuẫn không hiếm hoi trong đời thật nhưng mối quan hệ này không phải lúc nào cũng đến mức căm ghét, xem nhau là kẻ thù phải triệt hạ như trong một số phim" - khán giả Nguyễn Thị Nguyên - quận 8, TP HCM - nhận xét.
Hướng đến lối sống tích cực
Để tăng sức hút với khán giả, phim truyền hình Việt hiện nay luôn nỗ lực tạo nhiều cao trào trong từng tập phim và kéo dài đến cuối. Các cao trào này nhằm khiến mạch phim nhanh hơn, hấp dẫn hơn. Song nhiều phim lạm dụng bi kịch để tạo cao trào mà không sử dụng những yếu tố khác, lặp đi lặp lại một thủ pháp khiến khán giả dần nhàm chán và cũng làm mất đi màu sắc đa dạng mà phim Việt đang nỗ lực tạo dựng.
Phim truyền hình Hàn Quốc từng một thời dày đặc các phim cường điệu hóa bi kịch, tràn ngập nước mắt như: "Chuyện tình mùa đông", "Trái tim mùa thu"… nhưng đã thoái trào từ lâu. Họ đã thay đổi theo hướng gần gũi hơn với đời thật, có vui có buồn. Thậm chí, một số phim truyền hình Hàn Quốc hiện nay hướng nhiều vào yếu tố tiếng cười, đề cao lối sống lạc quan, tích cực, có tác dụng chữa lành: "Điệu cha cha cha làng biển", "Khi hoa trà nở", "Mùa hè yêu dấu của chúng ta"…
Việc cường điệu hóa bi kịch không phải hướng tốt so với yếu tố giản dị, chân thật, đời thường. Trong phim truyền hình Việt, một số phim nhẹ nhàng, tình cảm cũng từng nhận phản hồi tốt: "11 tháng 5 ngày", "Lối về miền hoa"... cho thấy sức hấp dẫn của một phim không phải chỉ dựa hoàn toàn vào yếu tố bi kịch.
"Phim truyền hình Việt đang khai thác bi kịch quá nhiều. Chúng ta cần những phim pha trộn hài hòa với các yếu tố hài hước, dí dỏm nhằm tôn cái đẹp nhân văn, hướng đến lối sống tích cực. Đó không phải cuộc sống màu hồng theo kiểu lạc quan tếu, tô hồng nhưng cũng không thể bi kịch theo kiểu đời là nước mắt" - biên kịch Đông Hoa nhận định.
Theo các nhà chuyên môn, phim truyền hình Việt cần phải phát triển nhiều thể loại, chủ đề và cả yếu tố phù hợp với nhu cầu từng thời điểm của khán giả. Đã đến lúc thị trường phim truyền hình Việt cần hướng đến những giá trị sống tích cực, có tác dụng chữa lành hơn là tạo sự thương cảm. |
https://nld.com.vn/van-nghe/bi-thuong-thai-qua-se-bi-khan-gia-quay-lung-20220527201448979.htm