"Aretha, chúng ta thường leo lên mái nhà và hát to nhất có thể để át đi tiếng cãi nhau của ba mẹ. Làm sao mà em quên được thế?", người chị gái hỏi Aretha Franklin, trong một phân cảnh của bộ phim Respect về cuộc đời nữ danh ca.
Jennifer Hudson vào vai nữ danh ca Aretha Franklin trong phim Respect. Cô nhận được 1 đề cử Grammy 2022 cho Best Compilation Soundtrack For Visual Media (Tác phẩm âm nhạc biên soạn xuất sắc nhất cho phim ảnh) - Ảnh: IMDb
Aretha (Jennifer Hudson thủ vai) lặng người đi. Cô không biết và không nhớ gì hết. Dường như cô đã hát nhiều đến mức ngay cả những chấn thương cũng buộc phải cúi đầu lắng nghe tiếng hát của cô.
Làm gì khi sống trong thế giới nam trị?
Sau phân cảnh đó, Aretha ngồi trước cây đàn piano lúc 3 giờ sáng, viết lại một bản nhạc nổi tiếng của Otis Redding. Tiếng đàn hát rộn ràng làm những người chị em gái của cô tỉnh giấc, và trong lúc cao hứng, họ ngẫu hứng ra những câu hát bè tuyệt đẹp từ chỉ một chữ Ree - tên thân mật của Aretha. Ba người phụ nữ say sưa cất giọng giữa đêm sâu. Vậy là thế giới đã có ca khúc Respect.
Toàn bộ bộ phim Respect của đạo diễn Liesl Tommy nói cho cùng là để trả lời cho câu hỏi, một người phụ nữ phải làm gì khi sống trong thế giới nam trị? Aretha Franklin sinh ra trong một gia đình có vai vế trong cộng đồng da màu. Khách khứa của cha cô là Martin Luther King, Sam Cooke, Dinah Washington.
Nhưng trong một môi trường cấp tiến như thế, Aretha vẫn không tự do. Có rất nhiều cảnh phim được xây dựng theo cùng môtip: những người đàn ông nhân danh lợi ích của cô - nào cha, nào chồng, nào quản lý, nào nhà sản xuất - quát nạt, gào thét, lao vào nhau như đám bò tót nổi điên. Aretha đứng ở giữa, gần như im lặng, quan sát họ xáp lá cà để giành giật cuộc đời cô. Cứ như nó có thể bị giành giật...
Hát để hình dung lại về thế giới
Jennifer Hudson với giọng hát đẹp chói lóa và đôi mắt sáng như sao đã làm nên một chân dung khác với hình tượng ta vẫn mặc định về Aretha - vị nữ hoàng trong chiếc áo khoác lông thú, luôn tỏa hào khí trấn áp, đi đến đâu cũng như thỏi nam châm hút mọi vinh quang. Kỳ thực, Aretha và tiếng hát dữ dội của mình đến từ sự nhẫn nhục quá lâu, sự câm lặng quá dài.
Nhưng điểm tinh tế nhất của bộ phim không nằm ở sự chia rẽ hay đổ lỗi. Có một phân đoạn rất nhỏ khi nhà sản xuất giới thiệu cho Aretha một nhóm nam nhạc công da trắng. Trong khi chồng cô và nhà sản xuất tranh cãi trên quan điểm ý thức hệ, Aretha nhận họ chỉ vì tiếng đàn của họ "có hồn". Là người da màu, cô hiểu rõ vực sâu giữa các màu da. Là phụ nữ, cô cũng hiểu rõ trò chơi nam quyền. Bất chấp điều đó, Aretha vẫn nhìn ra tâm hồn của những kẻ "phía bên kia".
Cho nên đừng hỏi tại sao Aretha được gọi là "giọng ca định nghĩa cho thế kỷ 20", thế kỷ của rất nhiều xung đột. Là bởi Aretha hát để lên án nhưng không để gây hấn, hát để phơi bày nỗi đau nhưng cũng hát để yêu, và hát để át đi thế giới nhưng cũng hát để hình dung lại về thế giới.
Ca khúc vĩ đại trao quyền cho phụ nữ
Tháng 9 năm nay, Respect phiên bản của Aretha Franklin được tạp chí Rolling Stone xếp ở vị trí cao nhất trong danh sách 500 ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại phiên bản mới nhất.
Năm 2004, khi danh sách được chọn ra lần đầu, vị trí ấy thuộc về Like a Rolling Stone của Bob Dylan. Khi được hỏi một ca khúc chua chát đối với phụ nữ như thế là nhằm giày vò họ hay muốn giúp họ thay đổi cuộc đời, Dylan đáp: "Tôi muốn chọc tức họ". Từ điểm nhìn ấy, ta sẽ hiểu ẩn ý chính trị khi thay thế Like a Rolling Stone bằng Respect.
Trong bản Respect gốc, Otis Redding bày tỏ nỗi lòng của một người chồng sau ngày làm việc vất vả, đòi hỏi sự tôn trọng từ người phụ nữ của mình. Trong bản của Aretha, người phụ nữ "xin một chút tôn trọng khi anh về nhà", nếu không cô sẽ ra đi. Dylan chọc tức phụ nữ, Aretha lại trao quyền cho họ.
Theo Hiền Trang/ Tuổi Trẻ
https://tuoitre.vn/respect-chan-dung-mot-nu-hoang-20211129214929871.htm