'Văn hóa có vai trò soi đường cho quốc dân. Điện ảnh là một loại hình văn hóa, loại hình nghệ thuật, có làm được vai trò, nhiệm vụ đó không?', Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề với các nhà làm phim Việt Nam.
Cảnh trong phim Áo lụa Hà Đông
Những năm gần đây, ở lĩnh vực phim điện ảnh và cả truyền hình, dòng phim chính luận, kinh điển tôn vinh bản sắc văn hóa, con người, lịch sử Việt Nam dường như không nhiều. Những phim thắng thế ở các rạp hay thu hút khán giả trên màn ảnh nhỏ đều là thể loại phim hài nhảm, tình yêu, gia đình, hành động…
'Hồn Việt' qua phim từng gây thương nhớ
Theo xu hướng thị trường giải trí đơn thuần, có thể thấy dòng phim đậm hồn Việt sẽ kén người xem và không phải ai cũng hợp “khẩu vị”, nhất là giới trẻ. Nhưng với lịch sử, văn hóa hơn 4.000 năm thì đây là một kho tàng để chúng ta khai thác, có thể tạo ra những bộ phim kinh điển không kém gì Trung Quốc, Hàn Quốc. Nói như đạo diễn Lương Đình Dũng: “Rõ ràng với bề dày lịch sử và nền văn hóa vô cùng đa dạng của nước ta, chúng ta hoàn toàn có tiềm năng và nhiều cơ hội để khai thác rất nhiều đề tài làm phim. Nếu chúng ta có thể nắm bắt được cơ hội và khai thác thì chúng ta hoàn toàn có thể đưa những tác phẩm Việt Nam độc đáo và riêng biệt để giới thiệu với khán giả trên thế giới. Và tôi chắc chắn rằng thế giới cũng sẽ ngạc nhiên, bất ngờ với câu chuyện mà chúng ta mang đến cho họ”.
Cánh đồng bất tận ra mắt cách đây hơn 10 năm, từng là một bộ phim mang đậm dấu ấn của con người Việt Nam
Thật ra cách đây nhiều năm, khán giả Việt Nam từng rất tâm đắc khi xem Cánh đồng bất tận của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình hay Áo lụa Hà Đông của Lưu Huỳnh, Cha cõng con của Lương Đình Dũng, Mùa len trâu của Nguyễn Võ Nghiêm Minh, Chuyện của Pao của Ngô Quang Hải… Ở đó, thân phận con người, bi kịch và nước mắt được khắc họa một cách sống động và chân thực bằng ngôn ngữ điện ảnh. Khán giả từng thổn thức, lay động bởi cảnh sông nước miền Tây êm đềm, bình yên qua những con kênh chằng chịt, những cánh đồng lúa mênh mông… trong Cánh đồng bất tận được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Ở đó, những phận người thật khốn cùng, nhỏ bé qua những nhân vật Võ, Nương, Sương. Nhưng nơi ấy vẫn tồn tại khao khát tình yêu, tình người và một mái ấm êm đềm….
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh cũng là bộ phim mang đậm bản sắc Việt được chuyển thể từ truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh
Hay một bộ phim khác của đạo diễn Lưu Huỳnh là Áo lụa Hà Đông ra mắt năm 2006. Tác phẩm điện ảnh này từng gửi hồ sơ tranh giải tại Oscar 2008 và nhận nhiều giải thưởng quốc tế trước đó. Một bộ phim mang đậm hồn Việt nói về một gia đình ở miền Nam phải rời bỏ quê vì sự áp bức của cường hào, địa chủ, rồi lưu lạc về Hội An (Quảng Nam) mang theo chiếc áo lụa Hà Đông, kỷ vật duy nhất của người mẹ và cũng là gia tài duy nhất. Nhưng sự tàn khốc của chiến tranh đã khiến gia đình Gù và Dần tan nát, người mất, kẻ còn. Bộ phim khắc họa cảm xúc và chân thật về nỗi đau do tai ương, chiến tranh và tình mẫu tử, nghĩa vợ chồng…
Cảnh sông nước miền Tây trong phim Cánh đồng bất tận từng khiến khán giả thương nhớ
Ở dòng phim khai thác những nhân vật lịch sử thì mảng điện ảnh rất hiếm nhưng mảng truyền hình từng có Thái sư Trần Thủ Độ, Huyền sử Thiên đô hay Lý Công Uẩn - Đường tới Thăng Long… Dù được đầu tư kinh phí lớn, được kỳ vọng là những bộ phim truyền hình “đắt giá” về một giai đoạn lịch sử rực rỡ của dân tộc nhưng "số phận" của những tác phẩm này khá lao đao và cuối cùng vẫn không để lại nhiều ấn tượng với công chúng.
Nhưng có thể nói lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam là mảng đề tài đồ sộ như một bạn đọc đã cảm thán: “Nước Việt mấy nghìn năm đấu tranh dựng nước, giữ nước không thiếu những nhân vật, sự kiện, đề tài để làm phim, để tạo dựng hình ảnh, bản sắc dân tộc. Trong khi đó, khán giả Việt có khi am hiểu lịch sử văn hóa Trung, Hàn còn nhiều hơn văn hóa lịch sử Việt”.
Cảnh trong phim Áo lụa Hà Đông
Cần một cú huých 'công nghiệp văn hóa'
Những năm gần đây, hầu như những bộ phim mang đậm hồn Việt gần như bị “ngó lơ” mà thay vào đó là hài nhảm, là hành động, là cảnh nóng… Tất nhiên trong xu thế hiện đại, người ta có thể làm phim về cuộc sống, con người của thời đại 4.0 nhưng không có nghĩa là những giá trị cốt lõi bị lãng quên, tinh thần dân tộc và bản sắc Việt không thể tái dựng trên màn ảnh Việt. Nhìn một chút về nền phim ảnh của các nước trong khu vực như Trung Quốc hay Hàn Quốc.có thể thấy họ đều khai thác rất tốt khi biết “cài cắm” lịch sử, văn hóa, con người bản địa vào phim. Trung Quốc vốn là “ông trùm” phim cổ trang hay Hàn Quốc ngoài phim cổ trang, hành động nếu “soi” kỹ thì có thể thấy họ có một nền điện ảnh rất biết cách làm “công nghiệp văn hóa”.
Nữ đạo diễn Dương Diệu Linh chia sẻ: “Điện ảnh Hàn là bậc thầy trong việc này, thậm chí mỗi bộ phim hay sêri họ đưa ra đều trở thành “trendsetter (người thiết lập xu hướng)”, ví dụ như trend kẹo mút khổng lồ trong phim Goong, trend uống rượu soju với whipping cream trong Hoàng tử gác mái, hay gần đây nhất là trò tách kẹo trong phim Trò chơi con mực chẳng hạn. Họ cũng chịu khó tìm những địa điểm quay phim xuyên suốt đất nước để thu hút khách du lịch, từ những nơi nổi tiếng như đảo Jeju, cung điện Deoksugung, đến những vùng "khỉ ho cò gáy" như thành phố Pohang trong phim Điệu Cha cha cha làng biển mới nổi gần đây. Và họ đặc biệt chịu khó quảng bá cho ẩm thực Hàn Quốc, đến mức thịt nướng Hàn Quốc và rượu soju đã len lỏi tới hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á”.
Phim Cha cõng con của đạo diễn Lương Đình Dũng từng nhận nhiều giải thưởng
Với tư duy làm phim hiện đại, mới đây trên màn ảnh rộng của Việt Nam những bộ phim như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Mắt biếc, Tháng năm rực rỡ, Thưa mẹ con đi, Cô gái đến từ hôm qua… khán giả Việt cũng đã được “mãn nhãn” với cảnh non nước hữu tình, danh lam thắng cảnh của Việt Nam. Nhưng trong giai đoạn hội nhập và phát triển có sự canh tranh khốc liệt thì vấn đề “thương mại hóa” trong nghệ thuật lại càng khốc liệt. Điều này sẽ đặt các nhà làm phim Việt Nam vào thách thức khi sản xuất những bộ phim nghệ thuật khai thác đề tài văn hóa, lịch sử…
Đạo diễn Cha cõng con chia sẻ: “Với tôi, các bộ phim khai thác về đề tài lịch sử và văn hoá luôn là những bộ phim rất khó và thách thức để thực hiện. Nó đòi hỏi ít nhất gấp đôi khối lượng công việc mà chúng ta cần làm trên rất nhiều vấn đề. Nhưng cũng đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận và đánh giá kỹ càng vì nếu chúng ta có thể làm tốt được việc phát triển các bộ phim điện ảnh gắn với văn hóa, lịch sử và con người Việt Nam, tôi vô cùng tự hào để nói rằng chúng ta có rất nhiều câu chuyện để kể, để tạo ra những bộ phim hấp dẫn khán giả một cách mạnh mẽ. Trên thế giới hiện nay, có rất nhiều tác phẩm điện ảnh văn hóa - lịch sử tiêu biểu, không chỉ thành công trong việc giới thiệu và đưa đến khán giả những hình ảnh về lịch sử, văn hóa mà còn đạt được doanh thu lớn về mặt kinh tế. Và đây chính là kinh nghiệm tiêu biểu và thực tiễn để chúng ta có thể xem xét, học hỏi và tìm ra phương thức mà họ đã thành công để có lối đi cho các bộ phim của mình”.
Cảnh sắc Việt Nam đẹp ấn tượng trong phim Cha cõng con
“Ai cũng có niềm tự hào và tự tôn dân tộc, vì “bài học đầu tiên có bóng hình núi sông, yêu thương những cánh đồng, nối tiếp đường cha ông”. Ai mà không muốn xem một bộ phim nói tiếng mẹ đẻ của mình, về văn hóa của mình, về lịch sử của mình, về những con người và câu chuyện xung quanh mình. Cá nhân tôi vẫn mơ về một ngày người Trung Quốc, người Hàn Quốc, sẽ biết sử Việt Nam, muốn mặc áo dài, muốn đội nón lá, muốn ăn đồ ăn đường phố Việt Nam, thay vì điều ngược lại như bây giờ”, nữ đạo diễn Dương Diệu Linh nói. Mong muốn này của một người làm phim trẻ như đạo diễn Dương Diệu Linh có lẽ cũng chính là khao khát của người Việt Nam, những nhà làm phim Việt đủ tâm và tầm.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/phim-dam-chat-viet-nam-chiec-ao-co-qua-rong-post1395462.html